Hội thảo nhằm “Điều tra đánh giá hiện trạng các hệ sinh thái, xây dựng các luận cứ khoa học đề xuất dự án khu bảo tồn biển đảo Lý Sơn”. Theo PGS- TS Vũ Thanh Ca - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo VN), ở nước ta các hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển đóng góp rất lớn vào việc phát triển kinh tế - xã hội thông qua bảo đảm an ninh lương thực, duy trì nguồn gen và cung cấp nguyên liệu để sản xuất nhiều loại thuốc. Riêng tại vùng biển đảo Lý Sơn, rạn san hô và cỏ biển là hai kiểu hệ sinh thái đặc trưng với rất nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao và một số loài quí hiếm như san hô xanh, san hô đen, bào ngư, trai tai tượng. Tuy nhiên, qua 2 đợt khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo cho thấy hệ sinh thái biển ở đảo Lý Sơn đã bị suy giảm nghiêm trọng.
Sự đa dạng của hệ sinh thái vùng biển và hệ sinh thái đảo Lý Sơn là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, nhưng rất nhạy cảm, dễ bị biến động và suy thoái. Do vậy, để khai thác hiệu quả những tiềm năng ấy phục vụ phát triển du lịch trên đảo Lý Sơn đòi hỏi phải dựa trên những căn cứ khoa học, phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn, nâng cao đời sống và nhận thức của nhân dân. Đặc biệt, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ hệ sinh thái biển, chống các hình thức đánh bắt cạn kiệt, mang tính hủy diệt song hành với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội hợp lý, đào tạo, chuyển
đổi nghề nghiệp, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống người dân có tầm quan trọng đặc biệt.
Hệ sinh thái rạn san hô biển Lý Sơn có tổng số 107 loài san hô cứng phân bố (Latypov, 1995 và Võ Sĩ Tuấn 2003) và được đánh giá là có diện tích lớn nhất (1.704 ha) so với diện tích các vùng rạn trên 10 vùng biển khác (vùng biển Cô Tô 369,8 ha; Bạch Long Vĩ 1.578 ha; Cồn Cỏ 274 ha; Cù Lao Chàm 116 ha; Vịnh Nha Trang 731 ha; Phú Quý 1488 ha; Nam Yết 250 ha; Côn Đảo 903 ha và Phú Quốc 220 ha) (Đỗ Văn Khương và ctv, 2008). Những nhóm loài sinh vật phân bố trong hệ sinh thái rạn vùng biển này rất đa dạng; như cá rạn 98 loài (Lại Duy Phương và ctv, 2008), thân mềm 47 loài (Nguyễn Huy Yết và ctv, 2001), da gai 27 loài, giáp xác 39 loài (Đỗ Công Thung, 2001), thực vật phù du 168 loài, 79 loài/nhóm loài động vật phù du (Nguyễn Dương Thạo, 2001). . Trong đó có nhiều loài hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, ghẹ, hải sâm, vẹm xanh, điệp, cá thu, cá mú, cua biển, mực... Thảm rong - cỏ biển trong vùng biển này được đánh giá là có diện tích và trữ lượng tương đối lớn. Các kết quả nghiên cứu của Nguyễn Hữu Đại & Phạm Hữu Trí (2006) đã xác định có 161 loài rong - cỏ biển phân bố ở vùng biển Lý Sơn. Trong thành phần rong biển đảo Lý Sơn, có khoảng 20 loài có giá trị kinh tế có trữ lượng ước tính gần 1.000 tấn tươi/năm. Hệ sinh thái rong - cỏ biển Lý Sơn có vai trò quan trọng trong hoạt động điều chỉnh, ổn định môi trường sống, tạo nguồn thức ăn, nơi cư trú lý tưởng cho nhiều loài sinh vật biển có giá trị kinh tế, khoa học (như rùa biển, cá ngựa, hải sâm, tôm , cua, cá, động vật đáy, thân mềm...).
Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hải sản (2005- 2007), do ảnh hưởng của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, khai thác quá mức nguồn lợi, các tác động tiêu cực lên môi trường ở vùng gần bờ dẫn đến các hệ sinh thái điển hình như san hô, vùng triều tại Lý Sơn đang có xu hướng bị thu hẹp diện tích, độ phủ và chất lượng của các hệ sinh thái cũng đang có chiều hướng suy thoái, đa dạng sinh học bị giảm sút trong những năm gần đây. Nhiều loài quí hiếm, đặc hữu hoặc có giá trị kinh tế cao đang dần bị suy giảm. Với mục đích bảo tồn, phát triển và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên biển, việc thành lập Khu bảo tồn biển đảo Lý Sơn là rất cần thiết, có ý nghĩa thực tiễn và khoa học cao.
Tiềm năng bảo tồn biển: Qua tìm hiểu và tổng hợp sơ lược các kết quả nghiên cứu từ trước tới nay cho thấy khu vực biển đảo Lý Sơn là khu vực có có
nhiều tiềm năng bảo tồn như: các điều kiện tư nhiên của vùng bển thuận lợi cho sinh vật phát triển (độ muối tương đối cao, chất lượng nước chưa bị ô nhiễm, chất đáy chủ yếu là đá gốc, cát thuận lợi cho rạn san hô và thảm rong - cỏ biển phát triển). Tính đa dạng sinh học cao, có giá trị kinh tế, khoa. Là khu vực cung cấp nguồn giống cho vùng biển lân cận, đảm bảo năng suất sinh học cho vùng nước quanh đảo. Nhưng do nhiều lý do khác nhau, đa dạng sinh học, nguồn lợi sinh vật đang ngày càng có xu hướng bị suy giảm. Vì vậy, yêu cầu về bảo tồn, hay nói cách khác là tiềm năng bảo tồn ở khu vực là rất cao. Việc quy hoạch vùng này thành khu bảo tồn biển với các chức năng nhiệm vụ rõ ràng cần phải nhanh chóng được hoàn thiện.