Tình hình nghiên cứu động vật đáy ở Hòn Mê – Thanh Hóa

Một phần của tài liệu tổng quan tình hình nghiên cứu về động vật đáy trong hệ sinh thái rạn san hô và vùng ven đảo ở 19 đảo (Trang 25 - 31)

Vùng biển quần đảo Hòn Mê thuộc huyện Tĩnh Gia, nằm ở phía nam của tỉnh Thanh Hóa, giáp với huyện Quỳnh Lưu của tỉnh Nghệ An. Đây là một quần đảo lớn của vùng biển ven bờ Bắc Trung Bộ, đóng vai trò rất quan trọng về an ninh, quốc phòng, kinh tế và sinh thái khu vực. Vùng biển quanh đảo Hòn Mê từ xưa nổi tiếng là một ngư trường tốt vào bậc nhất của vịnh bắc bộ xét về sản lượng đánh bắt, phẩm chất cá và thời gian khai thác trong năm. Ngư trường này chắc chắn có liên quan chặt chẽ với sự có mặt của quần đảo hòn Mê vì chính địa thế quần đảo với sự có mặt của hệ sinh thái san hô đóng vai trò giữ giống, bảo vệ nguồn gen cho khu vực.

Quần đảo Hòn Mê có vị trí toạ độ 19°22' - 19°23' N, 105°55' - 105°56' E, thuộc huyện Tĩnh Gia, nằm ở phía nam tỉnh Thanh Hóa và cách đất liền 11km. Tổng diện tích của quần đảo (phần đảo) này vào khoảng 450ha, trong đó đảo Hòn Mê có diện tích lớn nhất (420ha) và hơn 10 đảo nhỏ (diện tích khoảng 30ha). Khu vực này có khí hậu nhiệt đới gió mùa và chịu ảnh hưởng của 2 mùa gió trong năm là gió mùa đông bắc và gió mùa đông nam. Trên đảo hiện nay chưa có dân định cư, chỉ có đơn vị bộ đội đóng quân. Tuy nhiên, do nằm khá gần đất liền nên hoạt động khai thác hải sản ở đây rất nhộn nhịp, nhất là vào mùa khai thác.

Quần đảo Hòn Mê là khu vực đánh bắt cá quan trọng ở Vịnh Bắc Bộ, là nơi kiếm sống của các cộng đồng dân cư huyện Tĩnh Gia và các tỉnh lân cận. Trong khu vực có một số lượng các loài cá có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, bào ngư, trai ngọc, hải sâm và một số loài rong biển. Theo kết quả điều tra trước đây của Viện Tài nguyên và Môi trường biển, khu vực quanh đảo Hòn Mê có khoảng 440 loài sinh vật biển thuộc 165 giống bao gồm 133 loài thực vật phù du, 46 loài động vật phù du, 8 loài rong biển, 56 loài san hô, 141 loài động vật đáy và 55 loài cá san hô. Tuy san hô có số loài không cao song chúng được coi là cái nôi của cho các loài sinh vật biển cư trú, đặc biệt là các loài cá, trai, ốc (là các đối tượng khai thác chính của ngư dân). Do các hoạt động khai thác huỷ diệt cộng với sự ô nhiễm môi trường từ các hoạt động ven bờ gây ra, các rạn san hô ở đây đang bị suy thoái nghiêm trọng, nhiều nơi chỉ còn lại nhóm san hô dạng khối và có độ phủ không cao, bình quân dưới 30%.

Hệ sinh thái vùng triều rạn đá: Đây là loại hệ sinh thái rất quan trọng ở quần đảo Hòn Mê. Vùng triều đá chiếm hầu hết diện tích ven đảo, là nơi cư trú của rất nhiều loài sinh vật ven bờ, đặc biệt nhóm ốc, hầu, giáp xác nhỏ và rong biển, vùng cận triều thường có bào ngư tôm hùm trong hang hốc. Vào tháng 4 – 5 khi rong biển phát triển cực thịnh, các thảm rong mơ phủ kín vùng triều đá và cận triều. Xét về tính đa dạng sinh học thì vùng triều là một trong những sinh cảnh có sự đa dạng cao nhất, đặc biệt là vùng triều rạn đá.

Hệ sinh thái các bãi cát – cát bùn: ven bán đảo Nghi Sơn là các bãi cát mịn đẹp và các bãi cát bùn rộng hàng trăm ha. Các bãi cát mịn đẹp có giá trị du lịch sinh thái cao. Các bãi bùn, cát ven bán đảo có nhiều loài sinh vật sinh sống, tạo thành các bãi đặc sản như bái sò huyết (Anadara granosa), bãi sò lông (Anadara antiquata), bãi ngao dầu (Meretrix meretrix) .v.v. Đây là khu vực

giúp cho người dân nghèo, ít vốn hàng ngày khai thác khi triều rút, đảm bảo cuộc sống hàng ngày của gia đình họ.

Hệ sinh thái san hô: Là loại hệ sinh thái quan trọng nhất của biển nhiệt đới. Hệ sinh thái rạn san hô có năng suất sinh học và tính đa dạng thuộc loại cao nhất hành tinh, có vẻ đẹp quyến rũ nên có tiềm năng to lớn cho kinh tế du lịch. Rạn san hô chẳng những cung cấp cho người dân ven bờ nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao mà còn có giá trị lớn trong việc bảo tồn nguồn giống ven bờ, tạo ra nguồn vật chất hữu cơ giàu có cung cấp cho chuỗi thức ăn của vùng biển ven bờ. Vùng quần đảo Hòn Mê có 36 loài san hô tạo rạn phân bố, nhiều chỗ chúng phát triển tập trung thành rạn kiểu patch reef. Trước năm 1993 san hô đảo Hòn Mê phát triển khá tốt, kể cả nhóm san hô dạng cành là Acropora. Sau 4 năm khảo sát lặp lại thấy rạn san hô ở đây đang bị suy thoái nghiêm trọng. Nguyên nhân của quá trình suy thoái này có thể có nhiều, song rõ nhất là hoạt động nổ mìn. Ngoài ra có thể là do hoạt động khai thác của nghề câu cá rạn.

Đa dạng sinh học biển đã được khảo sát khá chi tiết 1 đợt vào tháng 10/1997 do Viện Tài nguyên và Môi trường biển thực hiện với chuyên môn là thực vật phù du, động vật phù du, rong biển, san hô, động vật đáy (thân mềm, giáp xác, giun đốt và da gai), cá san hô. Trong số các nhóm sinh vật đã khảo sát thì động vật đáy có số loài nhiều nhất (141 loài, chiếm 32,3%); sau đó lần lượt tới thực vật phù du (133 loài, 20%); san hô (56 loài, 12,7%); cá san hô – nhóm sống không rời các rạn (55 loài, 12,5%); động vật phù du (46 loài, 10,5%); ít nhất là rong biển chỉ có 8 loài (1,8%) do khảo sát vào tháng rong đã bị tàn lụi.

Trong số 141 loài động vật đáy thuộc 102 giống, 66 họ của 4 nhóm động vật đáy chính, bao gồm:

- Ngành giun đốt (Annelida) có lớp giun nhiều tơ (polychaeta) có 19 loài, 14 giống, 11 họ.

- Ngành chân đốt (Arthropoda) có lớp giáp xác (crustacea), có 19 loài, 18 giống, 11 họ.

- Ngành thân mềm (Mollusca) có 95 loài, 61 giống, 36 họ. - Ngành da gai (Echinodermata) có 8 loài, 8 giống, 7 họ.

Ngoài sự phong phú và đa dạng nguồn gen, khu hệ sinh vật đáy ở đây còn có nhiều loài sinh vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng cần được quan

tâm nghiên cứu bảo vệ. Qua kết quả phân tích, thống kê được 5 loài thân mềm có trong Sách Đỏ Việt Nam, đó là:

- Bào ngư hình bầu dục Haliotis ovina. - Ốc đụn đực Tectus pyramis.

- Ốc xà cừ Turbo marmoratus.

- Trai ngọc môi vàng Pinctada margaritifera. - Sút Anomalocardia squamosa.

Ngoài 5 loài đã thống kê ở trên, nhiều loài quý hiếm khác cũng có khả năng phân bố ở vùng biển này như ốc hương babylonia, ốc nhảy đỏ lợi

Strombus luhuanus, tôm hùm Panulirus, theo ngư dân địa phương là có mặt quanh đảo nhưng do chúng tôi không thu được mẫu nên không đưa vào danh mục.

Trong đợt khảo sát tháng tháng 4/2009 các loài thân mềm quý hiếm chỉ còn phát hiện được hai loài gồm:

- Loài bàn mai quạt Pinna atrina

- Loài trai ngọc môi vàng Pinctada margaritifera

Hai loài Ốc đụn đực và Ốc xà cừ đã không còn thấy trên các rạn san hô. Tuy vậy cũng lưu ý là tại đây có bãi cá mực lớn phân bố xung quanh đảo Hòn Mê và các bãi hầu phân bố ven chân các đảo. Đây là dạng nguồn lợi quan trọng, giúp những người dân địa phương kiếm sống hàng ngày. Tại đây, chúng tôi còn phát hiện một số loài động vật đáy có giá trị dược liệu như loài nhím biển (Diaderma setosum) hoặc một số loài san hô mềm thuộc nhóm Lobophytum và Sarcophyton

Như vậy, các kết quả nghiên cứu trong đợt này về động vật đáy, đã xác định các loài quý hiếm trước đây, hiện nay còn lại rất ít. Đặc biệt một số loài có giá trị kinh tế như bào ngư thì gần như không thấy xuất hiện. Xét cấu trúc thành phần loài ĐVĐ của vùng biển xung quanh đảo Hòn Mê cho thấy: thân mềm có thành phần loài phong phú nhất, chiếm 67,3% tổng số loài, giun nhiều tơ và giáp xác có số loài tương đương đứng thứ 2, chiếm 13,5% tổng số loài, da gai chiếm tỷ lệ số loài thấp nhất, chỉ có 5,7%.

Xét đến taxon bậc giống cho thấy, trong giun nhiều tơ có 1 giống đạt số loài cao nhất, 3 loài, 3 giống khác, mỗi giống có 2 loài, số còn lại mỗi giống có 1 loài.

Căn cứ vào sự hiện diện của các loài, vào phương thức sống của chúng ở vùng biển xung quanh quần đảo Hòn Mê cho thấy: ĐVĐ tại đây bao gồm các đại diện của 2 quần xã cơ bản: quần xã đáy cứng (hard bottom) sống trên nền đáy đá, phân bố từ vùng triều xuống vùng dưới triều và quần xã đáy mềm (soft bottom) thuộc nền đáy cát ít bùn ở vùng dưới triều.

Ngoài ra, cũng dễ dàng nhận thấy tuyệt đại đa số các loài đều là các đại diện sống ở biển có độ muối cao và ổn định. Điều này hoàn toàn phù hợp với vị thế của đảo, nằm tương đối xa đất liền (khoảng 15km), xa các cửa sông.

Đặc điểm sinh vật lượng: Ở vùng biển xung quanh quần đảo Hòn Mê các nhóm ĐVĐ chiếm các thứ hạng khác nhau trong thành phần sinh vật lượng. Ở vùng dưới triều (đáy mềm), giun nhiều tơ, đạt sinh vật lượng bình quân cao nhất (46 con, 1,24g/m2), sau đến giáp xác (17 con, 0,65g/m2) và thân mềm (18 con, 0,52 g/m2). Da gai có sinh vật lượng bình quân thấp nhất, chỉ đạt 3 con, 0,14g/m2. Trái lại trên vùng triều đáy cứng, thân mềm lại có sinh vật lượng bình quân cao nhất, đạt 213 con, 13,8 g/m2 sau đến giun nhiều tơ (150 con, 2,54 g/m2) và giáp xác thấp nhất (88 con, 2,6 g/m2).

Phân bố của ĐVĐ: Ở Hòn Mê và các đảo lân cận như Hòn Đót, Hòn

Vàng, Hòn Miệng, Hòn Bảng về cơ bản đều là các đảo đá. Do sự xâm thực mạnh của sóng biển nên xung quanh đảo đều có các bãi đá tảng lớn với vách đá dốc từ 40 – 50o (Vụng Nhà Đèn, Hòn Miệng). Chỉ gặp bãi đá tảng, đá cục cỡ vừa xen lẫn sỏi sạn với độ dốc thoai thoải ở Hòn Bảng và bán đảo Nghi Sơn. Ngoài ra cũng chỉ thấy một bãi triều cát không lớn bên cạnh cầu cảng của đơn vị bộ đội bảo vệ đảo Hòn Mê.

- Khu cao triều: Khu này dường như dành cho các loài có khả năng chịu hạn tốt nhờ cơ chế giữ nước của cơ thể. Thuộc về nhóm này có các loài

Chthamalus sp. Mitella mitella sống bám cố định trên các tảng đá hoặc các khe đá. Đáng chú ý, các loài ốc nhỏ thuộc họ Littorinidae lại có khả năng chịu hạn cao hơn. Chúng có thể bò qua khỏi vùng triều lên tới vùng trên triều của các vách đá. Ngoài ra, khu cao triều còn có những loài hầu (Ostrea spp) có khả năng phân bố tới nửa trên của khu trung triều, hoặc các loài cua Grapsus

trnuicrustatus, Metopograpsus quadridentatus, có khả năng vận động nhanh kiếm mồi trên cả khu cao và trung triều. Một số loài khác phân bố hẹp hơn, chỉ ở khu cao triều (Sesarma bidens) hoặc ở ranh giới khu cao-trung triều (Nerita albicilla).

- Khu trung triều: Bao gồm các loài có khả năng phân bố rộng trên cả hai khu trung – cao triều hoặc trung – thấp triều.

- Khu thấp triều: Bao gồm các loài chịu sự ngập nước thường xuyên hơn. Hầu hết các loài sống bám cố định vào các khe đá nhờ các chân tơ tạo thành các quần thể hoặc các đám nhỏ. Các đại diện điển hình: Mytilus edulis, Pinctada margaritifera, Isognomum legumen, Pinna spp.

Tiềm năng nguồn lợi động vật đáy:

- Tiềm năng nguồn gen: Với 141 loài động vật đáy đã phát hiện được, ta thấy tiềm năng nguồn gen của sinh vật đáy của vùng biển quanh các đảo của quần đảo Hòn Mê rất phong phú, đa dạng, đặc biệt là thân mềm với 95 loài. Tuy nhiên, kết quả còn nhiều hạn chế do không có khả năng tổ chức khảo sát bằng lưới vét các vùng biển xa bờ xung quanh quần đảo này, vì vậy trong danh mục còn vắng mặt nhiều loài giáp xác và thân mềm có giá trị (ví dụ ốc hương Babylonia).

- Các loài có giá trị kinh tế: Xét về mặt kinh tế, động vật đáy có thể chia ra các nhóm khác nhau, đáng chú ý hơn cả là giá trị thực phẩm, giá trị thương mại như làm đồ mỹ nghệ hay nuôi lấy ngọc...

- Về giá trị thực phẩm: đáng chú ý hơn cả là các loài thuộc bộ giáp xác mười chân (Decapoda), các loài ốc như bào ngư Haliotis ovina, ốc đụn Tectus pyramis, Trochus maculatus, ốc đĩa Nerita albicilla, ốc hương Babylonia areolata, các loài trai như sò Anadara antiquata, vẹm xanh Myrilus viridis, bàn mai Pinna spp., hàu Ostrea spp., một số loài thuộc lớp biện mang (Eulamellibranchia). Chúng là những đối tượng thường được ngư dân khai thác bổ xung cho bữa ăn hàng ngày thay cho các loại thực phẩm giàu chất đạm khác như thịt, trứng...

- Về giá trị thương mại: ngoài giá trị thực phẩm thông thường, một số loài được coi là đặc sản do có giá trị thực phẩm cao như bào ngư (Haliotis ovina), tôm hùm (Palinurus), sò (Anadara antiquata), ốc hương (Babylonia areolata) nên chúng vầ là những đối tượng được khai thác, nuôi và xuất khẩu. Nhiều loài còn có giá trị làm đồ mỹ nghệ như để khảm xà cừ như bào ngư, vẹm, trai ngọc, ốc đụn... Vì vậy chúng là những đối tượng khai thác, thu mua của các cơ sở làm đồ mỹ nghệ. Một số loài khác còn có giá trị mỹ nghệ trực tiếp nhờ hình thù kỳ dị, độc đáo như ốc đụn Trochus, ốc xà cừ Turbo, ốc bông

Cypraea, ốc gai Muricidae, ốc tù và Hemifusus tuba... để bán cho khách du lịch trong nước và quốc tế.

Một phần của tài liệu tổng quan tình hình nghiên cứu về động vật đáy trong hệ sinh thái rạn san hô và vùng ven đảo ở 19 đảo (Trang 25 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(72 trang)
w