Giai đoạn thi công

Một phần của tài liệu Nghiên cứu những tác động môi trường chủ yếu dự án đường ven biển Vĩnh Hy - Ninh Chữ tỉnh Ninh Thuận và giải pháp giảm thiểu (Trang 69 - 75)

1) Hạn chế tác động đến môi trường không khí

 Làm ẩm các khu vực thi công có khả năng phát tán bụi

Bụi và khí thải là tác nhân ô nhiễm chính và tác động với cường độ rất lớn trong quá trình thi công, đặc biệt là các tuyến đường vận chuyển nguyên vật liệu đi cắt qua các khu dân cư. Các biện pháp sau sẽ được áp dụng để giảm thiểu:

- Dựng các hàng rào bằng tôn để che chắn tạm thời các bãi để vật liệu chưa dùng đến như: cát, đá sỏi, xi măng..., xe chuyên chở vật liệu được phủ bạt để tránh đất, cát, đá sỏi rơi vãi sẽ làm gia tăng bụi bẩn, bùn lầy gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân đặc biệt vào những ngày trời nắng gió hoặc mưa. Không bố trí bãi tập kết vật liệu thi công gần các con suối, tại các khu vực dễ xảy ra sạt lở đất, các khu vực độ dốc lớn có thể tạo dòng chảy mạnh khi có mưa.

- Tại các đoạn tuyến đang thi công san ủi, tạo nền đường, khi trời nắng, gió sẽ làm đất cát cuốn bay phát tán vào không khí, hoặc khi các phương tiện giao thông qua lại sẽ cuốn theo bụi đất cát gây ô nhiễm bụi. Vì vậy, để giảm thiểu phát tán bụi, chủ dự án sẽ thực hiện tưới ẩm nền đường toàn đoạn tuyến và về hai phía đầu đoạn tuyến đang thi công (khoảng 500m mỗi bên), việc tưới ẩm này sẽ được thực hiện thường xuyên với tần suất 4lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều. Che chắn những khu vực phát sinh bụi tại khu vực kho bãi và dùng xe tưới nước để tưới mặt.

- Thi công dứt điểm từng hạng mục, làm tới đâu thu dọn hiện trường và vệ sinh ngay tới đó, thực hiện tốt công tác quản lý xây dựng và giám sát tại hiện trường. Xây dựng kế hoạch đào, đắp đất và vận chuyển, lựa chọn tuyến đường vận chuyển hợp lý, loại phương tiện chuyên chở thích hợp. Đối với đá dư thừa sẽ được vận chuyển tới vị trí bãi thải đã xác định.

- Thực hiện nghiêm túc các nội qui, qui định về hoạt động thi công xây dựng trong Vườn Quốc gia Núi Chúa.

 Quản lý và kiểm soát các hoạt động để hạn chế mức phát tán bụi

- Nghiêm cấm mọi hành vi đốt các phế thải trong khu vực thi công. Các phế thải sẽ được thu gom lưu trữ trong các thùng đặt tại công trường thi công và hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển theo đúng qui định.

- Trong giám sát thi công, căn cứ vào kết quả thực hiện chương trình giám sát môi trường khu vực thực hiện dự án, khi phát hiện nồng độ bụi, khí thải vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhiều lần theo QCVN 05:2009/BTNMT, tăng cường các biện pháp giảm bụi như tưới ẩm vật liệu, tưới nước mặt đường và rửa đường với tần suất cao hơn khoảng 2-4 lần/ngày để giảm thiểu tác động đến môi trường không khí xung quanh.

 Quản lý và vận hành máy móc thi công

Máy móc thiết bị sử dụng trong xây dựng gồm máy ủi, máy đào, máy trộn bê tông, máy đầm, máy phát điện và xe tải khi hoạt động sẽ phát sinh các khí SO2, NO2, CO và bụi gây ô nhiễm không khí cục bộ tại khu vực hoạt động. Khí thải và bụi sẽ ảnh hưởng lên sức khỏe công nhân trực tiếp làm việc với máy. Vì vậy, để hạn chế tác động từ các nguồn ô nhiễm này trước tiên dự án sẽ sử dụng đúng số lượng máy móc thiết bị đã tính toán để hạn chế tối đa mức độ gây tác động đến môi trường không khí khu vực. Đồng thời máy móc sử dụng đảm bảo đạt tiêu chuẩn cho phép của Bộ giao thông vận tải, không sử dụng các loại máy quá cũ trên 20 năm, có khả năng gây ô nhiễm môi trường do khí thải phát sinh và thời gian hoạt động trong ngày cũng sẽ tuân thủ theo quy định trong việc tổ chức thi công, hoạt động ngày 10 giờ và không hoạt động ban đêm.

Đối với vận chuyển đất đá đào đắp và nguyên vật liệu sẽ được phủ kín bằng bạt che và đảm bảo khối lượng chuyên chở đúng quy định, đường vận chuyển sẽ là các đường hiện hữu ĐT702 và Quốc lộ 1A. Để hạn chế ô nhiễm bụi do xe tải vận chuyển nguyên vật liệu, xe tải sẽ được phủ bạt kín và giảm tốc độ không được vượt quá 30km/h và hạn chế tối đa hoạt động vận chuyển ban đêm, tuân thủ số lượt xe quy định của xe vận chuyển nguyên vật liệu khi lưu thông qua những khu vực có đông dân cư sinh sống như Mỹ Tân, Thái An.

2) Biện pháp giảm thiểu tác động của nước thải đến môi trường nước

Nước thải ở đây chủ yếu là nước thải trong sinh hoạt của công nhân trong quá trình thi công tuyến đường, có lưu lượng không lớn nhưng có nồng độ ô nhiễm cao, thời gian xây dựng kéo dài nên có các giải pháp để hạn chế ảnh hưởng do nước thải của công nhân. Các biện pháp là:

- Khống chế lượng nước thải bằng cách hạn chế tối đa số nhân công lưu trú trong khu vực tiến hành dự án, xây dựng kế hoạch tổ chức hợp lý nhân lực trong các giai đoạn thi công.

- Để giảm thiểu tác động do nước thải sinh hoạt và phân bùn tự hoại, chủ dự án sẽ trang bị các nhà vệ sinh di động. Loại nhà vệ sinh lưu động này sẽ không xả nước thải và phân ra ngoài và có thể di chuyển sang vị trí khác được.

- Đối với các vị trí tuyến đi cắt qua suối, thực hiện công tác kiểm tra, nạo vét thường xuyên, không để bùn đất, không xả rác vào các dòng chảy. Các khu vực lắp đặt nhà vệ sinh tạm thời, khu vực tắm rửa sẽ được bố trí cách xa các dòng suối, nước thải sinh hoạt tạm thời sẽ được thoát theo nguyên tắc tự thấm.

3) Hạn chế tác động của chất thải rắn

 Thu gom rác thải xây dựng

Rác thải xây dựng chủ yếu là các loại xà bần, cốp pha, vật liệu xây dựng hư hỏng, khối lượng lớn đá dư thừa… các loại chất thải xây dựng sẽ được phân loại và xử lý như sau:

- Đất đào, vật liệu xây dựng hỏng được tận dụng 100% trong việc đắp nền đường.

- Trong thi công, tính toán và giám sát chặt chẽ việc chuẩn bị thép trong thi công để giảm thiểu tối đa lượng thép thải phát sinh, giảm lượng phát thải vào môi trường. Lượng thép xây dựng, kim loại hỏng được tận thu tối đa và tái sử dụng cho các mục đích làm nguyên liệu tái sinh.

- Các loại rác khác như bao giấy (bao xi măng) thùng nhựa, dây nhựa… tách riêng để tái chế.

 Rác thải sinh hoạt

Với tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ước tính trên toàn tuyến là 100 kg/ngày (50 kg/ngày tính cho 1 lán trại công nhân), lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh là không nhiều. Tuy nhiên, do tuyến đường đi qua Vườn Quốc gia Núi Chúa do đó mọi hành động xả rác, chất thải trong Vườn Quốc gia bị nghiêm cấm, vì vậy phải thu gom 100% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, biện pháp kiểm soát được thực hiện sẽ là:

- Nghiêm cấm mọi hành vi xả rác, đổ trộm rác thải vào Vườn Quốc gia Núi Chúa, phải thu gom 100% rác thải vào các thùng chứa rác tập trung tại các khu lán trại.

- Tiến hành thu gom rác thải hàng ngày và chở đi chôn lấp tại bãi rác theo đúng quy định.

Trong quá trình thi công xây dựng, lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh bao gồm: nhiên liệu thải bỏ như dầu mỡ phát sinh từ quá trình bảo dưỡng máy móc; dẻ lau dính dầu mỡ. Lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh sẽ được thu gom và xử lý theo đúng qui định tại Thông tư 12/2006/TT/BTNMT ngày 26/12/2006 về Hướng dẫn điều kiện hành nghề, thủ tục lập hồ sơ, đăng ký cấp phép, quản lý chất thải nguy hại. Ngoài ra, để giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực do dầu mỡ thải phát sinh trong giai đoạn thi công xây dựng dự án, cần phải thực hiện các biện pháp như sau:

- Giảm thiểu tối đa việc sửa chữa xe, máy móc công trình tại khu vực dự án. Khu vực bảo dưỡng sẽ được bố trí tạm thời và có hệ thống thùng chứa để thu gom dầu mỡ thải từ quá trình bảo dưỡng, duy tu thiết bị thi công cơ giới.

- Dầu mỡ thải phát sinh tại khu vực dự án không được chôn lấp và được thu gom vào các thùng chứa thích hợp được đặt trong khu vực dự án. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

4) Phòng và chống cháy rừng

Vườn Quốc gia Núi Chúa mang đặc điểm khí hậu khô nóng nhiệt độ trung bình năm khoảng 270C. Đặc điểm đáng chú ý là vào mùa khô ở Tây Nguyên thường kèm theo gió mạnh, nắng gắt keo dài liên tục từ 5 – 6 tháng, dẫn đến tình trạng khô hanh tăng cao, độ ẩm không khí giảm mạnh rất dễ xảy ra cháy rừng. Vì vậy trong thời gian thi công xây dựng các đoạn tuyến trong khu vực Vườn Quốc gia Núi Chúa, chủ động lập kế hoạch phòng chống cháy rừng, trong đó bao gồm các công việc như chuẩn bị nhân lực và các phương tiện để phòng chống cháy rừng. Thông báo kế hoạch thi công xây dựng đường trong Vườn Quốc gia và chương trình phòng chống cháy rừng với chính quyền và nhân dân các xã để đảm bảo huy động lực lượng nhanh và ứng phó sự cố kịp thời. Cụ thể chương trình phòng chống cháy rừng như sau:

- Thành lập 3 chốt gác phòng chống cháy rừng, 1 chốt bố trí giữa tuyến, 2 chốt bố trí đầu tuyến. Mỗi chốt bố trí 1 người canh gác, có nhiệm vụ canh gác và phát hiện sớm nguy cơ cháy rừng để báo kịp thời cho Chi cục Kiểm Lâm; lực lượng công an trong khu vực chính quyền địa phương để có phương án chống cháy kịp

thời. Nếu xảy ra cháy rừng, phải nhanh chóng huy động toàn bộ số lượng công nhân thi công kết hợp với Kiểm lâm, lực lượng công an, dân phòng và người dân khu vực kịp thời dập lửa, khắc phục đám cháy.

- Phối hợp các ban ngành liên quan để hướng dẫn, tập huấn cho công nhân tham gia xây dựng trong công tác Phòng cháy & chống cháy rừng; nghiêm cấm các hành vi đốt lửa trong phạm vi Vườn Quốc gia Núi Chúa thường xuyên nhắc nhở công nhân tuân thủ nội qui phòng chống cháy rừng trong suốt quá trình thi công xây dựng.

5) Hạn chế tác động của hoạt động nổ mìn tách đá

Hoạt động nổ mìn và sử dụng vật liệu nổ sẽ tuân thủ Nghị đinh 39/2009/NĐ- CP ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về Vật liệu nổ công nghiệp và QCVN 02:2008/BCT được ban hành theo Quyết định số 51/2008/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công thương về Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy Vật liệu nổ công nghiệp. Các biện pháp bao gồm:

- Sử dụng phương pháp nổ mìn vi sai, nổ tạo biên, nổ với lỗ khoan có đường kính nhỏ (105mm hoặc 40mm) nhằm giảm sóng chấn động, giảm hậu xung để tránh hiện tượng làm nứt nẻ và mất ổn định địa tầng khu vực thực hiện nổ mìn.

- Lựa chọn vị trí nổ mìn thích hợp nhằm giảm thiểu lớn nhất ảnh hưởng do đá văng, chấn động. Nổ mìn đúng theo kế hoạch và phương án đã được duyệt dưới sự giám sát của chỉ huy nổ mìn và Ban quản lý Dự án. Trước khi nổ mìn phải lập kế hoạch chi tiết, đầy đủ, chính xác theo qui định và được Cơ quan có chức năng có thẩm quyền phê duyệt. Tuyệt đối chấp hành nổ mìn theo phương án đã được duyệt.

- Nổ mìn theo đúng giờ qui định, khi tiến hành, các đơn vị phải có trách nhiệm thông báo lịch nổ mìn cho Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Thuận, chính quyền địa phương và các sở ban ngành có liên quan và nhân dân quanh vùng để hạn chế những tác động xấu đến tính mạng con người, các công trình xung quanh cũng như các ảnh hưởng tiêu cực khác như sạt lở núi, trong thời gian nổ mìn phá đá tuyệt đối cấm người không có phận sự qua lại trong khu vực nguy hiểm do nổ mìn theo bán kính an toàn về bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ theo Quy chuẩn

Việt Nam QCVN 02:2008/BCT.

- Tuân thủ theo khối lượng thuốc nổ đã tính toán, trên cơ sở đó thiết lập khoảng cách an toàn nổ mìn. Kiểm soát việc thực hiện theo đúng giải pháp kỹ thuật về nổ mìn phá đá để hạn chế các tác động xấu đến tính mạng người công nhân trực tiếp tham gia vào công tác nổ mìn cũng như giảm thiểu tác động khi thực hiện nổ mìn không đúng kỹ thuật gây ra.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu những tác động môi trường chủ yếu dự án đường ven biển Vĩnh Hy - Ninh Chữ tỉnh Ninh Thuận và giải pháp giảm thiểu (Trang 69 - 75)