Vườn quốc gia Núi Chúa
Vườn quốc gia Núi Chúa thuộc huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, giáp với tỉnh Khánh Hòa. Ở vị trí cực đông của Nam Trung Bộ, nơi tiếp giáp giữa vùng Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ, có toạ độ từ 11°35'25" đến 11°48'38" vĩ bắc và 109°4'5" đến 109°14'15" kinh đông, giới hạn phía bắc là ranh giới giáp tỉnh Khánh Hòa. Khu vực Núi Chúa có ba mặt giáp biển. Ngay phía bắc là phần dưới của vịnh Cam Ranh thuộc xã Cam Lập thành phố Cam Ranhtỉnh Khánh Hòa, Phía đông và nam là biển Đông với các xã Vĩnh Hải và Nhơn Hải thuộc huyện Ninh Hải. Phía nam là đầm Nại, phía tây giới hạn bằng chính quốc lộ 1A.
Hình 3-2: Suối Lồ Ô trong vườn quốc gia Núi Chúa.
Dân số thuộc lâm phần VQG Núi Chúa quản lý là hơn 50.000 người, mật độ dân số trung bình 150 người /km2 xã có mật độ lớn nhất là Nhơn Hải và Thanh Hải 400 người/ km2 và thấp nhất là xã Vĩnh Hải 35 người /km2. Có 4 dân tộc sinh sống trong Vườn quốc gia trong đó người Kinh chiếm tỉ lệ cao nhất 75%, Người Răglay chiếm 22% và người Chăm chiếm 3%, ngoài ra một tỉ lệ nhỏ người Hoa cũng sinh sống trong Vườn Quốc gia. Các thôn đều tập trung trên 2 trục đường giao thông chính là quốc lộ 1A và tỉnh lộ 702. Đối với bà con người dân tộc kinh tế hoàn toàn làm nông nghiệp và lâm nghiệp, bà con người Kinh thì cơ cấu kinh tế đa dạng hơn chủ yếu làm nông nghiệp và thủy sản. Sản xuất nông nghiệp là ngành nghề chính của cư dân sinh sống trong vùng.
Hình 3-3: Bản đồ hiện trạng rừng – Vườn quốc gia Núi Chúa. (Nguồn: Ban quản lý vườn quốc gia Núi Chúa)
Ảnh hưởng của dự án đến hệ sinh thái Vườn quốc gia Núi Chúa
Việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vĩnh Hy – Ninh Chữ là một công trình quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế – xã hội – quốc phòng của tỉnh Ninh Thuận. Từ bản đồ hiện trang rừng – vườn quốc gia Núi Chúa cho thấy, tuyến đường được xây dựng trên vùng đệm của vườn quốc gia và cách xa bãi rùa đẻ cho nên việc làm ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh thái và các loài động vật đặc hữu trong khu vực vườn quốc gia là không nghiêm trọng. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng tuyến đường sẽ gây tác động đến hệ sinh thái rừng trên diện tích 51,277831 ha, sự xuất hiện và hoạt động của các phương tiện thi công, nổ mìn phá đá gây ra rung chấn, ồn, ánh sáng của đèn điện về ban đêm sẽ làm thay đổi về tập tính, nơi cư trú của động vật, côn trùng… gây nhiễu loạn hệ sinh thái, thay đổi về số lượng loài trong khu vực trong thời gian dài (18 tháng – tổng thời gian thi công cả tuyến), trong thời gian này, các đối tượng chịu tác động chủ yếu khu vực dự án bao gồm như sau: (Nguồn: theo Báo cáo kết quả điều tra động thực vật rừng khu vực xây dựng tuyến đường Vĩnh Hy – Ninh Chữ mở rộng của Vườn Quốc gia Núi Chúa thực hiện).
- Về thực vật: chịu ảnh hưởng trực tiếp trong quá trình giải phóng mặt bằng do chặt hạ để mở rộng tuyến đường, chủ yếu là các loại cây gỗ nhỏ (Chùm ngầy, Quần đầu trái tròn, Thị đen, Quần đầu nhiều bông, Thành ngạnh nam, Bồ đề ...) và cây bụi (Ô rô núi, Ngái phún, Duối nhám, Duối gai, Chòi mòi mảnh, Cù đèn Cubi...)
- Về động vật: quá trình thi công và giải phóng mặt bằng sẽ làm ảnh hưởng đến một số loài thuộc họ Dơi Quạ (Dơi chó tai ngắn, Dơi chó), họ Chồn (Chồn bạc má Nam, Chồn vàng), họ Chuột (Chuột đất bé, Chuột nhắt cây, Chuột bụng bạc), họ Thỏ (Thỏ rừng). Ngoài ra, khu vực tuyến đường du lịch gần biển nên hệ sinh cảnh nơi đây có sự phân bố các loài chim thuộc họ Trĩ (Gà rừng), họ Bồ Câu (Cu gáy, Cu luồng)...