Hoạt động bình giá

Một phần của tài liệu Biện pháp hướng dẫn học sinh tự học các bài ca dao trong chương trình lớp 10 Trung học phổ thông (Trang 85 - 87)

7. Cấu trúc luận văn

2.3.2.4.Hoạt động bình giá

Bình giá là hoạt động mang tính chất suy ngẫm và phải có sự am hiểu về tác phẩm mới có thể thực hiện được. Cơ sở của hoạt động này là hoạt động phân tích khái quát. Thực hiện hoạt động này trong dạy học ca dao theo đặc

trưng thể loại, giáo viên sử dụng biện pháp bình giảng kết hợp với việc đặt câu hỏi để học sinh tự bộc lộ, tự đánh giá văn bản ca dao trên các mặt như: giá trị nội dung, giá trị lịch sử, gợi ý cách hiểu khác để học sinh suy ngẫm.

Bình giảng trong giờ dạy ca dao góp phần quyết định hiệu quả giờ dạy. Phân tích khái quát giúp chỉ ra các yếu tố biểu cảm trong ca dao còn bình giảng giúp xâu chuỗi các yếu tố ấy, giúp chúng hòa quyện trong một thể thống nhất. Khi bình giảng có thể hướng dẫn học sinh đi vào những yếu tố được coi là “điểm sáng thẩm mỹ” trong bài ca dao.

Ví dụ: bài ca dao “Khăn thương nhớ ai” đã diễn tả nỗi nhớ thương da diết, bồi hồi của cô gái đang yêu. Trạng thái tình cảm yêu thương vốn rất trừu tượng và khó có thể diễn đạt bằng lời nhưng cô gái diễn tả nỗi nhớ thương của mình một cách tinh tế và kín đáo: mượn những sự vật bên ngoài: “khăn”, “đèn” đến “đôi mắt” là bộ phận của cơ thể để diễn đạt những tình cảm phức tạp, ngổn ngang trong lòng. Trạng thái của “chiếc khăn” rất đa dạng, vận động trong không gian đa chiều: “rơi xuống”, “vắt lên”, “lau nước mắt” thể hiện sự bồn chồn, mong nhớ. Hình ảnh “đèn”, “mắt” là biểu tượng của nỗi nhớ vượt thời gian, nỗi nhớ da diết. Nói đến “khăn thương nhớ ai” thực ra là nói đến tâm trạng thương nhớ bồn chồn của cô gái. Một loạt câu hỏi tu từ “thương nhớ ai?” dồn dập liên tục, đứt đoạn diễn tả tiếng lòng thổn thức với nỗi nhớ ngày một dâng lên, để rồi không thể kìm giữ được, nó bật ra tiếng nấc nghẹn ngào: “Đêm qua em những lo phiền. Lo vì một nỗi không yên một điều”. Ngoài nỗi nhớ thương, cô gái còn lo lắng cho duyên phận của mình. Từ tâm trạng ngổn ngang “trăm mối tơ vò” cho ta thấy tình yêu chân thành, đằm thắm, tha thiết của cô gái đối với chàng trai.

Đối với hoạt động này, giáo viên kết hợp bình với nêu câu hỏi cảm nhận và đánh giá để học sinh tự bộc lộ suy nghĩ:

- Cảm nhận của em về việc sử dụng những hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ trong bài ca dao?

- Cảm xúc của em như thế nào sau khi học xong bài ca dao này?

- Có ý kiến cho rằng bài ca dao “Khăn thương nhớ ai” là một trong những bài ca dao hay nhất của người Việt nói về tình yêu và nỗi nhớ”. Ý kiến của em như thế nào? Bài ca dao này có ý nghĩa như thế nào với văn học viết? Em có biết những câu thơ lấy cảm hứng từ bài ca dao này không?

Những câu hỏi này sẽ giúp các em vừa bộc lộ được ý kiến của mình, vừa có cái nhìn tổng thể, toàn diện về một bài ca dao cụ thể, tiến tới khái quát được ý nghĩa của một chùm ca dao cùng chủ đề.

Hoạt động bình giá trong dạy học ca dao vừa tạo được vai trò định hướng của giáo viên, vừa giúp học sinh có khả năng tự biểu lộ và khả năng đánh giá khái quát về nội dung và hình thức biểu cảm của văn bản ấy.

Một phần của tài liệu Biện pháp hướng dẫn học sinh tự học các bài ca dao trong chương trình lớp 10 Trung học phổ thông (Trang 85 - 87)