7. Cấu trúc luận văn
1.3. Những cơ sở thực tiễn của việc hướng dẫn học sinh tự học các bài ca dao
Nếu đặt ra câu hỏi: Có phải 100% học sinh phổ thông hiện nay đều có ý thức tự học? thì bất cứ một người nào dù trong hay ngoài ngành giáo dục đều có câu trả lời là không, nếu không muốn nói là rất hiếm. Thực tế đã chứng minh nhiều nhà khoa học, nhiều giáo sư đầu ngành thành danh đều xuất phát từ tinh thần tự học, và cũng rất nhiều người ý thức được rằng tự học là con đường dẫn tới thành công, giúp cho người học có thể chủ động suốt đời. Song đối với thế hệ thanh niên ngày nay, đứng trước nhiều cám dỗ, các em có nhiều sự lựa chọn, có nhiều phương tiện thiết bị hiện đại, thì dường như các em càng ỷ lại, lười nhác và không có ý thức cầu tiến.Các em học mang tính chất
chống đối nhiều hơn, học vẹt, học tủ. Không nhiều em có được ý thức tự tìm tòi tri thức cho bản thân để trau dồi, nâng cao kinh nghiệm sống.
Học sinh phổ thông hiện nay ngoài thời gian lên lớp bắt buộc thì thay vì vào thư viện đọc sách, tìm kiếm thông tin phục vụ cho việc học tập, thì các em bỏ thời gian vào những việc vô bổ, thậm chí có hại mà nếu không có sự quản lý của nhà trường và gia đình thì sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Những lý do trên đã khiến cho việc ngồi vào bàn học là cả một thách thức đầy lớn lao với mỗi học sinh hiện nay.
Thực tế hiện nay cho thấy học sinh đi học thêm tràn lan, ngoài mục đích trang bị và trau dồi thêm kiến thức thì cái chính dẫn đến thực trạng đó là áp lực từ phía gia đình. Tuy nhiên, hầu như không tạo ra được hứng thú cũng như hiệu quả học tập cho học sinh. Cách học của học sinh chưa mang lại hiệu quả cao. Học sinh ngày nay đã quá phụ thuộc vào các bài giảng của thầy cô trên lớp, thầy cô dạy như thế nào thì lại hiểu và học như thế ấy, dẫn đến thụ động, thiếu suy nghĩ và sáng tạo trong. Và cũng vì chỉ học trong các bài giảng ghi được trên lớp mà dẫn đến tình trạng học sinh phải đi học thêm. Mà khi đã học thêm tràn lan thì lại càng khiến học sinh không chịu tự học, càng thêm phụ thuộc vào việc học thêm. Ngày nay khi việc học được nâng cao thì có quá nhiều sách tham khảo, văn mẫu, hướng dẫn...dẫn đến việc học sinh đâm lười suy nghĩ trong khi làm các bài tập.
Mặt khác, trong thực tế dạy học hiện nay, việc áp dụng phương pháp dạy học hướng dẫn học sinh tự học của giáo viên ở tất cả các môn học nói chung còn gặp rất nhiều lúng túng và khó khăn. Cách học của học sinh vẫn đơn giản là cố gắng hoàn thành hết số bài tập GV giao về nhà (bằng mọi cách có thể), và học thuộc trong vở ghi đối với các môn học thuộc. Đối với giáo viên thì chỉ quen với cách kiểm tra bài cũ đầu giờ cốt sao cho đủ số lần điểm miệng. Việc kiểm tra định kỳ chỉ đơn giản là thực hiện theo phân phối chương
trình, trước khi kiểm tra sẽ giới hạn cho học sinh một phần kiến thức. Mặt khác, phương pháp dạy học phổ biến hiện nay vẫn theo "lối mòn", giáo viên truyền đạt kiến thức, học sinh thụ động lĩnh hội tri thức. Thậm chí có giáo viên còn đọc hay ghi phần lớn nội dung lên bảng cho học sinh chép. Việc sử dụng các phương tiện dạy học: phiếu học tập, tranh ảnh, băng hình, … chỉ dùng khi có đoàn thanh tra, kiểm tra đến dự, còn các tiết học thông thường hầu như "dạy chay". Do việc truyền đạt kiến thức của giáo viên theo lối thụ động nên rèn luyện kỹ năng tự học cũng như việc hướng dẫn tự học của giáo viên cho học sinh không được chú ý, làm cho chất lượng giờ dạy không cao.
Rất nhiều học sinh thời nay không có thời gian để học, chỉ vì họ quá bận học. Nghe thật khôi hài. Tuy nhiên, đáng buồn thay, đó lại là sự thật. Bởi vì đối với họ không tồn tại khái niệm tự học. Chúng ta đưa quá nhiều thứ vào trong bộ não từ các bài giảng trên lớp cũng như tại lớp học thêm. Chúng ta nghĩ rằng như thế sẽ lấp đầy kiến thức. Thực tế không phải như vậy. Con chữ trên lớp dù đã được giáo viên biên soạn kĩ lưỡng, nó vẫn cần phải “xào” lại để thực sự trở thành của cá nhân mỗi người. Đáng tiếc thay, hàng ngày, chúng ta đang cố “ăn sống nuốt tươi” tri thức bằng cách nạp nó vào thật nhiều.
Có một đặc điểm chung đối với tất cả những học sinh là: Họ dành quá ít thời gian để tự học. Và điều này đã ảnh hưởng lớn đến họ. Ra ngoài đời, họ thường loay hoay, bỡ ngỡ, phản ứng chậm trước những thay đổi và biến động của cuộc sống. Trong công việc, họ hay gặp nhiều khó khăn, lo nghĩ, thiếu tính tự xoay sở, và hành động không độc lập, quyết đoán, đôi khi dựa dẫm nhiều vào người khác. Bởi vì khi học để làm người, họ đã bỏ qua cái cơ hội để được rèn luyện tính chủ động, độc lập. Và họ đã mất rất nhiều, dù công sức học tập bỏ ra không phải là nhỏ.
Người học kém trong tự học trước hết là vì động cơ học tập đôi khi chỉ là bằng cấp, chứng chỉ mà không phải là những kỹ năng, kiến thức để làm
việc, kém trong tự học vì kỷ luật cá nhân kém. Có người lên những kế hoạch lớn lao nhưng rồi đầu voi đuôi chuột, không giữ được việc thực hiện kế hoạch, kém trong tự học vì ngại hỏi, ngại học ở những người khác. Trong lớp học, khi giáo viên hỏi “Các em có thắc mắc gì không?”, rất hiếm khi có phản hồi. Và học sinh, sinh viên của chúng ta còn yếu trong khả năng tự học là bởi không được khuyến khích tự học, không được dạy cách tự học. Không được khuyến khích tự học vì học sinh phải học trên lớp quá nhiều (có những trường dạy cả ngày, rồi còn học thêm ở trung tâm, học với giáo viên ở nhà). Không được khuyến khích tự học vì làm toán theo mẫu, làm văn theo mẫu nên tự học sẽ không được điểm cao.
Thực trạng cho thấy hiện nay tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp là rất cao, song không phản ánh thực chất lực học của học sinh, mà phần nhiều là chạy theo thành tích hoặc do hiện tượng tiêu cực trong thi cử. Học sinh bây giờ ít em có ý thức chuẩn bị bài trước khi lên lớp và ôn bài kỹ lưỡng sau khi lên lớp, không chịu khó đọc sách, tìm tòi các tài liệu có liên quan để đọc, để mở rộng, đào sâu kiến thức. Họ thường tỏ ra nản chí trước các tình huống khó khăn, dựa dẫm, ỷ lại quá nhiều vào bài giảng của thày cô và học thuộc lòng dập khuôn máy móc, không có sự sáng tạo, khám phá những cái mới nhằm làm phong phú thêm kiến thức của bản thân.
Ở vùng nông thôn và miền núi còn khó khăn về kinh tế, giao thông…, mặt bằng dân trí thấp, HS đa phần là con em nông dân, thời gian dành cho tự học ở nhà của các em không nhiều, sách vở tham khảo hạn chế. Phần lớn các em cố hoàn thành nhiệm vụ của GV giao là chính, ít chịu đào sâu suy nghĩ, khả năng tư duy độc lập, sự sáng tạo, … rất ít được chú ý. Từ đó, khi đến lớp các em tỏ ra ngao ngán, không cần và cũng rất khó theo kịp kiến thức bài học. Ngược lại, nhiều em có điều kiện mua sách tham khảo, sách để học tốt để “đối phó” và “tự tin” cho rằng kiến thức bài học đó mình đã biết và đủ để “trả
bài” cho GV, nên không cần quan tâm, ỷ lại, …, đây là dạng HS học đối phó, kiếm điểm chứ không ham muốn tìm hiểu tường tận vấn đề một cách khoa học. Đồng thời, phương pháp mà GV áp dụng để triển khai cho bài học vẫn theo lối sáo mòn, chủ yếu là diễn giảng, đàm thoại, đến lớp chỉ thuần là bảng đen, phấn trắng, …, tổ chức cho HS học hợp tác còn nặng về hình thức, thiếu chiều sâu, …, chưa thực sự lấy hoạt động của HS làm trung tâm, do đó, càng làm mất đi hứng thú tự học của học sinh. Tình trạng học sinh không chuẩn bị bài, không làm bài tập trước khi đến lớp và học đối phó trên lớp được coi là một “vấn nạn”. Thời gian học ở nhà được dành cho chơi game, lướt internet.
Học đối phó là vấn nạn lớn, nó ăn mòn và hủy diệt sự tự chủ trong mỗi con người, gặm nhấm những đức tính tốt đẹp trong mỗi học sinh. Cần có biện pháp, không thể nói suông ngày một ngày hai. Mỗi khi học tập, người học nên tìm tòi những câu hỏi, đi sâu vào những kiến thức, dành nhiều thời gian cho những mục tiêu mình cần vươn đến. Và hãy nhớ rằng:là những chủ nhân tương lai của đất nước, là thế hệ học sinh mới, không thể đi lên mà không có kiến thức, trí tuệ và lòng hăng say yêu thích.
1.3.2. Thực trạng học văn của học sinh phổ thông
Trong bài viết: “Học văn - thực trạng cần báo động” của tác giả Khánh Hòa đăng trên báo Giáo dục và Thời đại - số 147 (trang 9) nêu ra vấn đề: "Học sinh bây giờ không thích học văn". Tác giả có đưa ra một số dẫn chứng để chứng minh, thống kê bằng con số: 50% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông không biết viết một bài làm văn theo đúng yêu cầu, viết sai chính tả, ngữ pháp, câu văn không gãy gọn. Luyện khá kỹ các thao tác văn nghị luận chứng minh, giải thích, bình luận, v.v... nhưng hầu như các em không tiếp thu được bao nhiêu kiến thức.
Sau đó tác giả nêu nguyên nhân học sinh không thích học văn: thờ ơ, coi thường môn văn (có cả các bậc phụ huynh), thực dụng với những ngành
học mà sau này làm ra tiền... Đọc bài của tác giả Khánh Hòa có nhiều thầy cô giảng dạy bộ môn Ngữ văn thấy đau xót vô cùng về thực trạng học văn của học sinh phổ thông hiện nay, không những không thích học mà còn rất lười.
Các em thật vô cảm, không chịu động não suy nghĩ. Học bài thì dập khuôn, làm bài thì thiếu hình ảnh và từ ngữ hay, thích sao chép làm cho bài văn thiếu sinh động, mất vẻ đẹp mượt mà, trong sáng. Trên tờ giấy chỉ là những con chữ, dòng chữ giấy trắng mực đen thật khô khan, không có hồn. Khi diễn đạt câu ca dao “Ai ơi bưng bát cơm đầy”, có em diễn đạt thật ngô nghê, diễn nôm, câu viết dài dòng, lặp từ... Ví dụ "đây chính là lời khuyên mà người nông dân nói với mọi người rằng họ lao động vất vả lắm mới có bát cơm đầy, nên phải nhớ ơn họ khi bưng bát cơm đầy". Học sinh chưa thấy được việc học văn là để được giáo dục lý tưởng, tình cảm, bồi dưỡng tính nhân bản, nhân văn của con người. Việc học sinh phổ thông hiện nay không thích học văn, lười học có một số nguyên nhân sau:
- Học sinh ít đọc sách, không chịu học bài, soạn bài để tăng thêm vốn sống, vốn văn học, vốn hiểu biết để thấy được cái hay, cái đẹp của văn chương.
- Thời đại công nghiệp điện tử phát triển, các em bị cuốn hút vào các chương trình Intemet, trò chơi điện tử, các đĩa hát, băng nhạc...
- Do đầu óc thực tế, thực dụng ở nhiều người (trong đó có cha mẹ học sinh) nên họ muốn con thi vào các trường chuyên nghiệp thuộc khối A, khối B để sau khi tốt nghiệp dễ kiếm việc làm và kiếm tiền hơn.
- Ý chí học tập của học sinh chưa cao, chưa có quyết tâm và ý chí tiến thủ, chưa say mê. Rõ ràng học sinh phổ thông hiện nay chưa thấy được tác dụng của việc học tập bộ môn ngữ văn là cần thiết cho việc giao tiếp hàng ngày, cho việc diễn đạt hành văn các bộ môn khoa học khác như toán, lý, hóa,
sử, địa... nhất là những bộ môn sử dụng nhiều đến lý thuyết rất cần cách diễn đạt lập luận rõ ràng.
Hơn nữa các em chưa thấy được tầm quan trọng của câu nói "Văn học là nhân học" nghĩa là văn học là khoa học về con người, tức là học cách làm người, nên việc học tập bộ môn Ngữ văn bị các em chểnh mảng. Môn văn đang mất dần vị thế vốn có của nó. Tình trạng học sinh không còn hứng thú với việc học văn đã trở thành hiện tượng phổ biến.
Hầu hết học sinh làm một bài văn không cần quan tâm đến yêu cầu thể loại, một yêu cầu quan trọng giúp giáo viên có thể đánh giá được năng lực tư duy, mức độ hiểu biết và cảm nhận văn học của học sinh. Các em làm văn như những cỗ máy vô hồn, hễ đặt bút là viết, chỉ cần liếc qua đề bài nhắc đến tác phẩm hoặc tác giả nào là cứ thế viết. Còn viết cái gì thì có bài văn mẫu, bài giảng ở các lớp ôn luyện, tha hồ cóp chỗ này, lắp ghép chỗ kia. Đa phần học sinh không thể tự viết được một bài văn bằng chính sự suy nghĩ và cảm nhận của mình. Nếu có tự viết được đi chăng nữa thì phần lớn là những câu văn ngô nghê, những ý tưởng "cười ra nước mắt”. Không chỉ ở bậc phổ thông mà ngay cả bậc Đại học vẫn có nhiều sinh viên, kể cả sinh viên văn khoa vẫn chưa viết đúng chính tả, ngữ pháp và rất mù mờ khi được hỏi đến một nhà văn, nhà thơ, tác phẩm văn học đã được học. Nguyên nhân trực tiếp lý giải cho thực trạng này chính là sự thờ ơ, vô cảm coi thường môn văn của học sinh và thậm chí cả của các bậc phụ huynh. Trong cơ chế xã hội ngày nay, người ta thường đổ xô vào các ngành học mà sau này làm ra tiền. Mà muốn vậy thì phải đầu tư vào các môn học khác chứ không phải là văn học. Nhiều em đã tỏ ra rất "tự hào" vì sự dốt văn và không cần học văn của mình. Quan điểm thực dụng nói trên đã và đang làm què quặt một thế hệ người mà hiện nay xã hội đang phải hứng chịu.
Học sinh bây giờ đọc tác phẩm văn học, đọc sách có định hướng quá ít, mà hiểu biết cũng như năng lượng tinh thần của các em sẽ phong phú lên nhờ việc đọc sách. Các em có đọc sách, nhưng những cuốn sách mà các em đọc là: truyện tranh, truyện trinh thám, truyện tình cảm tâm lý xã hội. Những loại sách này đã đẩy xa các em ra khỏi kho tàng ca dao, cổ tích vốn là bầu sưa ngọt ngào đã từng nuôi lớn thể trạng văn hoá của bao thế hệ truyền thống người Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Kiên thì cho rằng: "Học văn và đọc văn (ngoài chương trình giảng dạy) là hai việc gắn liền với nhau, chúng hỗ trợ và kích thích lẫn nhau. Việc học không chỉ gói gọn trong sách giáo khoa”. Bấy nhiêu những gì đã nêu ra thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta phải có một cái nhìn nghiêm túc. Trách nhiệm thuộc về ai? Câu trả lời không thể cứ đổ lỗi mãi cho thầy cô, cho ngành giáo dục mà là của toàn xã hội. Học văn không chỉ để có kiến thức về văn học, cũng không chỉ để viết đúng ngữ pháp, không phải ai cũng học văn để rồi trở thành nhà văn cả. Học văn là để bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn con người, nó là giá trị tinh thần cần thiết để con người ta sống tốt hơn, đẹp hơn, nhân văn hơn, hoàn thiện hơn về nhân cách.
1.4. Kết luận
Quá trình tự học, tự đào tạo là sự kết hợp quá trình dạy của thầy và quá trình học của trò tạo thành một quá trình thống nhất biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Mấy năm gần đây việc dạy của thầy và tự học của trò đã và đang là mối quan tâm của rất nhiều nhà giáo dục. Trong việc ứng dụng các phương