Vài nét về ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa và Ca dao hài hước

Một phần của tài liệu Biện pháp hướng dẫn học sinh tự học các bài ca dao trong chương trình lớp 10 Trung học phổ thông (Trang 31 - 36)

7. Cấu trúc luận văn

1.2.1.3. Vài nét về ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa và Ca dao hài hước

a. Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa.

Những đặc điểm sau đây được lấy từ cuốn “Văn học dân gian Việt Nam” (tập 2) của tác giả Hoàng Tiến Tựu:

Trong ca dao truyền thống của người Việt (bao gồm cả ca dao thời phong kiến và thời Pháp thuộc), than thân là một trong những chủ đề chính

được nói đến nhiều nhất, sâu sắc và phòng phú nhất. Đó là tiếng kêu than của quần chúng nhân dân thuộc nhiều thời kỳ, nhiều thành phần xã hội khác nhau (người tá điền, người làm thuê, người đi ở, người đi phu, người đi lính…), nhiều nhất là những người phụ nữ sống trong những cảnh ngộ cụ thể khác nhau của gia đình phụ quyền (làm dâu, làm lẽ, góa bụa, bị ép duyên, bị chồng phụ bạc…). Những tiếng “ Thân em” hoặc “ Em như” đã trở thành công thức mở đầu quen thuộc của hàng trăm bài ca dao than thân độc đáo khác nhau của người phụ nữ Việt Nam dưới thời phong kiến:

- Thân em như giếng giữa đàng Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân

- Thân em như con cá rô thia Ra sông mắc lưới vào đìa mắc câu

- Thân em như củ ấu gai

Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen Chẳng tin bóc vỏ mà xem Ăn rồi mới biết rằng em ngọt bùi

Nhiều bài ca than thân có giá trị về nội dung và nghệ thuật, không những rất hồn nhiên, chân thực, giản dị mà còn có tầm khái quát rộng lớn và sự độc đáo, tinh tế của nghệ thuật phô diễn. Ví dụ:

Em như con hạc đầu đình

Muốn bay chẳng cất nổi mình mà bay

“Con hạc đầu đình” trong câu ca dao trên đây là một biểu tượng sinh động và độc đáo cho thân phận bị lệ thuộc, kìm hãm và khát vọng tự do bay bổng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

Nhiều câu ca dao than thân chẳng những phản ánh được nỗi khổ và khát vọng tìm đường thoát khổ của nhân dân, mà còn phản ánh được cả sự tự

nhận thức về tình trạng bế tắc, cùng quẫn không có lối thoát của họ. Do đó, ở đây “cái bi” trở thành cảm hứng chủ đạo:

- Ai đưa em đến chốn này Bên kia mắc núi bên này mắc sông

- Gánh cực mà đổ lên non

Còng lưng mà chạy cực còn chạy theo

Đọc ca dao cổ, nếu chỉ thấy được cái bản chất lạc quan yêu đời của quần chúng mà không chú ý lắng nghe và cảm nhận được cái đắng cay, chua xót, ngậm ngùi của con người trong cuộc đời cũ thì vẫn là phiến diện và lệch lạc.

Bên cạnh chủ đề than thân thì tình nghĩa cũng là một chủ đề lớn và trường tồn trong ca dao truyền thống của nhân dân ta. Con người trong ca dao truyền thống luôn luôn hướng về cái ân, cái nghĩa, cái tình trong những mối quan hệ xã hội khác nhau giữa người với người (cha con, mẹ con, vợ chồng, anh em, bạn bè, láng giềng…). Chủ đề này có mặt ở hầu khắp các loại ca dao khác nhau nhưng được nói đến nhiều nhất và sâu sắc nhất là ở các loại ca dao trữ tình. Rất nhiều câu ca dao tình nghĩa đã trở thành bất tử, sống mãi với thời gian và dân tộc. Ví dụ:

Muối mặn ba năm muối đương còn mặn Gừng cay chín tháng gừng hãy còn cay

Đôi ta tình nặng ngãi dày

Dù có xa nhau ba vạn sáu ngàn ngày cũng nỏ (chẳng) quên.

Nhiều khi chủ đề tình nghĩa không đứng riêng mà được phản ánh kết hợp với các chủ đề khác làm cho phần lớn ca dao truyền thống của nhân dân ta đều thấm đượm nghĩa tình: tình nghĩa gia đình, láng giềng, quê hương đất nước, tình nghĩa bầu bạn, lứa đôi,tình nghĩa giữa những người cùng nghề nghiệp, cùng cảnh ngộ… Đọc ca dao cổ, ta thấy tình nghĩa là niềm vui, là lẽ

sống, là nhân tố của sức mạnh tinh thần giúp nhân dân sống lạc quan, yêu đời, vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc đời.

Tuy chủ đề tình nghĩa có ở nhiều loại ca dao nhưng tập trung nhất, tiêu biểu và độc đáo nhất là ở ca dao tình yêu nam nữ. Tình nghĩa ở đây có nhiều tính chất đặc biệt: rất tự nhiên, chân thực, trong sáng, mặn nồng, rất giàu tính dân tộc và tính nhân loại. Vì thế nó sống mãi với thời gian và có sức rung động, cảm hóa lòng người rất lớn.

b. Ca dao hài hước

Nếu như ca dao than thân yêu thương tình nghĩa mở ra trước mắt người đọc một thế giới nội tâm tinh tế và sâu sắc với những lời ca mượt mà, trữ tình, đằm thắm, thì ca dao hài hước lại đem đến cho người đọc những cảm nhận riêng về vẻ đẹp khỏe khoắn, tươi trẻ, hồn nhiên và tràn đầy sức sống trong tâm hồn và trí tuệ của người dân lao động.

Ca dao hài hước là những tiếng cười dí dỏm, thể hiện tinh thần lạc quan của người lao động. Đồng thời nó cũng là tiếng nói phê phán những thói hư tật xấu, những tệ nạn của xã hội. Ca dao hài hước gồm ca dao tự trào và ca dao châm biếm.

Trong cuộc sống có thể bắt gặp rất nhiều điều, chỉ cần phản ánh nguyên hiện thực, chưa thêm bớt đã khiến ta bật cười. Tuy nhiên, những chuyện tức cười có sẵn nguyên mẫu trong thực tế đời sống hoặc tâm tư suy nghĩ của con người không phải là nội dung duy nhất của ca dao hài hước. Trên cơ sở vốn sống, kinh nghiệm thực tế, đặc biệt là với năng lực đối chiếu, kết hợp và nhào nặn những gì có được, cộng với một sự liên tưởng nhiều khi hết sức bất ngờ có khả năng dẫn đến mọi yếu tố của tưởng tượng, hư cấu, người sáng tác ca dao hài hước, những tác giả sáng tác vô danh cũng có thể đạt đến trình độ cao trong sáng tác nghệ thuật, khiến cho các nghệ sĩ thực thụ cũng phải khâm phục. Nhờ có ngôn ngữ mà con người biết cách diễn đạt một cách hài hước

điều mình muốn nói. Và trên những năng lực đặc biệt này mà con người còn biết tạo ra tiếng cười bằng cả chuỗi lời nói hoặc truyện cười.

"Ca dao hài hước" bên cạnh những bài là vũ khí đấu tranh với kẻ địch, kẻ thống trị, đả kích châm biếm mọi thói hư tật xấu, mọi quan niệm sống lỗi thời, những bài có tác dụng phê phán, giáo dục trong nội bộ nhân dân bằng tiếng cười khoẻ khoắn, lành mạnh, phần lớn ca dao hài hước không dùng như một phương tiện mua vui, giải trí mà còn là một phương tiện, một phương thức phản ánh cuộc sống, đặc biệt có khả năng đem lại tác dụng và hiệu quả lớn đối với việc khơi dậy và kích thích những cảm xúc thẩm mỹ, nâng cao tâm hồn và trí tuệ của quần chúng trong thưởng thức nghệ thuật.

Nội dung của ca dao hài hước

- Tiếng cười thể hiện tinh thần lạc quan:

Cưới em chín quả cau vàng Cưới em chín chục họ hàng ăn chơi Vòng vàng kéo lấy mười đôi Lụa là chín tấm tiền rời mười quan Gọi là có hỏi có han

Mười chum rượu nếp cheo làng cho xong. - Tiếng cười phê phán, châm biếm:

+ Phê phán những ông chồng cờ bạc:

Rượu chè cờ bạc lu bù Hết tiền đã có mẹ cu bán hàng. + Phê phán nạn tảo hôn đa thê:

- Chồng lên tám, vợ mười ba Ngồi rỗi nu nống nu na đỡ buồn Mười tám vợ đã lớn khôn Nu na nu nống chồng còn mười ba

Mẹ ơi! Con phải gỡ ra

Chồng con nu nống nu na suốt ngày. + Phê phán, châm biếm thầy bói:

- Phù thủy, thầy bói, lái trâu Nghe ba thầy ấy đầu lâu không còn. + Phê phán, châm biếm quan lại, vua chúa:

- Con ơi nhớ lấy câu này Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.

Ca dao hài hước thường sử dụng các biện pháp nghệ thuật:

- Sử dụng biện pháp phóng đại (Con rận bằng con ba ba/ Đêm nằm nó gáy cả nhà thất kinh).

- So sánh tương phản: (Đêm nằm nghĩ lại mà coi/ lấy chồng đánh bạc như voi phá nhà).

- Chơi chữ nói ngược: (Hòn đất mà biết nói năng?)

Ngôn ngữ của ca dao hài hước thường giản dị, đời thường, gắn liền với lời ăn tiếng nói của nhân dân.

1.3. Những cơ sở thực tiễn của việc hướng dẫn học sinh tự học các bài ca dao. 1.3.1. Thực trạng việc tự học ở nhà trường phổ thông hiện nay

Một phần của tài liệu Biện pháp hướng dẫn học sinh tự học các bài ca dao trong chương trình lớp 10 Trung học phổ thông (Trang 31 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)