Tổng quan về tỉnh Kiên Giang

Một phần của tài liệu các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn vay của các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện tân hiệp - tỉnh kiên giang (Trang 28 - 30)

Hình 2.1: Bản đồ địa giới hành chính tỉnh Kiên Giang

Kiên Giang nằm tận cùng phía Tây Nam của Việt Nam, thuộc vùng ĐBSCL; có đồng bằng, biển đảo, núi, rừng, có biên giới trên biển và trên bộ giáp với Campuchia. Phía Đông và Đông Nam giáp thành phố Cần Thơ và tỉnh An Giang; phía Nam giáp tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu; phía Tây giáp Vịnh Thái Lan.

Kiên Giang có 15 huyện, thị, thành phố là: thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên, các huyện: Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng và 2 huyện đảo Phú Quốc, Kiên Hải; với 145 xã, phường, thị trấn.

Dân số Kiên Giang có 1.830.000 người, được xem là tỉnh có mật độ dân cư đông đúc so với các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL. Khu vực nông thôn 73,1%, thành thị 26,9%. Dân tộc chủ yếu là Kinh, Khmer, Hoa (trong đó, dân tộc Kinh chiếm

85,61%, Khmer chiếm 12,51%, Hoa chiếm 1,82%, các dân tộc khác chiếm khoảng 0,06% dân số chung của tỉnh), số người trong độ tuổi lao động 1.081.342 người (chiếm 59% dân số chung của tỉnh), trong đó người có khả năng lao động là 1.011.349 người (chiếm 93,5% số người trong độ tuổi lao động và chiếm 55,26% dân số chung của tỉnh) (kết quả điều tra ngày 01-04-2009).

Tài nguyên đất: tổng diện tích đất tự nhiên của Kiên Giang là 634.627,21 ha; trong đó, nhóm đất nông nghiệp 575.697,49 ha, chiếm 90,71% đất tự nhiên (riêng đất lúa 345.011,93 ha, chiếm 61,49% đất nông nghiệp); nhóm đất phi nông nghiệp 53.238,38 ha chiếm 8,39% diện tích tự nhiên; nhóm đất chưa sử dụng 5.691,34 ha, chiếm 0,9% diện tích tự nhiên. Kiên Giang có 4 vùng đất đai chính là vùng phù sa ngọt thuộc Tây Sông Hậu, vùng phèn ngập lũ thuộc tứ giác Long Xuyên, vùng nhiễm mặn thuộc U Minh Thượng và vùng đồi núi, hải đảo ở hai huyện Phú Quốc và Kiên Hải. Nhìn chung, đất đai ở Kiên Giang phù hợp cho việc phát triển nông- lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Toàn tỉnh có 3 con sông chảy qua: Sông Cái Lớn (60 km), sông Cái Bé (70 km) và sông Giang Thành (27,5 km); hệ thống kênh rạch chủ yếu để tiêu nước về mùa lũ và giao thông đi lại, đồng thời có tác dụng tưới nước vào mùa khô. Nền nông nghiệp của Kiên Giang là nông nghiệp trồng lúa nước. Đất canh tác không tập trung nhưng phần lớn phân bố ở ven các trung tâm huyện. Xen kẽ với việc trồng lúa nước là các loại hoa màu và một số cây có giá trị công nghiệp cao như dừa, khóm...

Tài nguyên biển: Kiên Giang có 200 km bờ biển với ngư trường khai thác thủy sản rộng 63.290 km2, chiếm 21% diện tích Vịnh Thái Lan; có nhiều cửa sông, kênh rạch đổ ra biển, tạo nguồn thức ăn tự nhiên phong phú cung cấp cho các loài hải sản cư trú và sinh sản; là ngư trường khai thác trọng điểm của cả nước. Theo điều tra của Viện Nghiên cứu biển Việt Nam, vùng biển ở đây có trữ lượng cá, tôm khoảng 500.000 tấn, trong đó vùng ven bờ có độ sâu 20 - 50m có trữ lượng chiếm 56% và trữ lượng cá tôm ở tầng nổi chiếm 51,5%, khả năng khai thác cho phép bằng 44% trữ lượng (tức là hàng năm có thể khai thác trên 200.000 tấn); bên cạnh đó, còn có mực, hải sâm, bào ngư, trai ngọc, sò huyết... với trữ lượng lớn, điều kiện khai thác thuận lợi. Ngoài ra, tỉnh đã và đang thực hiện dự án đánh bắt xa bờ tại vùng biển Đông Nam bộ có trữ lượng trên 611.000 tấn với sản lượng cho phép khai thác 243.660 tấn chiếm 40% trữ lượng.

Tài nguyên khoáng sản: Có thể nói, Kiên Giang là tỉnh có nguồn khoáng sản dồi dào bậc nhất ở vùng ĐBSCL. Qua thăm dò điều tra địa chất, tuy chưa đầy đủ nhưng đã xác định được 152 điểm quặng và mỏ của 23 loại khoáng sản thuộc các nhóm như: nhóm nhiên liệu (than bùn), nhóm không kim loại (đá vôi, đá xây dựng, đất sét…), nhóm kim loại (sắt, Laterit sắt…), nhóm đá bán quý (huyền thạch anh - opal…), trong đó chiếm chủ yếu là khoáng sản không kim loại dùng sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng. Theo điều tra của Liên đoàn Địa chất, trữ lượng đá vôi trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 440 triệu tấn. Theo quy hoạch của tỉnh, trữ lượng đá vôi cho khai thác sản xuất vật liệu xây dựng là 255 triệu tấn, đảm bảo đủ nguyên liệu cho các nhà máy xi măng, với công suất 3 triệu tấn/năm trong thời gian khoảng 50 năm.

Tiềm năng du lịch: Kiên Giang có nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng như: Hòn Chông, Hòn Trẹm, Hòn Phụ Tử, Núi Mo So, Rừng U Minh, Phú Quốc… Để khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch, Kiên Giang đã xây dựng 4 vùng trọng điểm như: Đảo Phú Quốc, Vùng Hà Tiên- Kiên Lương, Thành phố Rạch Giá và Vùng Phụ Cận, Vùng U Minh Thượng. Kiên Giang được nhiều người biết đến là vùng đất văn hóa và du lịch nổi tiếng ở khu vực ĐBSCL, là quê hương của Thi sĩ Đông Hồ, là nơi phát tích của Tao Đàn Chiêu Anh Các vang bóng một thời; là căn cứ khởi nghĩa và hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực; nơi tên tuổi người nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Phan Thị Ràng (Chị Sứ) cùng địa danh Hòn Đất đã đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc… Cảnh đẹp của Kiên Giang ngày xưa từng được ca ngợi qua "Hà Tiên thập vịnh". Đến ngày nay, Kiên Giang được nhiều người biết đến qua danh thắng du lịch nổi tiếng là Hòn Phụ Tử và đảo Phú Quốc, Rừng U Minh Thượng... Ngoài ra, Kiên Giang còn có tiềm năng kinh tế với nguồn lợi vô cùng to lớn về thủy sản. Tỉnh Kiên Giang có Thành phố Rạch Giá là một thành phố biển duy nhất ở khu vực ĐBSCL.

Một phần của tài liệu các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn vay của các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện tân hiệp - tỉnh kiên giang (Trang 28 - 30)