Các tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện Tân Hiệp

Một phần của tài liệu các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn vay của các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện tân hiệp - tỉnh kiên giang (Trang 35 - 38)

2.2.3.1. Các tổ chức tín dụng chính thức

Các TCTD chính thức là các trung gian tài chính, ở đây quan hệ vay - trả tiền giữa hai chủ thể (cá nhân - cá nhân; cá nhân - tổ chức; tổ chức - tổ chức…) nhưng người cho vay là một TCTD thành lập theo quy định của pháp luật (Luật các tổ chức tín dụng).

- Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn

Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Tân Hiệp là chi nhánh cấp hai trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang làm nhiệm vụ huy động vốn và cung cấp vốn cho mọi quá trình sản xuất, kinh doanh và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống nhân dân trong địa bàn huyện Tân Hiệp. Để mở rộng phạm vi phục vụ khách hàng ở nông thôn, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn còn thành lập thêm 02 phòng giao dịch cấp cơ sở là Phòng giao dịch Tân Hiệp A và Phòng giao dịch Kinh B nhằm tạo điều kiện cho khách hàng ở xa trung tâm thuận lợi hơn trong giao dịch với Ngân hàng. Ngoài ra, Ngân hàng còn phối hợp với các tổ chức đoàn thể như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… để làm cầu nối truyền tải vốn đến hộ nông dân trên địa bàn huyện được thuận tiện và nhanh chóng hơn.

- Ngân hàng Chính sách xã hội

Ngân hàng Chính sách Xã hội là tổ chức phi lợi nhuận, mục tiêu chủ yếu của Ngân hàng là cung cấp tín dụng cho các hộ nghèo (theo tiêu chí quy định của Chính phủ). Bên cạnh đó, Ngân hàng còn thực hiện chương trình cho vay giải quyết việc làm, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay chương trình nước sạch vệ sinh môi trường… Ngân hàng Chính sách Xã hội hiện có 01 chi nhánh ở huyện Tân Hiệp làm nhiệm vụ cung cấp tín dụng cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về XĐGN trên địa bàn huyện.

- Các ngân hàng thương mại

Các ngân hàng thương mại là tổ chức trung gian huy động nguồn tiền nhàn rỗi ở các lĩnh vực từ tổ chức, cá nhân... để đem tái cấp vốn cho vay các tổ chức, cá nhân cần nguồn vốn phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế (hiện nay, nông nghiệp nông thôn là mục tiêu chiến lược) nhằm mục tiêu lợi nhuận. Có thể

nói, những năm qua các ngân hàng thương mại cũng góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội, XĐGN của huyện Tân Hiệp. Hiện nay, ngoài Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Ngân hàng Chính sách Xã hội, trên địa bàn huyện Tân Hiệp cũng có sự hiện diện và hoạt động khá tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp của một số chi nhánh, phòng giao dịch của 08 ngân hàng thương mại như: Ngân hàng Hợp tác xã, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng Công thương (VietinBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank), Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongAbank).

- Quỹ Tín dụng nhân dân

Bên cạnh Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách Xã hội và các ngân hàng TMCP, Quỹ Tín dụng nhân dân cũng đóng một vai trò tích cực trong việc cung cấp tín dụng cho khu vực nông thôn. Huyện Tân Hiệp hiện nay có 05 tổ chức Quỹ tín dụng nhân dân đó là: Quỹ Tín dụng nhân dân Tân Hội, Đông Hòa, Thạnh An, Tân Hiệp A và thị trấn Tân Hiệp.

Quỹ Tín dụng nhân dân do hộ nông dân thành lập và tự quản lý, có quy mô nhỏ và ở cấp xã. Các quỹ này hoạt động theo Luật các TCTD và Luật HTX. Nguyên tắc hoạt động là huy động vốn để cho vay lại (huy động nguồn vốn của người dân và sau đó cho vay đối với các thành viên khác). Thủ tục cho vay và nhận tiền gửi rất đơn giản. Có thể nói, Quỹ Tín dụng nhân dân có quan hệ gần gũi với người nông dân trong xã, ấp hơn so với ngân hàng.

2.2.3.2. Các tổ chức tín dụng phi chính thức

Các TCTD phi chính thức là các trung gian tài chính mà hoạt động của họ là không theo luật và quy định của Ngân hàng Nhà nước, thậm chí có khi còn trái pháp luật. Dịch vụ tài chính không chính thức ở nông thôn rất đa dạng như: cho vay bằng tiền, bằng hiện vật, các khoản vay nóng, chơi hụi, chủ cửa hàng mua bán vật tư nông nghiệp… Đặc điểm của dịch vụ không chính thức là cung cấp kịp thời các khoản vay trong trường hợp khẩn cấp, thủ tục vay đơn giản, không cần tài sản thế chấp, dễ tiếp cận, nhưng lãi suất thì rất cao. Có thể chia thành những nhóm sau:

- Những người cho vay chuyên nghiệp

Những người cho vay chuyên nghiệp hoạt động rất rộng và dường như là nguồn tín dụng quan trọng cho các hộ gia đình. Họ thường là những người giàu có, dư tiền

của; họ thường cho vay với lãi suất cao, trung bình khoảng 10%/tháng và thậm chí còn cao hơn. Hoạt động của những người cho vay chuyên nghiệp rất đa dạng, họ chuyên cung cấp tín dụng cho tiêu dùng trong những trường hợp khẩn cấp như: cưới hỏi, bệnh tật, ma chay… Ngoài ra, họ còn cho nông dân vay tiền hay hiện vật vào đầu mùa vụ, sau đó thu lại khi người nông dân thu hoạch với lãi suất khá cao. Điều dễ thấy và thu hút sự quan tâm của các hộ dân ở nông thôn đối với hoạt động tín dụng này là sự sẵn có mọi lúc mọi nơi, không giới hạn số lượng cho vay và những người cho vay chuyên nghiệp cũng không đòi hỏi tài sản thế chấp cũng như các thủ tục giấy tờ phiền phức. Đó chính là lý do cho sự tồn tại và phát triển của loại hình tín dụng này.

- Hội, phường hụi

Về cơ bản thì đây là những hội tín dụng nhỏ do người địa phương lập ra. Mỗi hội có từ 05 đến 20 thành viên thường là các nhóm có cùng một nghề nghiệp hoặc lợi ích, ví dụ như: nhóm chăn nuôi heo, hội làm vườn, hội buôn bán… Các thành viên của hội đóng góp tiết kiệm để gây quỹ cho vay lần lượt từng thành viên của hội. Việc cho vay được thực hiện theo vòng quay lần lượt.

- Vay mượn từ bạn bè, người thân

Đây là nguồn chính của các khoản vay ở khu vực phi chính thức. Tùy theo sự thân thuộc giữa hai đối tượng (người vay và người cho vay) mà chi phí sử dụng vốn được xác định hợp lý. Lãi suất ở đây thường là ngang bằng hoặc thấp hơn lãi suất thị trường, thậm chí không tính lãi. Loại tín dụng này có vai trò quan trọng ở nông thôn hiện nay, nó không chỉ là nguồn vốn bổ sung vào sản xuất mà còn là nhân tố tăng cường tính đoàn kết, tương trợ giữa con người với nhau nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất, kinh doanh diễn ra liên tục đạt chất lượng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro ảnh hưởng đến tâm lý và quan hệ tình cảm trong xã hội như những vụ “bể nợ” (đối tượng đi vay, trước khi đi vay họ rất có uy tín đối với người cho vay, sau khi vay được, do làm ăn kém hiệu quả nên thời hạn trả nợ kéo dài, số tiền hoàn lại cho chủ nợ là rất ít, thậm chí không trả được vốn…). Việc vay mượn từ người thân, bạn bè thường được thực hiện rất dễ dàng đối với với những người vay tốt, có trách nhiệm, nhưng đôi khi cũng gặp không ít khó khăn đối với những người vay vì lý do gì đó mà họ không thực hiện tốt trách nhiệm của mình (trả nợ vay).

- Các chủ cửa hàng mua bán vật tư nông nghiệp

Khi người nông dân không có tiền mua vật tư nông nghiệp, họ đến cửa hàng mua bán vật tư nông nghiệp để xin mua chịu và hẹn đến mùa thu hoạch sẽ trả tiền. Khi

đó, chủ cửa hàng sẽ bán vật tư cho người nông dân với mức giá bán khi mua bằng tiền mặt cộng thêm phần lãi (bằng mức lãi cho vay tiền của họ) của số tiền này trong khoảng thời gian từ ngày mua đến ngày thanh toán (thường là đến ngày thu hoạch). Thông thường, các cửa hàng bán vật tư tranh thủ cơ hội này để bán vật tư với mức giá cao để có lãi nhiều, bởi vì họ biết rằng khi đến thời điểm phải sử dụng vật tư, phân bón thì người nông dân không thể không sử dụng và dễ dàng chấp nhận giá bán (do không có tiền phải mua chịu). Đôi khi, có nhiều chủ cửa hàng cũng chấp nhận bán cho nông dân mà không đòi hỏi lãi suất, thường là với những khách hàng thường xuyên, lâu năm hoặc có quan hệ tình cảm thân thiết với họ.

Có nhiều lý do giải thích tại sao khu vực phi chính thức vẫn còn là nguồn tín dụng quan trọng đối với nông hộ. Tuy nhiên, có thể khẳng định một điều lợi nhuận thu được của người nông dân sẽ bị mất đi một phần không nhỏ tại khu vực tín dụng này. Hiệu quả sử dụng vốn vay vì thế cũng sẽ bị giảm sút đáng kể.

Một phần của tài liệu các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn vay của các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện tân hiệp - tỉnh kiên giang (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)