Kết quả nghiên cứu cho chúng ta biết được các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của học sinh về chất lượng đào tạo và cách đo lường nó. Điều này thực sự hữu ích đối với các nhà trường, kết quả này có thể giúp nhà trường kiểm soát sự thỏa mãn của người học thông qua các nhân tố tác động đến nó. Từng bước thực hiện việc tự kiểm định chất lượng giáo dục theo Chỉ thị số 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Giáo dục và đào tạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 – 2012.
Việc phân tích mức độ quan trọng của từng nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của người học là rất quan trọng đối với định hướng phát triển của Trường. Tuy vậy, điều kiện cũng như nguồn lực của Trường có giới hạn vì thế nhà trường cần chú ý đến mức độ quan trọng của từng nhân tố ảnh hưởng mà ưu tiên có chính sách cải tiến, điều chỉnh nhằm mục đích đem lại hiệu quả cao nhất.
Trường Trung cấp Kinh tế Khánh Hòa nên gia tăng sự hài lòng của người học bằng cách tác động vào 05 nhân tố có trọng số từ cao đến thấp: “ Dịch vụ hỗ trợ học tập” (0.321), “Sự quan tâm của giáo viên đối với học sinh” (0.216), “Chương trình học” (0.206), “Năng lực của giáo viên” (0.153) và “Cơ sở vật chất” (0.063).
* Một số giải pháp cụ thể theo từng nhân tố:
Bình quân sự hài lòng của học sinh về chất lượng đào tạo tại trường là 3.6642. Đối với thang đo Likert 5 mức độ đây chỉ là mức độ thỏa mãn trên trung bình. Do đó xin đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm tác động nâng cao sự hài lòng ở từng nhân tố để từ đó nâng cao sự hài lòng chung của người học. Cụ thể như sau:
- Nhân tố “Dịch vụ hỗ trợ học tập”:
Ngoài chương trình học thì các dịch vụ hỗ trợ học tập như: hoạt động tư vấn học tập, nghề nghiệp, các hoạt động đoàn thể, các dịch vụ ăn ở sinh hoạt, thái độ phục vụ của nhân viên …cũng tạo nên những tác động không nhỏ đối với mức độ hài lòng của học sinh về chất lượng đào tạo bởi vì khi tham khóa học, người học không chỉ mong muốn nhận được kiến thức kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp mà họ còn mong muốn có được môi trường học tập tiện nghi thoải mái, mang lại không khí học tập lành mạnh, linh hoạt và sinh động nhưng lại không bị đè nặng bởi những áp lực nặng nề.
Với môi trường học tập ngày càng phong phú và đa dạng theo hướng toàn cầu hóa hiện nay, việc gia tăng những dịch vụ trợ giúp và hỗ trợ cho người học trong quá trình học tập là điều không thể thiếu. Vấn đề ở chỗ là cần phải tìm hiểu nhu cầu của người học để có thể đa dạng hóa các dịch vụ này với chất lượng ngày càng cao.
Do đó dù còn nhiều khó khăn xong nhà trường vẫn cố gắng nâng cấp, cải tạo khu ký túc xá, câu lạc bộ học sinh, đầu tư xây dựng sân bóng đá mini… để đáp ứng yêu cầu ăn ở và học tập của học sinh tại trường.
Từ những phân tích trên, bên cạnh những hoạt động thường xuyên, tác giả đề xuất một số kiến nghị sau đây nhằm hoàn thiện yếu tố các dịch vụ hỗ trợ giảng dạy và học tập:
+ Tăng cường cải thiện điều kiện sinh hoạt ăn ở, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho học sinh (khám sức khoẻ định kỳ) nhằm giúp người học thoải mái và thuận tiện trong quá trình học tập tại trường.
+ Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động ngoại khoá tăng cường giáo dục toàn diện về kỹ năng mềm cho học sinh: Giảng dạy môn kỹ năng giao tiếp, tổ chức các hoạt động như “Diễn đàn học sinh khởi nghiệp”, “Tuổi trẻ sống đẹp”…
+ Đẩy mạnh công tác học sinh – sinh viên, xây dựng môi trường học tập lành mạnh thân thiện, văn hoá trường học chuẩn mực.
+ Tăng cường tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, câu lạc bộ…tạo sân chơi lành mạnh giúp học sinh rèn luyện sức khoẻ.
+ Thường xuyên và định kỳ lấy ý kiến từ phía giáo viên và học sinh để kịp thời đưa ra những giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng các dịch vụ hỗ trợ, phục vụ hiệu quả công tác giảng dạy và học tập.
Hiện nay để đánh giá và nâng cao chất lượng đào tạo, vấn đề được đề cập nhiều nhất là trình độ chuyên môn và phương pháp giảng dạy của giáo viên mà ít quan tâm đến việc cải thiện mối quan hệ giữa giáo viên và người học. Cũng có thể là do quan điểm từ xưa với phương pháp giáo viên là trung tâm, do đó người giáo viên cần nhất là kiến thức và trình độ chuyên môn, phương pháp truyền đạt, còn những việc còn lại là nằm ở phía người học. Vì thế mà ít có sự trao đổi từ hai phía giữa giáo viên và học sinh, ít có sự gần gũi thân thiện, giúp đỡ và tư vấn học sinh các vấn đề cần thiết trong quá trình học tập.
Do vậy, tác giả đề xuất một số giải pháp sau nhằm cải thiện yếu tố này, giúp thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của người học tại Trường Trung cấp Kinh tế Khánh Hòa:
+ Ban giám hiệu và bản thân các giáo viên cần phải có sự thay đổi về quan niệm dạy và học, quan niệm về mối quan hệ thầy trò, quan niệm về phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại, hướng về người học, lấy người học làm trung tâm cho quá trình dạy và học.
+ Giáo viên thông qua các Khoa chuyên môn nên thường xuyên và định kỳ tiếp xúc với học sinh, lắng nghe ý kiến từ phía học sinh để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người học, đồng thời có những điều chỉnh bổ sung kịp thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học.
+ Bên cạnh việc phân bổ thời lượng môn học hợp lý hơn giữa lý thuyết và thực hành, việc dành một tỉ lệ thời gian hợp lý cho việc thảo luận và giải đáp các thắc mắc là không thể thiếu đối với từng môn học khi lên lớp.
- Nhân tố “Chương trình học”:
Chương trình đào tạo đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình đảm bảo chất lượng. Có thể nói chương trình đào tạo là công cụ để tổ chức và quản lý đào tạo của nhà trường.
Ngoài ra khi đề cập đến những đề xuất đối với chương trình đào tạo thì hầu hết các học sinh đều mong muốn tăng thời gian thực hành cho các môn học chuyên ngành (Thuế, Kế toán doanh nghiệp, Tổ chức công tác kế toán, Kế toán máy), bổ sung một số môn học quan trọng (Anh văn chuyên ngành, Khai báo thuế, …), được đi tham quan - thực tế tại các doanh nghiệp ngay trong quá trình học tập và thường xuyên để đảm bảo các kiến thức lý thuyết và thực hành tại trường bám sát thực tiễn công việc và học sinh có cơ hội làm quen dần với môi trường làm việc sau này.
Học sinh cũng cho rằng thời gian biểu cần phải được bố trí cố định và hợp lý hơn (không nên xếp dày đặc cả sáng lẫn chiều), có như vậy sẽ thuận tiện hơn cho học sinh trong quá trình học tập và tạo điều kiện để các học sinh có thể tham gia làm thêm ngoài giờ học.
Muốn đảm bảo chất lượng, chương trình đào tạo không những phải phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng thị trường lao động mà còn phải đáp ứng được những yêu cầu của người học. Chính vì thế khi xây dựng chương trình đào tạo, ngoài việc bám sát theo chương khung, nhà trường cần phải lưu ý một số vấn đề sau:
+ Linh hoạt trong việc thiết kế chương trình sao cho đảm bảo mục tiêu đào tạo; chương trình vừa phải đáp ứng tốt nhu cầu của người học vừa phải đón bắt và theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.
+ Đảm bảo nội dung các môn học phải bám sát với thực tiễn và thường xuyên cập nhật đổi mới; thời lượng môn học phải được phân bổ hợp lý giữa lý thuyết và thực hành.
+ Có thể bố trí lịch học cố định và hợp lý theo học kỳ và thông báo cho học sinh ngay từ khi bắt đầu khóa học.
+ Thường xuyên có hoạt động giám sát đào tạo nhằm đảm bảo việc thực hiện đúng kế hoạch tiến độ giảng dạy, thời lượng chương trình, nội dung chương trình; nắm bắt kịp thời những sai lệch, vấn đề mới nảy sinh, những yêu cầu về đổi mới,… để có những giải pháp kịp thời, rút kinh nghiệm cho từng học kỳ để đưa ra những đổi mới cho học kỳ, năm học sau.
- Nhân tố “Năng lực của giáo viên”:
Thực tế cho thấy trong mỗi chương trình đào tạo, chất lượng giáo viên có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả đào tạo.
Về năng lực chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn tuy là ưu điểm của các giáo viên tại trường do nhà trường có chính sách đầu tư thỏa đáng từ trước đến nay tuy nhiên vấn đề là ở chỗ những kiến thức và kinh nghiệm này có được thường xuyên trao đổi hay không? Có những giáo viên trình độ chuyên môn rất cao, kinh nghiệm thực tế nhiều, nhưng phương pháp giảng dạy lại không đạt được tính hiệu quả cao. Vấn đề không chỉ là phương pháp sư phạm và còn là sự nhiệt tình trong công việc và sự đầu tư cho công tác giảng dạy.
Từ những kết quả cụ thể trong nghiên cứu, tác giả thiết nghĩ giáo viên không những phải có trình độ chuyên môn cao, kiến thức thực tế nhiều mà còn phải biết ứng
dụng những kinh nghiệm đó vào bài giảng, giúp cho bài giảng phong phú và thiết thực hơn. Hơn nữa để mang lại hiệu quả cao, bản thân các giáo viên cần có sự trau dồi về phương pháp giảng dạy, có sự đầu tư thỏa đáng trong việc cải tiến cách thức giảng dạy vừa mang tính sáng tạo, hiện đại vừa đạt hiệu quả cao. Tác giả đề xuất một số ý kiến sau đây:
+ Cần có những cuộc hội thảo không những về chuyên môn mà còn nhằm mục đích trao đổi, học tập, cải tiến và đổi mới phương pháp giảng dạy.
+ Bố trí các buổi dự giờ trên lớp thường xuyên, tạo điều kiện cho các giáo viên học hỏi lẫn nhau và bổ sung cho nhau về phương pháp giảng dạy, hơn nữa việc dự giờ cũng giúp cho các giáo viên đứng lớp có thái độ tích cực hơn và đầu tư tốt hơn cho bài giảng của mình.
+ Bên cạnh đó nhà trường cần có những khuyến khích động viên giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy nhằm phát triển, bồi dưỡng và bổ trợ cho các giáo viên còn thiếu kinh nghiệm giảng dạy.
+ Vấn đề đầu tư cho giáo viên ở đây không nên dừng lại về mặt chuyên môn mà cần phải đầu tư cả về thời gian. Cần có sự phân bổ thời gian hợp lý giữa giảng dạy trên lớp, công việc nghiên cứu và học tập và trao đổi chuyên môn, hơn nữa việc đầu tư cho giảng dạy cũng cần phải được lưu ý và chuẩn bị chu đáo.
+ Với chuyên ngành tài chính kế toán thường xuyên có sự đổi mới, do đó song song với việc học tập nghiên cứu nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn thì việc thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng và trau dồi thêm kinh nghiệm thực tế, kinh nghiệm về giảng dạy là điều không thể thiếu. Nhà trường cần tạo điều kiện để các giáo viên được bố trí khoảng thời gian hợp lý cho việc đi thực tế tại các doanh nghiệp đồng thời tham quan các trường bạn nhằm mở rộng kiến thức và kinh nghiệm thực tế.
- Nhân tố “Cơ sở vật chất”:
Cơ sở vật chất cũng có vai trò quan trọng không kém trong việc đảm bảo chất lượng giảng dạy và học tập. Phòng học ổn định với trang thiết bị hiện đại có thể giúp giáo viên áp dụng được nhiều phương pháp giảng dạy sinh động, trực quan và thu hút được người học. Hơn nữa các yếu tố về độ thông thoáng và ánh sáng đầy đủ cũng giúp cho hiệu quả việc học tập và giảng dạy tốt hơn. Phòng thực hành có đủ trang thiết bị cơ bản và hiện đại sẽ dễ dàng giúp cho học sinh ứng dụng lý thuyết đã học vào thực tế, rèn luyện kỹ năng và thao tác nghề nghiệp ngay khi đang học, hơn nữa giúp phát huy
tốt khả năng tìm tòi sáng tạo của học sinh. Bên cạnh đó hệ thống thư viện với các phòng đọc rộng rãi, cung cấp đa dạng các loại tài liệu sách báo phục vụ cho việc nghiên cứu và học tập tham khảo sẽ giúp cho người học phát huy khả năng tự học và nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu cho thấy các yêu tố về cơ sở vật chất mặc dù chưa có ý nghĩa thống kê trong việc giải thích sự hài lòng của học sinh ở Trường Trung cấp Kinh tế Khánh Hòa nhưng nhà trường cũng nhìn thấy những điểm hạn chế về cơ sở vật chất. Do đó dù có nhiều khó khăn xong nhà trường vẫn từng bước nâng cấp và xây dựng mới một số phòng học, phòng thực hành, trang bị thêm các thiết bị mới, đầu tư và trang bị cho thư viện kể cả tài liệu lẫn cơ sở phòng đọc,… để đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập không chỉ cho người học mà cả cho đội ngũ giáo viên.
Từ những phân tích trên, bên cạnh những hoạt động thường xuyên, tác giả đề xuất một số hướng sau đây nhằm cải thiện yếu tố cơ sở vật chất tại trường:
+ Cải thiện điều kiện phòng học cũ: Bố trí lại các cửa sổ, gắn thêm đèn, quạt, gỡ bỏ những vật dụng không cần thiết trong phòng học, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. Bố trí thêm hệ thống âm thanh, gắn các trang thiết bị cần thiết ngay trong phòng học để hỗ trợ giáo viên dễ dàng áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại, tạo không khí sinh động và thu hút người học hơn.
+ Nâng cấp và mở rộng hệ thống thư viện và phòng đọc. Ngoài hệ thống tài liệu, sách báo đã có sẵn thì việc trang bị các tài liệu và giáo trình điện tử là rất cần thiết. Điều này đòi hỏi trước tiên phải có hệ thống máy tính được nối mạng và dễ dàng truy cập thông tin. Hơn nữa hệ thống tài liệu, giáo trình cũng phải được cập nhật và bổ sung mới thường xuyên. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu mang tính đa dạng và hiện đại.
+ Bên cạnh việc xây mới, bổ sung và nâng cấp, nhà trường cần chú trọng đến những hoạt động bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên các trang thiết bị giảng dạy học tập, phòng học, phòng thực hành, …
+ Thường xuyên lấy ý kiến đóng góp từ phía giáo viên và học sinh để kịp thời đưa ra những giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng cơ sở vật chất phục vụ hiệu quả công tác giảng dạy và học tập.