IV- Kiến thức bài học 1 Củng cố
2- Hướng dẫn về nhà
NGUYỄN ÁNH
Vua Gia Long vốn tên là Chủng sau đổi tên là Nguyễn Phúc Ánh (thường gọi tắt là Nguyễn Ánh) là con thứ ba của Nguyễn Phúc Luân, mẹ của Nguyễn Ánh là Nguyễn Thị Hoàn (người làng Minh Linh, phủ Thừa Thiên), Nguyễn Ánh cũng là cháu của chúa Nguyễn Phúc Thuần. Nguyễn Ánh sinh ngày 8-2- 1762 (tức 15 tháng 1 năm Nhâm Ngọ) và mất ngày 3-2-1820 (tức 19 tháng 2 năm Kỷ Mão).
Nguyễn Phúc Luân, cha của Nguyễn Ánh bị quyển thần Trương Phúc Loan phế truất và bắt giam, khi đó Nguyễn Ánh mới 4 tuổi và được chúa Nguyễn Phúc Thuần đem vào cung nuôi. Đến năm 1773, Nguyễn Ánh 12 tuổi thì theo chúa Nguyễn Phúc Thuần vào Quảng Nam. Mùa thu năm 1777, Nguyễn Ánh 17 tuổi (khi đó nổ ra cuộc khởi nghĩa Tây Sơn), Nguyễn Phúc Thuần bị quân Tây Sơn đánh bại, Nguyễn Ánh một mình chạy thoát ra đảo Thổ Chu rồi trở lại Long Xuyên. Một tháng sau, Nguyễn Ánh tập hợp được một đội quân nghĩa dũng, binh sĩ mặc toàn đồ tang quyết tử đánh chiếm lại Sài Gòn. Đỗ Thanh Nhân và một số tướng lĩnh khác giúp Nguyễn Ánh xây dựng lực lượng, đắp lũy đất ở phía tây sông Bến Nghé, đóng cọc gỗ ở các cửa cảng để phòng ngừa tấn công của quân Tây sơn. Lúc này Nguyễn Ánh đã có 50 chiến thuyền.
Năm 1780, Nguyễn Ánh chính thức lên ngôi vương tại Sài Gòn, dùng ấn “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo” làm ấn truyền quốc, niên hiệu vẫn theo chính sách nhà Lê, tiếp tục chống lại quân Tây Sơn. Tháng 3 năm 1782, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ kéo quân vào Sài Gòn. Nguyễn Ánh chống lại ở cửa biển những sức yếu đành thua trận, Nguyễn Ánh phải chạy ra biển đến trú ở đảo Phú Quốc. Tháng 8 năm 1782, Nguyễn Ánh thu thập lại toàn quân trở lại Gia Định. Năm 1783 Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi liên tục, Nguyễn Ánh chạy thoát ra đảo Côn Lôn. Bị thất bại liên tiếp, Nguyễn Ánh phải trao con là Hoàng tử Cảnh (lúc đó 4 tuổi) cho Đa Bá Lộc làm con tin sang cầu viện nước Pháp, rồi từ biệt gia đình đem quân ra ngoài biển. Ở ngoài biển thiếu lương ăn và nước ngọt, Nguyễn Ánh thường chỉ dùng cơm với mắm tôm và các loại gia vị như gừng, ớt, tỏi, ô mai tán nhỏ hòa lẫn với nhau, Nguyễn Ánh
thường ăn cùng bầy tôi và nói “Lam chướng ở rừng ở biển, ăn các thứ này tốt lắm, và để tỏ ra cùng các khanh tân khổ có nhau”.
Năm 1784, Nguyễn Ánh đem gia đình sang Xiêm cầu viện. Mùa hè năm đó nhờ có quân Xiêm mà Nguyễn Ánh chiếm lại Ba Xắc, Trà Ôn, Sa Đéc… Tháng 12 năm 1784, Nguyễn Huệ đem quân vào cứu Sài Gòn, đánh tan quân Xiêm. Thất vọng trước sự bất lực của quân Xiêm, Nguyễn Ánh tăng cường tìm kiếm sự giúp đỡ của người Pháp.
Năm 1787, Nguyễn Ánh bí mật đưa quân về nước. Trên đất nước của mình, Nguyễn Ánh đã cố gắng nhanh chóng tăng cường binh lực. Một loạt chính sách được ban hành. Nguyễn Ánh đặc biệt quan tâm đến phong thưởng và đãi ngộ tướng sĩ đã có công. Vừa củng cố và vừa phát triển lực lượng, năm 1792, Nguyễn Ánh bắt đầu mở các đợt tấn công ra Qui Nhơn theo chiến thuật “tằm ăn lá dâu” và theo từng mùa gió nồm “ gặp gió nồm thuận thì tiến , vãn thì về; khi phát thì quân lính đủ mặt, khi về thì tản ra đồng ruộng”. Sau cái chết của vua Quang Trung, Nguyễn Ánh càng ráo riết thực thi chiến thuật trên. Năm 1788, Nguyễn Ánh chiếm được Qui Nhơn, đổi thành Bình Định. Tháng 6 năm 1801, Nguyễn Ánh tiến quân và chiếm được thành Phú Xuân.
Năm 1802 khi đã lấy lại được toàn bộ đất đai cũ của các chúa Nguyễn, Nguyễn Ánh cho lập đàn tế cáo trời đất, thiết triều tại Phú Xuân, đặt niên hiệu là Gia Long năm thứ nhất và cử Lê Quang Định làm Chánh sứ sang nhà Thanh xin phong vương và đổi tên là Nam Việt, nhà Thanh cho rằng tên nước là Nam Việt sẽ lẫn với nước của Triệu Đà (gồm cả Đông Việt và Tây Việt) nên đổi là Việt Nam. Năm 1804 nước ta có tên là Việt Nam. Năm 1806, vua Gia Long chính thức làm lễ xưng đế ở điện Thái Hòa.
Là vua sáng lập triều Nguyễn của một quốc gia thống nhất, vua Gia Long đã quyết định rất nhiều việc để đặt nền móng cho vương triều có một địa bàn thống trị rộng lớn từ Bắc đến Nam.
Ngày 19 tháng 2 năm Kỷ Mão (tức ngày 3 tháng 2 năm 1820) vua Gia Long qua đời, thọ 59 tuổi, ở ngôi 18 năm, miếu hiệu là Thế Tổ, thụy hiệu Cao Hoàng Đế. Lăng của vua Gia Long hiệu Thiên Thọ, tại làng Đình Môn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tôn thờ vua Gia Long tại Chánh Án Miếu ở Thế Miếu trong Đại nội Kinh thành Huế.