Tạo biểu tượng nhân vật lịch sử thông qua đồ dùng trực quan, kết hợp với tài liệu lịch sử, văn học.

Một phần của tài liệu Tạo biểu tượng về nhân vật và địa điểm xảy ra sự kiện trong dạy học lịch sử ở trường rung học cơ sở (Trang 36 - 39)

với tài liệu lịch sử, văn học.

Đồ dùng trực quan có nhiều loại nhưng đối với tạo biểu tượng nhân vật lịch sử thì chủ yếu nên sử dụng tranh, ảnh lịch sử (gồm tranh minh họa đương thời, tranh minh họa hiện thời và ảnh tư liệu). Sử dụng tranh, ảnh mang lại nhận thức chính xác, sinh động về nhân vật. Trên cơ sở đó tạo xúc cảm lịch sử cho các em, nhất là tranh do người đương thời vẽ.

Tranh, ảnh lịch sử cũng có nhiều loại: tranh chân dung các nhân vật lịch sử, tranh biếm họa,… Hiện nay, các phương tiện trực quan như trình chiếu video, tư liệu lịch sử được sử dụng tương đối phổ biến. Trong các trường phổ thông hầu hết đã trang bị được những hệ thống phương tiện đó, tranh, ảnh lịch sử vẫn giữ vai trò quan trọng. Nhưng không phải tất cả giáo viên đều sử dụng tranh ảnh lịch sử và khai thác tốt nội dung trong đó nên việc sử dụng tranh ảnh chỉ mang tính chất hình thức, không làm cho giờ học sinh động. Để khắc phục tình trạng đó khi sử dụng tranh ảnh lịch sử để tạo biểu tượng nhân vật nói riêng và biểu tượng lịch sử nói chung cần chú ý mấy điểm sau:

Chọn tranh, ảnh có khả năng mang lại hiệu quả cao trong việc khắc họa biểu tượng nhân vật

Chuẩn bị tốt phương án sử dụng tranh ảnh (sử dụng khi nào, đặt ở vị trí nào, minh họa, thuyết minh ra sao)

Để việc khai thác tranh ảnh có hiệu quả, phát huy được tính tích cực của học sinh nhằm mục tiêu: học sinh tự tìm hiểu nội dung tranh, ảnh dưới sự hướng dẫn, tổ chức của giáo viên, xin được nêu một số gợi ý như sau:

Bước 1: Cho học sinh quan sát tranh, ảnh để xác định một cách khái quát nội dung tranh, ảnh cần khai thác.

Bước 2: Giáo viên đặt câu hỏi gợi mở, tổ chức hướng dẫn học sinh tìm hiểu nội dung tranh ảnh.

Bước 3: Học sinh trình bày kết quả tìm hiểu nội dung tranh, ảnh sau khi đã quan sát, kết hợp gợi ý của giáo viên và tìm hiểu nội dung trong bài học.

Bước 4: Giáo viên nhận xét, bổ sung câu trả lời của học sinh, hoàn thiện nội dung khai thác tranh, ảnh cung cấp cho học sinh.

Sử dụng tốt tranh, ảnh lịch sử sẽ khắc họa hình ảnh cụ thể, sinh động trong óc học sinh tạo cho các em có biểu tượng chính xác, hiệu quả bài học cao.

Vận dụng khi dạy lịch sử 7, Bài 20: Nước Đại Việt thời Lê Sơ, mục IV: Một số danh nhân văn hoá xuất sắc của dân tộc. Khi giới thiệu về Nguyễn Trãi, giáo viên có thể sử dụng kênh hình 47 – Nguyễn Trãi trong sách giáo khoa, sau đó giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của ông để học sinh có thể hình dung rõ hơn.

Hình 47 – Nguyễn Trãi

- Em biết gì về Nguyễn Trãi?

- Tư tưởng chỉ đạo quân sự chủ yếu của ông là gì? - Những đóng góp của ông đối với thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn nói riêng và dân tộc ta nói chung? - Em hãy kể tên một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Trãi mà em biết?

Sau khi học sinh trao đổi, giáo viên chốt lại những ý chính (dựa vào nội dung trên), qua đó giúp học sinh hiểu rõ tư tưởng và công lao to lớn của Nguyễn Trãi đối với dân tộc.

Qua bức ảnh trong sách giáo khoa, ta thấy Nguyễn Trãi là người tầm thước, khuôn mặt nhân hậu, thông minh, mũ áo ông mặc là trang phục của viên quan thời Lê, được nhà Nguyễn khôi phục lại.

Nguyễn Trãi (1380 – 1442) là nhà văn, nhà chính trị, nhà tư tưởng kiệt xuất Việt Nam, một danh nhân văn hoá thế giới. Hiệu là Ức Trai, quê làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, Tỉnh Hà Tây. Cha Ông là Nguyễn Ứng Long, tức Nguyễn Phi Khanh, mẹ ông là Trần Thị Thái – con gái của Trần Nguyên Đán, thuộc dòng họ Tôn Thất.

Vì mẹ mất sớm, nên từ nhỏ ông sống với cha ở làng Nhị Khê. Vốn thông minh, hiếu học lại được cha rèn cặp nên chẳng bao lâu kiến thức uyên thâm của ông đã nổi tiếng khắp vùng.

Năm 1406, nhà Minh đem quân xâm lược nước ta, cha con Hồ Quý Ly tổ chức kháng chiến nhưng thất bại và bị bắt. Nhiều bề tôi nhà Hồ cũng cùng chung số phận, trong đó có Nguyễn Phi Khanh. Tương truyền, vì thương cha, Nguyễn Trãi bèn cùng với em là Phi Hùng, cải trang là dân phu đi theo để săn sóc cha.

Đến nửa đường, Nguyễn Phi Khanh gọi Nguyễn Trãi đến khuyên: - Cha nghĩ một mình em con đi theo cha là đủ

Nguyễn Trãi rơm rớm nước mắt thưa:

- Nơi đất khách quê người nhiều hiểm nguy rình rập, em Hùng còn nhỏ tuổi, sức vóc lại yếu, con không yên tâm.

Nguyễn Phi Khanh lắc đầu:

- Con nghĩ như vậy là tròn chữ hiếu, thế còn chữ trung con tính sao đây? Nguyễn Trãi im lặng, thấy vậy, cha ông nói tiếp

- Còn tính mạng của trăm vạn dân lành đang sống trong cảnh điêu linh khốn khổ. Họ đang ngóng đợi, trông mong vào những người như con đó. Con đừng quên, nòi giống Lạc Hồng chúng ta, từ ngàn xưa, bất kể nam, phụ, lão, ấu đều không cúi đầu khom lưng trước ngoại bang.

Nghe lời cha dạy, Nguyễn Trãi gạt nước mắt, tìm cách trốn về Nam quốc. Lời dạy của cha khi nào cũng văng vẳng bên tai: “Con phải nghe cha, trở về trả thù nhà, đền nợ nước. Đuổi sạch giặc Minh ra khỏi nước ta, đó cũng là cách trả thù cho cha vậy”.

Khoảng năm 1416, Nguyễn Trãi tìm đến với Lê Lợi, một anh hùng kiệt xuất, người đứng đầu phong trào khởi nghĩa Lam Sơn. Nguyễn Trãi được Lê Lợi hết sức coi trọng, cử ông giữ chức Tuyên phụng đại phu, Hàn lâm thừa chỉ. Ông đã cùng với Lê Lợi xây dựng một đường lối chính trị và quân sự đúng đắn, đánh dấu một bước ngoặt của khởi nghĩa Lam Sơn như: bỏ miền núi mà tiến xuống đồng bằng, bỏ cố thủ mà chủ động tấn công, góp phần đưa nghĩa quân từng bước tới chiến thắng.

Khi đã tương quan lực lượng với giặc, Nguyễn Trãi lại được Lê Lợi giao cho một nhiệm vụ quan trọng là nhân danh Lê Lợi viết thư cho tướng giặc Minh. Các lá thư ấy đều thể hiện năng lực của một nhà tư tưởng, một nhà biện luận thiên tài, vừa mắng nhiếc, khiêu khích giặc, vừa phân tích lý lẽ phải trái, vừa mềm mỏng dụ hàng. Tất cả đều nhằm đẩy kẻ địch tới những tình thế khó khan.

Nguyễn Trãi không chỉ dừng lại ở việc vạch trần kế hoạch và thảo thư chiếu. Ông còn đích thân đến một số thành để dụ hàng. Ông thuyết phục được

nhiều tướng giặc ra hàng, trong số đó có người như Thái Phúc về sau đã giúp nghĩa quân trong việc binh vận, làm cho quân Minh thêm rã ngũ. Và cuối năm 1427, trong chiến dịch Chi Lăng – Xương Giang, ông có công lớn giúp nghĩa quân của ta đánh tan mười lăm vạn quân cứu viện của giặc do tướng Liễu Thăng và Mộc Thạnh chỉ huy, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Minh.

Năm 1428, đất nước hoàn toàn giải phóng. Nguyễn Trãi vâng mệnh vua, viết Bình Ngô đại cáo – một áng thiên cổ hung văn nhằm tuyên cáo với toàn thể nhân dân về nền độc lập của xã tắc và khẳng định thêm một lần nữa rằng nước Đại Việt ta:

“…Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau Song hào kiệt đời nào cũng có”

Nguyễn Trãi là một nhà yêu nước vĩ đại, đồng thời cũng là một thiên tài. Ông là người văn võ song toàn, am hiểu nhiều lĩnh vực: tư tưởng, chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, văn học nghệ thuật. Đặc biệt là trong lĩnh vực văn học, ông đã để lại một di sản lớn. Những tác phẩm của ông là đỉnh cao của văn thơ thế kỉ XV. Hai áng văn lịch sử nổi tiếng của ông là Bình Ngô Đại Cáo và Chí Linh sơn phú đã đưa ông lên vị trí là người viết anh hùng ca hay nhất trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến. Về thơ ca, ông được đánh giá là một nhà thơ ưu tú bậc nhất của lịch sử văn học Việt Nam với các tác phẩm tiêu biểu như: Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập,…

Với những đóng góp của mình, ông được mệnh danh là “Nhà văn hoá lớn của Việt Nam”. Năm 1980, ông được thế giới kỉ niệm 600 ngày sinh và được công nhận là Danh nhân văn hoá thế giới [26; 113-115].

Một phần của tài liệu Tạo biểu tượng về nhân vật và địa điểm xảy ra sự kiện trong dạy học lịch sử ở trường rung học cơ sở (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(79 trang)
w