Sử dụng tài liệu văn học để tạo biểu tượng nhân vật lịch sử

Một phần của tài liệu Tạo biểu tượng về nhân vật và địa điểm xảy ra sự kiện trong dạy học lịch sử ở trường rung học cơ sở (Trang 33 - 36)

Tài liệu văn học là các tác phẩm văn học được sáng tác qua lăng kính chủ quan của tác giả. Từ xa đến nay tác phẩm văn học có vai trò lớn đối với việc dạy học lịch sử ở trường phổ thông, trong đó tạo biểu tượng nhân vật lịch sử thông qua tài liệu văn học cũng là một phương pháp đạt hiệu quả cao.

Trước hết tác phẩm văn học bằng những hình tượng cụ thể có tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm của người đọc. Giữa văn học và khoa học nói chung, sử học nói riêng có mối liên hệ khăng khít, vì trong khi sáng tác một tác phẩm văn học nhà văn phải nghiên cứu tài liệu lịch sử.

Thứ hai, tài liệu văn học, tác phẩm văn học góp phần quan trọng làm cho bài giảng sinh động, hấp dẫn, nâng cao hứng thú học tập cho học sinh. Trong dạy học lịch sử và tạo biểu tượng nhân vật lịch sử giáo viên nên sử dụng các loại tài liệu văn học chủ yếu sau: tác phẩm văn học ra đời vào thời kì xảy ra sự kiện lịch sử, tiểu thuyết lịch sử, hồi kí cách mạng,…. Mỗi loại có ý nghĩa khoa học

riêng trong việc nghiên cứu và giảng dạy lịch sử. Xác định loại tài liệu văn học phải phù hợp với mục đích yêu cầu của việc tạo biểu tượng nhân vật và yêu cầu của bài học. Đặc biệt các tác phẩm văn học thường có nhiều yếu tố hư cấu, hình tượng hóa nên trong khi sử dụng giáo viên phải đặc biệt chú ý khai thác những yếu tố là sự thật lịch sử, sự kiện có thật để truyền đạt cho học sinh. Đồng thời phải loại bỏ những truyện kiếm hiệp, tiểu thuyết võ hiệp xuyên tạc lịch sử, ảnh hưởng xấu đến việc hình thành biểu tượng nhân vật lịch sử thiếu chính xác, giáo dục tư tưởng tình cảm sai lệch cho học sinh.

Việc sử dụng tài liệu văn học trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông phải đảm bảo hai tiêu chuẩn cơ bản: giá trị giáo dưỡng, giáo dục và giá trị văn học. Tài liệu ấy phải là một bức tranh sinh động về những sự kiện, nhân vật lịch sử của thời đại đang học. Một số cách để sử dụng tài liệu văn học trong tạo biểu tượng nhân vật lịch sử:

Đưa vào bài giảng một đoạn thơ, văn ngắn viết về nhân vật lịch sử đang học.

Dùng một đoạn trích để cụ thể hóa một kết luận khoa học về nhân vật. Sử dụng tài liệu văn học là biện pháp có hiệu quả cao đối với sự tiếp thu của HS. Vì những kiến thức văn học, đặc biệt là những áng văn hay, câu thơ chân thực dễ gây xúc động và hứng thú học tập ở HS. Từ đó các em nắm biểu tượng rất nhanh về nhân vật và có ấn tượng rất khó quên.

Vận dụng khi dạy lịch sử 7, Bài 14: Ba lần kháng chiến chống quân xâm

lược Mông – Nguyên (thế kỉ XIII). Khi giới thiệu về nhân vật Trần Hưng Đạo,

giáo viên có thể sử dụng tài liệu văn học để tạo biểu tượng về nhân vật lịch sử này như sau:

Trần Hưng Đạo (1228 – 1300) tên thật là Trần Quốc Tuấn. Ông là nhà quân sự, chính trị kiệt xuất, đồng thời cũng là nhà văn đời Trần. Trần Hưng Đạo quê ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, nay thuộc tỉnh Nam Định.

Thuở nhỏ, có người đã khen Quốc Tuấn là bậc kỳ tài. Khi lớn lên, Trần Quốc Tuấn càng tỏ ra thông minh xuất chúng, thông kim bác cổ, văn võ song toàn.

Trần Quốc Tuấn là một bậc tướng tài có đủ tài đức. Năm 1258, Trần Quốc Tuấn chỉ huy đánh chặn quân Mông Cổ ở Hưng Hoá.

Năm 1284, khi quân Nguyên - Mông chuẩn bị sang xâm lược Đại Việt lần thứ II, Trần Quốc Tuấn đã viết bài “Hịch tướng sĩ” gửi các tuỳ tướng và quân đội nhằm động viên, cổ vũ tinh thần yêu nước, trách nhiệm của binh sĩ,

tướng lĩnh, nêu lên ý chí quyết tâm chiến đấu chống quân xâm lược.

Hịch tướng sĩ đã tố cáo tội ác tày trời của lũ giặc Mông – Nguyên đối với dân ta. Trong phần mở đầu, Trần Quốc Tuấn nêu rõ: “…Ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để thoả lòng tham không cùng…”. Tội ác của giặc khiến mọi người phẫn uất, nung nấu lòng căm thù và ý chí quyết tâm quét sạch quân giặc ra khỏi bờ cõi. Ý chí đó thể hiện trong con người có trọng trách chỉ huy quân đội: “…Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xẻ thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng cam lòng”.

Để động viên tinh thần của các tướng sĩ, chứng minh rõ chân lí lợi ích thân thiết của mỗi người gắn liền với lợi ích tối cao của quốc gia dân tộc, bài hịch viết: “...Chẳng những thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc của các ngươi cũng mất; chẳng những gia quyến của ta bị tan, mà vợ con các ngươi cũng khốn; chẳng những xã tắc, tổ tông ta bị giày xéo, mà phần mộ cha mẹ các ngươi cũng bị quật lên”. Ngược lại, nếu chiến thắng, đuổi được giặc thù thì quyền lợi của cá nhân, cũng như quyền lợi của quốc gia, dân tộc được bảo toàn: “…Chẳng những thái ấp của ta mãi mãi vững bền, mà bổng lộc của các ngươi cũng đời đời hưởng thụ; chẳng những gia quyến của ta được êm ấm gối chăn, mà vợ con các ngươi cũng được bách niên giai lão; chẳng những tông miếu của ta được muôn đời tế lễ, mà tổ tiên các ngươi cũng được thờ cúng quanh năm”. Những lời hịch nêu trên thể hiện một chân lý: đuổi được giặc, cứu được nước thì có tất cả; chịu thua giặc, để mất nước thì mất tất cả. Rõ ràng độc lập dân tộc gắn liền với lợi ích của từng gia đình, cuộc sống và danh dự của mỗi con người. Đúng là “không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Bài hịch cũng nêu cao những tấm gương trung dũng của người xưa và của người đương thời để kích động lòng tự trọng của các võ tướng, vạch rõ tội ác, sự hỗn xược của kẻ thù để gây lòng căm thù giặc. Bài hịch còn thể hiện tình nghĩa giữa chủ tướng và quân sĩ, kêu gọi mọi người cùng chung lưng gánh vác công việc quốc gia thời loạn lạc.

Bài hịch với lập luận chặt chẽ, có lí có tình, vừa tha thiết vừa nghiêm nghị, đã tác động sâu sắc đến lí trí, tình cảm của quân dân và tướng lĩnh. Đây là lời hịch cứu nước, nó kích động lòng yêu nước của quân sĩ, nó thôi thúc, cổ vũ họ xông lên chiến đấu vì nước, vì dân. Vì vậy, sau nhiều đòn tiến công bằng

những trận có ý nghĩa chiến lược như Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, Thăng Long, Vạn Kiếp,… quân dân Đại Việt đã tiêu diệt và quét sạch 50 vạn quân xâm lược Mông – Nguyên ra khỏi bờ cõi.

Khi ông mất, vua phong cho ông tước Hưng Đạo đại vương. Triều đình lập đền thờ ông tại Vạn Kiếp, Chí Linh, ấp phong của ông thuở sinh thời. Công lao sự nghiệp của ông khó kể hết. Vua coi như bậc trượng phu, trăm họ kính trọng ông gọi là Hưng Đạo Đại vương. Trần Hưng Đạo là một anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hoá Việt Nam [9; 78-79].

Một phần của tài liệu Tạo biểu tượng về nhân vật và địa điểm xảy ra sự kiện trong dạy học lịch sử ở trường rung học cơ sở (Trang 33 - 36)