Tạo biểu tượng nhân vật lịch sử thông qua sử dụng tài liệu tiểu sử của nhân vật

Một phần của tài liệu Tạo biểu tượng về nhân vật và địa điểm xảy ra sự kiện trong dạy học lịch sử ở trường rung học cơ sở (Trang 32 - 33)

nhân vật

Tài liệu tiểu sử là những tài liệu ghi chép một cách đầy đủ cuộc đời của nhân vật từ nguồn gốc xuất thân cho đến những thay đổi lớn trong suốt cuộc đời nhân vật đó. Tài liệu tiểu sử có hai dạng, tài liệu tiểu sử chi tiết và tài liệu tiểu sử khái quát.

Tài liệu tiểu sử chi tiết ghi chép một cách tỉ mỉ, đầy đủ, cụ thể kiến thức, sự kiện về cuộc đời, thân thế sự nghiệp của nhân vật. Thông qua loại tài liệu này giáo viên có thể cung cấp cho học sinh một cách đầy đủ nhất những kiến thức về nhân vật, từ đó giúp các em có sự hình dung và nắm bắt được toàn bộ cuộc đời hoạt động của nhân vật để hình thành được biểu tượng sinh động, chính xác. Sử dụng tài liệu tiểu sử chi tiết để tạo những biểu tượng về nhân vật có vai trò lớn trong tiến trình lịch sử. Những sự kiện trong cuộc đời nhân vật đó gắn liền với những sự kiện của lịch sử dân tộc hay lịch sử thế giới.

Vận dụng khi dạy Lịch sử 7 - Bài 19: Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 –

1427), giới thiệu về Lê Lợi – anh hùng dân tộc, vị lãnh tụ cao nhất của cuộc

khởi nghĩa Lam Sơn

Lê Lợi (1385 – 1433), quê ở Lam Sơn (xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá). Ông nội là Lê Đinh vốn quê ở làng Như Áng (nay là xã Kiên Thọ, Ngọc Lạc, Thanh Hoá) dời nhà đến Lam Sơn, tổ chức khai hoang, lập làng. Cha là Lê Khoáng, làm hào trưởng, có uy tín trong vùng. Năm 1407, giặc nhà Minh xâm lược nước ta, chúng mua chuộc, dụ dỗ, mời Lê Lợi vào làm quan nhưng ông kiên quyết từ chối. Sử cũ chép “Ông ngầm nuôi kẻ mưu sĩ, bỏ của, phát thóc giúp người cơ bần, nhún lời hậu lễ để thu hào kiệt”. Năm 1416, ông tập hợp lực lượng, thành phần bộ chỉ huy gồm 19 người, mở hội thề Lũng Nhai và hai năm sau ông dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh, xưng là Bình Định Vương. Trong thời gian đầu, cuộc khởi nghĩa gặp nhiều khó khăn. Kẻ địch đã bắt cả vợ con ông, đào mồ mả tổ tiên gia đình ông, nhưng Lê Lợi không chịu khuất phục. Dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi và bộ chỉ huy, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành được thắng lợi (1427). Đầu năm 1428 Lê Lợi lên ngôi vua lấy niên hiệu Thuận Thiên. Năm 1433, Lê Lợi mất, triều đình suy tôn niên hiệu Lê Thái Tổ, cử Nguyễn Trãi viết bia Vĩnh Lăng [9;116].

Tài liệu tiểu sử khái quát chủ yếu chỉ nêu những mốc cơ bản, những sự kiện có tính chất bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động của nhân vật. Theo cách này giáo viên cung cấp và học sinh nắm được những mốc quan trọng mà qua đó

thể hiện được nhân vật là người như thế nào. Tài liệu tiểu sử khái quát dùng trong tạo biểu tượng về nhân vật có tần số xuất hiện ít trong chương trình hay những nhân vật chỉ xuất hiện trong những thời điểm cụ thể của lịch sử.

Vận dụng khi dạy lịch sử 6, Bài 27: Ngô Quyền và chiến thắng Bạch

Đằng năm 938. Khi giới thiệu về Ngô Quyền, giáo viên có thế tóm tắt tiểu sử của nhân vật này cho học sinh:

Ngô Quyền (898 - 944) người Đường Lâm (Sơn Tây - thuộc Hà Nội ngày nay), cha là Ngô Mân, làm châu mục Đường Lâm. Ngô Quyền là người có sức khỏe, chí lớn, mưu cao, mẹo giỏi. Sách Đại Việt sử kí toàn thư nói rằng: "Khi ông ra đời, đầy nhà có ánh sáng lạ,... lớn lên khôi ngô, tuấn tú, mắt sáng như chớp, dáng đi như hổ, gồm đủ trí dũng, sức có thể nâng được vạc lớn...". Trong cuộc kháng chiến chống Nam Hán lần thứ nhất, Ngô Quyền đã từng chiến đấu anh dũng. Là một tướng giỏi lại có nhiều công lao, ông được Dương Đình Nghệ tin yêu và gả con gái cho. Sau khi đánh đuổi được giặc Nam Hán, Ngô Quyền được Dương Đình Nghệ phong cho làm Thứ sử, trấn giữ Ái Châu (Thanh Hóa) [2; 141].

Sử dụng tiểu sử đối với tạo biểu tượng nhân vật cho HS thường được sử dụng đối với các nhân vật ít được HS tìm hiểu qua các nguồn thông tin. GV phải chọn lọc những sự kiện cơ bản, những chi tiết thật "đắt" trong một dãy các sự kiện về tiểu sử hoạt động của nhân vật. Từ đó đảm bảo được yêu cầu về mặt thời gian và mối tương quan với các kiến thức lịch sử cơ bản khác trong bài.

Một phần của tài liệu Tạo biểu tượng về nhân vật và địa điểm xảy ra sự kiện trong dạy học lịch sử ở trường rung học cơ sở (Trang 32 - 33)