KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu Tạo biểu tượng về nhân vật và địa điểm xảy ra sự kiện trong dạy học lịch sử ở trường rung học cơ sở (Trang 53 - 55)

Như vậy, việc tạo biểu tượng trong dạy học lịch sử có vai trò to lớn trong quá trình nhận thức nói chung, nhận thức lịch sử nói riêng. Việc cung cấp cho học sinh những sự kiện lịch sử cụ thể sinh động để tạo biểu tượng là bước đầu quan trọng của việc dạy học lịch sử ở trường phổ thông. Nó là những điều kiện cơ bản để hình thành khái niệm lịch sử. Đồng thời, việc tạo biểu tượng lịch sử có ý nghĩa giáo dục lớn đối với học sinh vì thông qua những hình ảnh cụ thể, sinh động, có sức gợi cảm mới tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm của các em. Với vai trò, ý nghĩa đó biểu tượng lịch sử nói chung, biểu tượng về nhân vật và địa điểm xảy ra sự kiện nói riêng là khâu không thể thiếu trong quá trình nhận thức lịch sử.

Tạo biểu tượng nhân vật lịch sử chân thực, sống động giúp học sinh khôi phục các bức tranh của quá khứ sinh động đúng như nó tồn tại. Mỗi nhân vật lịch sử đều đại diện cho một giai cấp nhất định. Nhiều đặc điểm cá nhân tiêu biểu sẽ là đặc trưng chung cho giai cấp mà họ phục vụ. Điều này giúp học sinh hiểu được một cách tương đối và đầy đủ bản chất của từng giai cấp hay tầng lớp xã hội nhất định. Bên cạnh đó, việc tạo biểu tượng các nhân vật lịch sử chân thật và sinh động còn giúp cho học sinh đánh giá đúng vai trò của cá nhân trong lịch sử và mối quan hệ giữa cá nhân với quần chúng nhân dân.

Trong dạy và học lịch sử, việc tạo biểu tượng về địa điểm xảy ra sự kiện là yêu cầu không thể thiếu được. Bởi bất cứ một sự kiện, hiện tượng lịch sử nào đều diễn ra ở một địa điểm, không gian xác định. Không xác định được địa điểm, không gian của sự kiện thì sự kiện đó sẽ trở nên trừu tượng, thiếu nội dung thực tế, không phản ánh được hiện thực khách quan trong nhận thức của học sinh. Vì vậy, tạo biểu tượng về địa điểm xảy ra sự kiện có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình nhận thức của học sinh.

Tạo biểu tượng lịch sử nói chung, biểu tượng về nhân vật và địa điểm xảy ra sự kiện nói riêng phải trên cơ sở phát huy tính tích cực học tập của học sinh. Cần tạo điều kiện để học sinh phát huy năng lực độc lập sáng tạo trong học tập lịch sử trên cơ sở tiếp xúc các tài liệu sự kiện lịch sử. Tuy nhiên, vai trò tổ chức, hướng dẫn của người thầy vẫn là khâu trọng yếu, có tính chất quyết đinh trong hoạt động tự lập của học sinh. Cho nên, yêu cầu đặt ra đối với người thầy giáo là phải tự rèn luyện để có đủ phẩm chất, năng lực cần thiết để tiến hành tổ chức, thiết kế và điều chỉnh quá trình tự học tập của học sinh. Bên cạnh đó, thầy giáo phải nắm vững khoa học lịch sử, hiểu rõ lý luận dạy học bộ môn, có lòng nhiệt thành và gần gũi, thương yêu học sinh hết mức.

Tóm lại, không thể phủ nhận vai trò của tạo biểu tượng trong dạy học lịch sử. Tuy nhiên, ở trường phổ thông hiện nay một bộ phận giáo viên và học sinh chưa tiến hành một cách thường xuyên, nên yêu cầu cần thiết là giáo viên phải luôn luôn trau dồi kiến thức lịch sử sâu sắc, đặc biệt là kiến thức về nhân vật và địa điểm xảy ra sự kiện lịch sử để việc thực hiện tạo biểu tượng về nó. Giáo viên phải xác định được kiến thức cơ bản cần đạt trong từng mục, từng bài và mức độ kiến thức về nhân vật và địa điểm của sự kiện cần tạo biểu tượng phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh. Giáo viên cần phối hợp các bước của quá trình hình thành tri thức cho học sinh một cách linh hoạt, sáng tạo, trên cơ sở phát huy tính tích cực của học sinh mới đem lại hiệu quả cao.

Một phần của tài liệu Tạo biểu tượng về nhân vật và địa điểm xảy ra sự kiện trong dạy học lịch sử ở trường rung học cơ sở (Trang 53 - 55)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(79 trang)
w