Đa dạng hoá sở hữu ngành bảo hiểm.

Một phần của tài liệu Thị trường bảo hiểm việt nam (Trang 98 - 100)

II. các giải pháp vĩ mô cho thị trường bảo hiểm việt nam

1.Đa dạng hoá sở hữu ngành bảo hiểm.

Theo "Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam từ năm 2003 đến năm 2010", việc phát triển và sắp xếp các doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục tiêu phát triển các loại hình doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm gốc, tái bảo hiểm, bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ theo hướng đa dạng hình thức sở hữu bao gồm doanh nghiệp Nhà nước, công ty cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và tổ chức bảo hiểm tương hỗ.

Các doanh nghiệp Nhà nước không được dùng vốn Nhà nước để thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới hoặc công ty cổ phần bảo hiểm mới mang tính chuyên ngành, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước hiện nay để nâng cao năng lực tài chính và năng lực hoạt động, giữ được thị phần lớn trên thị trường trong nước và tham gia thị trường bảo hiểm quốc tế.

Tổng công ty bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) sẽ được xây dựng thành một tập đoàn tài chính đa năng hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, nhân thọ, đầu tư, chứng khoán. Trong đó hoạt động chủ yếu là kinh doanh bảo hiểm và là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước duy nhất. Bảo Việt sẽ tăng vốn điều lệ từ 586 tỉ đồng (hiện nay) lên mức 3.000 tỉ đồng (năm 2005) và 5.000 tỉ đồng (2010).

Các công ty bảo hiểm Nhà nước khác như công ty bảo hiểm Tp Hồ Chí Minh (Bảo Minh), công ty tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare) và công ty bảo hiểm dầu khí (PVI) sẽ tiến hành cổ phần hóa. Bảo minh chuyển thành công ty bảo hiểm cổ phần có vốn Nhà nước chi phối, chuyên kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và thực hiện các loại hoạt động khác như: đầu tư vốn, dịch vụ tài chính, trong đó bảo hiểm là hoạt động kinh doanh chủ yếu.

Công ty bảo hiểm dầu khí (PVI) 100% vốn Nhà nước, trực thuộc Tổng công ty dầu khí Việt Nam sẽ chuyển thành cổ đông của Bảo Minh. Phần vốn Nhà nước của PVI sẽ là cổ phần của Tổng công ty dầu khí Việt Nam trong Bảo Minh.

Hiện nay, số vốn điều lệ của Bảo Minh là 67 tỉ đồng. Trong 2 năm 2003 - 2004, Nhà nước sẽ có cơ chế để bổ sung vốn điều lệ cho Bảo Minh đủ 70 tỉ đồng, theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm. Đồng thời, đánh giá lại giá trị tài sản và vốn của Bảo Minh để xác định vốn của Bảo Minh trước khi thực hiện cổ phần hóa. Bảo Minh phát hành cổ phiếu mới (trị giá tối thiểu 500 tỉ đồng) để tăng vốn điều lệ và mở rộng cho các tổng công ty Nhà nước có nhu cầu tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Trường hợp cả hai nguồn vốn này chưa đủ 1.100 tỉ đồng trong giai đoạn 2005 đến 2010, Bảo Minh sẽ bổ sung vốn điều lệ còn thiếu từ các nguồn: lợi nhuận để lại, chuyển nguồn vốn dự phòng dao động lớn, các quỹ dự trữ tự nguyện bổ sung vào vốn điều lệ hoặc tiếp tục phát hành thêm cổ phiếu mới.

Giống như Bảo Minh, Vinare cũng chuyển thành công ty cổ phần, do vốn Nhà nước chi phối, hoạt động chuyên lĩnh vực tái bảo hiểm duy nhất trên thị trường bảo hiểm Việt Nam. Đến năm 2010, Vinare có đủ năng lực tài chính, năng lực kinh doanh để tham gia thị trường tái bảo hiểm quốc tế. Đến năm 2005, Vinare đủ sức giữ vai trò điều tiết thị trường tái bảo hiểm Việt Nam. Không cho phép thành lập thêm doanh nghiệp tái bảo hiểm. Nhà nước, không đầu tư vốn để thành lập thêm doanh nghiệp bảo hiểm tái bảo hiểm 100% vốn Nhà nước.

Việc cổ phần hóa Vinare sẽ được tiến hành theo hướng: vốn của Vinare (vốn Nhà nước) giữ cổ phần chi phối với sự tham gia góp vốn của các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động trên thị trường nhằm nâng cao mức giữ lại để hạn chế việc chuyển phí tái bảo hiểm ra nước ngoài, duy trì sự an toàn và ổn định của thị trường bảo hiểm Việt Nam. Củng cố công ty bảo hiểm liên doanh Samsung Vina trực thuộc Vinare góp vốn thành lập các công ty đầu tư, góp vốn vào các dự án lớn, phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án phục vụ yêu cầu sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, số vốn điều lệ của Vinare là 40,5 tỉ đồng. Trong 2 năm 2003 - 2004. Nhà nước có cơ chế để bổ sung vốn điều lệ cho đủ 70 tỉ đồng, theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm. Vinare phát hành cổ phiếu mới (trị giá tối thiểu 200 tỉ đồng) để hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Như vậy, vốn điều lệ của Vinare sẽ bao gồm phần vốn sau khi đánh giá lại giá trị và vốn cổ phần mới phát hành. Trường hợp cả hai nguồn vốn này chưa đủ 500 tỉ đồng, trong giai đoạn 2005 đến 2010 Vinare sẽ bổ sung số vốn điều lệ còn thiếu từ các nguồn: lợi nhuận để lại, chuyển nguồn vốn dự phòng dao động lớn, các quỹ dự trữ tự nguyện bổ sung vào vốn điều lệ hoặc tiếp tục phát hành thêm cổ phiếu mới.

Một phần của tài liệu Thị trường bảo hiểm việt nam (Trang 98 - 100)