2.3.3.1. Kỹ thuật thu thập số liệu
Bao gồm một số kỹ thuật thu thập số liệu sau đây:
- Phỏng vấn trực tiếp (face to face) các bà mẹ có con <2 tuổi theo bộ câu hỏi có cấu trúc để thu thập các thông tin kiến thức về đặc trưng cá nhân, gia đình và các kiến thức, thực hành về LMAT của họ.
- Phỏng vấn sâu cán bộ y tế xã và tỉnh để tìm hiểu thực trạng khó khăn và thuận lợi trong quá trình triển khai dịch vụ và cung cấp dịch vụ CSSKSS.
2.3.3.2. Công cụ thu thập số liệu
- Bộ câu hỏi phỏng vấn bà mẹ có con dưới 2 tuổi bao gồm các phần sau: phần hành chính, đặc trưng cá nhân, kiến thức và thực hành liên quan đến chăm sóc bà mẹ và trẻ em [phụ lục 1].
- Phiếu phỏng vấn sâu các cán bộ y tế về khó khăn, thuận lợi trong quá trình triển khai các dịch vụ liên quan đến chương trình làm mẹ an toàn tại địa phương [phụ lục 2].
2.3.3.3. Qui trình thu thập và đảm bảo chất lượng số liệu
Cả hai cuộc điều tra năm 2006 và năm 2010 đều được thực hiện giống nhau về phương pháp nghiên cứu cũng như thu thập số liệu. Nghiên cứu sinh cùng các giám sát viên và điều tra viên tham gia điều tra ở tuyến tỉnh, tuyến huyện là những cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu dân số và Sức khoẻ nông thôn có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa phụ sản, dịch tễ, y tế cộng đồng, xã hội học. Thêm vào đó còn có các giám sát viên của Trường Đại học Y Hà Nội và UNFPA cùng tham gia giám sát cuộc điều tra.
Các điều tra viên và giám sát viên được tập huấn các kỹ năng cần thiết về thu thập thông tin và điền phiếu điều tra, bảng kiểm trong 3 ngày. Ngoài việc tập huấn trên hội trường, các cán bộ điều tra đã điều tra thử tại thực địa để rút kinh nghiệm trước khi điều tra chính thức.
Điều tra viên tham gia điều tra ở cộng đồng được lựa chọn ngay tại địa phương, trong đó có 3 người có trình độ bác sỹ chuyên ngành sản khoa được lựa chọn từ Trường Trung học y tế tỉnh và 9 cán bộ điều tra hộ gia đình khác được lựa chọn từ cục thống kê tỉnh. Tất cả điều tra viên này đều được tập huấn mọi kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc điều tra thu thập số liệu trong vòng 3 ngày (trong đó có ½ ngày đi phỏng vấn thử tại cộng đồng).
Nhóm điều tra thực địa tại mỗi tỉnh bao gồm một nhóm trưởng, 2 giám sát viên về kỹ thuật, 2 điều tra viên cao cấp từ Trung ương, 3 bác sỹ của trường trung học y tế tỉnh và 9 điều tra viên từ Cục thống kê tỉnh. Toàn bộ cuộc điều tra thực địa được tiến hành trong 10 ngày/tỉnh.
Nhóm trưởng chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý, thực hiện toàn bộ cuộc đánh giá ở tỉnh. Hai giám sát viên về kỹ thuật hỗ trợ và giám sát tất cả các công việc thực địa. Kiểm tra lại ít nhất 5% công việc của điều tra viên, giải quyết tất cả các vấn đề nảy sinh, và xem lại toàn bộ bảng hỏi, bảng kiểm trước khi gửi cho nhóm xử lý số liệu.
Chín điều tra viên từ Cục thống kê tỉnh thực hiện điều tra cộng đồng. Các điều tra viên chia làm 3 tổ, mỗi điều tra viên chuyên trách điều tra 1 đối tượng và mỗi tổ điều tra tại 10 xã.
Chất lượng của việc thu thập số liệu đã được đảm bảo thông qua việc giám sát chặt chẽ một cách có hệ thống của các giám sát viên độc lập của Vụ SKBMTE, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế và UNFPA. Tất cả các bước tập huấn điều tra viên/giám sát viên, chọn hộ hộ đầu tiên trong quá trình điều tra đã được giám sát chặt chẽ. Các giám sát viên, lãnh đạo các
đội điều tra và các điều tra viên đã phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện công việc để nâng cao chất lượng điều tra.