Đối với một số quốc gia phát triển, ở đó các cơ sở y tế đã được trang bị tốt về cả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế và thuốc thì biện pháp này không
được đề cập nhiều. Ngược lại, với các quốc gia đang phát triển thì đây là một vấn đề hết sức cần thiết.
Tăng cường tính sẵn có của các dịch vụ là bước quan trọng đầu tiên để tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ cấp cứu sản khoa. Trong nhiều trường hợp, chỉ cần ít nguồn lực đầu vào cho việc mở rộng các cơ sở y tế hiện có và tạo điều kiện cho các cơ sở này cung cấp các dịch vụ cấp cứu sản khoa. Những can thiệp này bao gồm: cải tạo các phòng mổ hiện có, cung cấp các thiết bị cho các phòng mổ mới; sửa chữa hoặc mua sắm các trang thiết bị phẫu thuật và tiệt trùng; đào tạo các bác sĩ và điều dưỡng, hộ sinh về các kỹ năng hồi sức cấp cứu sản khoa và tăng cường năng lực quản lý các dịch vụ y tế. Nâng cao năng lực quản lý các dịch vụ y tế bao gồm tuyển đầy đủ nhân viên cho các cơ sở y tế, cung ứng thuốc và các loại vật tư , bảo trì các thiết bị và cơ sở hạ tầng của cơ sở y tế, hệ thống y tế lúc nào cũng sẵn sàng 24/ 24 giờ và chính sách công bằng về giá cả của các dịch vụ y tế. Nâng cao năng lực quản lý các dịch vụ y tế cũng có nghĩa là phải thực hiện theo dõi và đánh giá thường xuyên nâng cao chất lượng dịch vụ.
Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, ngành Y tế đã phối hợp với một số tổ chức quốc tế tiến hành can thiệp về LMAT trên nhiều tỉnh thành trong cả nước. Theo hướng dẫn Chuẩn Quốc gia (CQG), lý tưởng nhất là mỗi trạm y tế (TYT) xã có đủ 6 phòng riêng cho dịch vụ CSSKSS [9]. Ở những địa phương không đủ điều kiện nguồn lực thì ít nhất phải bố trí 4 phòng, bao gồm phòng khám thai + tư vấn, phòng đẻ + thủ thuật, phòng khám phụ khoa và phòng nằm của sản phụ[8].
Theo Hướng dẫn CQG về các dịch vụ CSSKSS, trang bị thiết yếu cho CSSKSS của một TYT xã gồm có 7 loại dụng cụ. Một TYT được coi là đạt CQG vềtrang thiết bịchăm sóc sức khỏe sinh sản (TTB CSSKSS) cần có đủ 3 bộ đỡ đẻ, 1 bộ cắt khâu tầng sinh môn, 1 bộ kiểm tra cổ tử cung, 1 bộ hồi sức
sơ sinh, 1 bộ đặt và tháo DCTC, 3 bộ khám phụ khoa, 1 bộ bơm hút thai chân không bằng tay 1 van [9].
Nếu chỉ có đủ các cơ sở cấp cứu sản khoa thì vẫn chưa đảm bảo cho công tác chăm sóc sản khoa thiết yếu mà người ta còn phải quan tâm đến phân bố các cơ sở y tế này theo địa lý. Nếu tất cả các cơ sở cấp cứu sản khoa đều tập trung ở vùng thành thị, thì nhiều phụ nữ đặc biệt là những người sống ở nông thônsẽ không thể tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc sản khoa thiết yếu kịp thời. Khác với các chỉ số khác đưa ra trong phần tài liệu này, chỉ số này chỉ có thể tính toán được thông qua phân tích không gian với việc sử dụng bản đồ hoặc sử dụng hệ thống thông tin địa lý.Ở nhiều nước đang phát triển, địa hình không bằng phẳng và các điều kiện thông tin liên lạc, đường xá và phương tiện giao thông còn kém. Thông thường, khoảng cách được coi là chỉ số để tính toán khả năng tiếp cận về mặt vật lý đến các dịch vụ chăm sóc trên. Trong thực tế thời gian để đến một cơ sở cấp cứu sản khoa là chỉ số chính xác hơn để tiếp cận các dịch vụ ấy. Để đến được có sở y tế qua những đoạn đường tương đối ngắn nhưng có khi lại mất rất nhiều thời gian. Người ta thường đi bộ, đi bằng xe ngựa hay các phương tiện thô sơ đến các cơ sở y tế. Do đó chỉ số đại diện hữu ích chính là tỷ lệ các gia đình trong một khoảng thời gian nhất định có thể đến với cơ sở cấp cứu sản khoa. Tốt nhất tất cả phụ nữ chỉ nên sống cách cơ sở cấp cứu sản khoa trong vòng hai giờ đi lại. Con số này được chọn là giới hạn tối đa về mặt thời gian vì tai biến băng huyết - biến chứng gây tử vong nhanh nhất trong thai nghén, có thể gây tử vong mẹ trong vòng hai giờ. Để cứu được nhiều bà mẹ nhất, các cơ sở y tế phải có khả năng cứu sống bà mẹ trong khoảng thời gian này. Tai biến này có thể giải quyết ngay tại một cơ sở cấp cứu sản khoa cơ bản mặc dù trong một số trường hợp cần phải chuyển bà mẹ tới cơ sở chăm sóc sản khoa toàn diện để truyền máu. Do đó, phân bố các cơ sở y tế theo mặt địa lý một cách hợp lý sẽ đảm bảo các
sản phụ sống trong khoảng cách có thể đến được cơ sở chăm sóc sản khoa cơ bản trong vòng 2 giờ và đến cơ sở chăm sóc sản khoa toàn diện trong vòng 12 giờ theo hướng dẫn của UNFPA [113]. Đây thực sự là một mục tiêu rất khó khăn liên quan đến việc cải thiện các hệ thống thông tin liên lạc, giao thông và đường xá.
Dễ dàng nhận thấy lý do dẫn đến tỷ lệ thấp TYT đạt CQG về TTB thiết yếu CSSKSS là do tỷ lệ rất thấp TYT có đủ 3 bộ đỡ đẻ và 3 bộ khám phụ khoa (trên dưới 10%) hoặc có đủ số bộ dụng cụ nhưng trong mỗi bộ có thể thiếu 1 hoặc 2 dụng cụ. Loại TTB có tỷ lệ đạt cao nhất và cải thiện nhiều nhất là TTB phục vụ dịch vụ KHHGĐ và phá thai, đó là bộ đặt tháo DCTC và bơm hút Karman 1 van. Bộ kiểm tra CTC và bộ hồi sức sơ sinh cũng đã nhận được sự quan tâm đầu tư tại nhiều TYT. Tuy nhiên, cho đến nay, trừ bộ đặt tháo DCTC, bộ đỡ đẻ và bộ khám phụ khoa, các loại TTB khác chỉ đạt CQG ở khoảng trên dưới 1/3 số TYT [57].