III. Nhận xét chung
2. Những mặt còn hạn chế
2.5. Khả năng cạnh tranh
Khả năng cạnh tranh của sản phẩm đồ gỗ Việt nam hiện nay còn nhiều yếu kém. Phần lớn các doanh nghiệp chế biến gỗ chưa có sự chuẩn bị đầy đủ cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thiếu chiến lược và các chính sách thích ứng để thâm nhập vào thị trường thế giới. Mức độ phổ cập thông tin liên quan đến WTO và các quy định quốc tế về quản lý, khai thác, chế biến gỗ tới các doanh nghiệp còn thiếu và chưa đồng bộ. Chất lượng mặt hàng gỗ nhìn chung chưa cao; hiện mới chỉ có 200/2000 doanh nghiệp chế biến gỗ tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế. Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, những hỗ trợ trục tiếp từ nhà nước đã và đang bị cắt giảm như: hỗ trợ tín dụng đầu tư, thưởng kim ngạch xuất khẩu, các chính sách trợ cước, trợ giá… Trong khi đó, các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), yêu cầu chứng chỉ nguồn gốc nguyên liệu gỗ… buộc các doanh nghiệp chế biến gỗ phải nổ lực nhiều hơn để thích nghi. Chứng nhận FSC, CoC đang trở thành áp lực từ phía người tiêu dùng tại các thị trường có trách nhiệm cao về xã hội, môi trường. Các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đã phải nỗ lực rất nhiều để đáp ứng. Đến đầu năm 2008, có khoảng 148 doanh nghiệp có chứng nhận FSC-CoC, 01 doanh ngiệp có chứng nhận FSC.
Trong những năm gần đây, vấn đề thiết kế kiểu dáng, mẫu mã đã nổi lên như một vấn đề cần quan tâm hàng đầu đối với doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ và hàng thủ
công mỹ nghệ. Khoảng 90% mẫu hàng hiện nay dựa trên mẫu đặt hàng từ người mua, còn các sản phẩm sáng tạo của chúng ta thì không có nhiều cái mới, kém hấp dẫn thậm chí có tình trạng ăn cắp bản quyền, mẫu mã. Hạn chế này xuất phát từ việc Việt Nam chưa có chiến lược thiết kế mẫu mã riêng cho đồ gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ. Điều này đã được nói nhiều ở các hội nghị, hội thảo và nhiều cấp văn bản nhưng đến nay chưa có sự tiến triển nào mà vẫn là những khuyến cáo. Hiện cũng chưa có một cơ quan nào nghiên cứu và đưa ra một cách rõ ràng đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ Việt Nam đang ở vị trí nào trên thị trường thế giới xét về: chất lượng, thẩm mỹ, giá trị và các mối tương quan so sánh với các nước.
Chậm thay đổi về thiết kế làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm đồ gỗ. Nguy cơ là chúng ta sẽ thua thiệt trong cuộc chơi ở một tương lai không xa. Bởi chúng ta sẽ không đủ khả năng cung cấp hàng hóa ở diện rộng hơn như hàng hóa cho tiêu dùng và đời sống, mà chủ yếu thường xuất khẩu hàng bình dân đối với thị trường đồ gỗ. Điều đáng nói là không phải chúng ta không có nghệ nhân, những người thợ có khả năng thực hiện những mẫu mã mà thế giới ưa chuộng.
Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 300- 400 triệu USD hàng quà tặng thủ công mỹ nghệ. Đó là chưa kể lượng lớn hàng quà tặng xuất khẩu tại chỗ thông qua con đường du lịch mua sắm của khách quốc tế đến Việt Nam. Thế nhưng khan hiếm mẫu mã mới vẫn là nỗi lo của các nhà sản xuất để gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Do nhu cầu phải thay đổi liên tục nên nhà sản xuất nào cũng khát mẫu mã mới. Phó chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ ông Trần Quốc Mạnh thừa nhận các mẫu hàng chào đối tác nước ngoài của Việt Nam cứ na ná nhau, thiết kế gần giống hàng Trung Quốc, Thái Lan, thiếu nét riêng của Việt Nam như: bàn ghế đời Minh, đời Lý, các kiểu đèn mỹ nghệ chạm khắc rồng, hoa văn cổ…Chúng ta thiếu trầm trọng những mẫu thiết kế xu hướng hiện đại mang dáng dấp Việt Nam. Một lo lắng khác, lâu nay sản xuất theo truyền thống, sử dụng các loại gỗ nhóm quý, mà gỗ quý ngày một khan hiếm, giá thành cao, khó cạnh tranh trên thị trường. Thêm nữa là tình trạng tranh mua tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh giữ các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất.
Giá cả cũng chính là một trong những nhược điểm về khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ Việt Nam. Giá mặt hàng gỗ xuất khẩu cạnh tranh Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh với các quốc gia khác do yếu tố về chi phí vận chuyển và sự phụ thuộc vào giá thế giới, giá của các quốc gia sản xuất và tiêu thụ lớn. Rõ ràng khả năng cạnh tranh của mặt hàng gỗ Việt Nam còn chưa đủ sức theo kịp các quốc gia trên thế giới, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn cả về tầm vĩ mô và vi mô, từ cấp Chính phủ đến doanh nghiệp.
2.6. Xây dựng thương hiệu
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu “Gỗ Việt”. Khoảng hơn 90% sản phẩm gỗ của Việt Nam phải bán qua các thị trường trung gian và còn bị động, phụ thuộc vào các kênh phân phối này. Do các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ là chủ yếu đã làm hạn chế tầm hoạt động và mạng lười phân phối. Nhiều doanh nghiệp vẫn áp dụng hình thức các kênh phân phối qua các trung gian thương mại nên chưa thiết lập được hệ thống phân phối hàng hóa đến đại lý hoặc người tiêu dùng cuối cùng. Với phương thức này, các doanh nghiệp Việt Nam không thể kiểm soát được quá trình phân phối và tiêu thụ sản phẩm của họ và không thể nắm bắt trực tiếp những thông tin phản ánh tình hình thị trường. Hiện nay, có một số các doanh nghiệp đã tận dụng được các đại lý để phân phối bán lẻ, mà chưa chú trọng đến việc nghiên cứu đặc điểm của thị trường.[23]
Kết quả điều tra của Cục Xúc Tiến Thương Mại – Bộ Thương Mại cho thấy, một số doanh nghiệp đã quan tâm đến việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu, tuy nhiên chỉ mới có 4,2% doanh nghiệp cho rằng thương hiệu là vũ khí trong cạnh tranh, 5,4% cho rằng thương hiệu là tài sản của doanh nghiệp, còn 30% cho rằng thương hiệu sẽ giúp bán được hàng với giá cao hơn và đem lại tự hào cho người tiêu dùng. Trong khi đó có đến 90% người tiêu dùng lại cho rằng thương hiệu là yếu tố quyết định khi họ lựa chọn mua sắm. Mặc dù vậy, việc đầu tư cho thương hiệu của doanh nghiệp còn quà ít, có 80% doanh nghiệp chưa có bộ phận chức năng lo quản lý nhãn hiệu, 74% doanh nghiệp đầu tư dưới 5% doanh thu cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu, 20% không hề chi cho việc xây dựng thương hiệu. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu
của các doanh nghiệp cũng gặp phải những khó khăn: 23% doanh nghiệp cho rằng có khó khăn về vốn và tài chính, nạn hàng giả và vi phạm bản quyền (19%), cơ chế, chính sách, thủ tục…(14%), nguồn nhân lực (11,8), xây dựng chiến lược và cách thực hiện (8%), thủ tục hành chính (7,2%), giá dịch vụ (6,3%). [25]
CHƯƠNG 3: CÁC GIẢI PHÁP NHẰM ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU SẢN PHẨM GỖ CỦA VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG
LIÊN BANG NGA GIAI ĐOẠN 2009-2020