III. Nhận xét chung
2. Những mặt còn hạn chế
2.2. Về nguồn nguyên liệu
Hiện nay, một trong những hạn chế lớn nhất đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam đó chính là nguồn nguyên liệu. Theo tính toán của Bộ Công Thương, trong 3 năm trở lại đây, cứ xuất khẩu được 2 USD đồ gỗ thì doanh nghiệp phải bỏ ra 1 USD để nhập khẩu nguyên liệu. Trong 8 tháng đầu năm 2007, cả nước nhập tới gần 700 triệu USD gỗ nguyên liệu, chiếm gần một nửa trong 1,5 tỷ USD xuất khẩu gỗ. Theo nhiều chuyên gia, hiện nay 80-90% nguyên liệu dùng cho chế biến gỗ phải nhập khẩu, ước tính khoảng 2 triệu mét khối gỗ nhập về các cảng Việt Nam mỗi năm. Theo ông Trịnh Minh Anh, Phó vụ trưởng, Phó văn phòng Ủy ban Hợp tác kinh tế quốc tế, nguyên liệu chiếm đến 60% giá sản phẩm, trong khi đó giá nguyên liệu nhập khẩu đắt hơn từ 30% đến 50% so với gỗ của Việt Nam. Đây là điểm yếu của ngành gỗ, làm giảm rất nhiều sức cạnh tranh bởi giá thành cao mà lợi nhuận đạt thấp.
Tuy nhiên, nỗi lo lớn hơn là cả nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng khó khăn trong năm nay và những năm tới. nguồn gỗ nhập nhiều nhất là từ các nước Đông Nam Á như Malaysia, Lào, Campuchia, Indonesia nhưng nguồn này lại không ổn định do các quốc gia này cũng đang giảm dần tỷ lệ khai thác rừng hàng năm. Trong khi đó nguồn nguyên liệu từ các nước như Mỹ, New Zealand vốn rất cao do chi phí vận
chuyển hiện nay càng có nguy cơ cao hơn bởi nhiều nhà máy đã đóng cửa. 30% nhà máy gỗ của Canada đã đóng cửa, số liệu này cũng ngày càng nhiều hơn ở New Zealand và Mỹ. Nguyên nhân do ngành gỗ chịu nhiều ảnh hưởng từ ngành nhà đất như xây dựng, trang trí nội thất…nên khi các nước này đang rơi vào khủng hoảng, thị trường trầm lắng thì các nhà máy cũng không thể hoạt động.
Mặc dù hiện nay Việt Nam có khoảng 1,4 triệu ha rừng trồng sản xuất với trữ lượng 30,6 triệu m3 gỗ, nhưng phần lớn đã được quy hoạch cho ngành chế biến giấy, sợi, ván dăm và trụ mỏ. Phần lớn diện tích đất rừng còn lại chưa được sử dụng lại nghèo dinh dưỡng, xa nhà máy chế biến, cơ sở hạ tầng yếu kém…nên việc đưa diện tích này vào quy hoạch nguồn nguyên liệu phục vụ cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc thời gian qua chưa quan tâm đúng mức đến các loại cây có giá trị cao nên dù trữ lượng rừng trồng lớn song lại rất hạn chế trong việc đưa vào chế biến xuất khẩu. Cùng với đó là sự thiếu thống nhất trong quy hoạch mạng lưới chế biến với quy hoạch nguồn nguyên liệu. [9]
Phó cục trưởng cục lâm nghiệp Nguyễn Bá Ngãi cho biết: Ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ở Việt Nam đang có một số lợi thế như giá thành trồng rừng thấp, nhu cầu nguyên liệu tăng do công nghiệp chế biến lâm sản trong nước phát triển, nhiều doanh nghiệp bắt đầu thăm dò, một số doanh nghiệp khác đã đầu tư trồng rừng sản xuất nguyên liệu có chu kỳ kinh doanh ngắn. Thế nhưng, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào kinh doanh rừng mà nguyên nhân chủ yếu gây trở ngại cho các nhà đầu tư là đất để trồng rừng. Mặc dù cả nước có hơn 3,11 triệu ha rừng tự nhiên là rừng sản xuất, 1,38 triệu ha rừng trồng, 6,16 triệu ha đất trống, đồi núi trọc, nhưng chúng ta vẫn thiếu những vùng rừng nguyên liệu tập trung có quy mô hàng chục nghìn ha. Tiến sĩ Laslo Pancel, Tổ chức hỗ trợ phát triển Đức cho rằng, việc tập trung trồng rừng hộ gia đình quy mô nhỏ đã tạo ra khó khăn khi phát triển rừng trồng ở quy mô công nghiệp. Điều đó giải thích việc 330 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài trong ngành lâm nghiệp Việt Nam chủ yếu được đầu tư vào các nhà máy chế biến gỗ, lâm sản, hoạt
động xuất khẩu thay vì trồng rừng nguyên liệu. Một hệ quả không tốt của việc trồng và khai thác rừng ở quy mô nhỏ là sự phát triển tự phát, manh mún của hàng nghìn cơ sở chế biến gỗ và lâm sản ở Việt Nam. Ước tính, hiện cả nước có 1.500-1.800 cơ sở mộc có năng lực chế biến 150-200 m3 gỗ/năm/cơ sở; 1.200 doanh nghiệp chế biến 2 triệu m3 gỗ/năm, nhưng chúng ta chỉ có 450 nhà xuất khẩu gỗ với giá trị kim ngạch đạt 2,2 tỷ trong năm 2006. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang dẫn đầu thế giới về tốc độ nhập khẩu gỗ cứng, đặc biệt là về gỗ xẻ. Ngành xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 20% khiến nhập khẩu gỗ nguyên liệu trong quý I/2007 tăng mạnh, đạt 199 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2006. Thị trường cung cấp gỗ nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam vẫn là Malaysia, Lào, Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan, New Zealand…Phải nhập khẩu 80% nguyên phụ liệu, khiến năng lực cạnh tranh của đồ gỗ Việt Nam vừa thấp, lại không có khả năng đáp ứng các đơn hàng có khối lượng lớn, ổn định trong thời gian dài. [12]
Theo tính tóan của Hiệp hội gỗ, còn phải chờ ít nhất 10 năm nữa mới hy vọng chủ động được một phần nguyên liệu trong nước khi các khu rừng trồng gỗ lớn do các doanh nghiệp phát triển bắt đầu cho khai thác. Còn tương lai gần không có các nào khác là tiếp tục nhấp khẩu gỗ nguyên liệu
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam nhận xét: Việc phụ thuộc vào nguyên liệu gỗ nhập khẩu chính là điểm yếu lớn nhất của các doanh nghiệp gỗ Việt Nam hiện nay. Do không chủ động về nguồn hàng nên các doanh nghiệp này đều phải tuân theo sự trồi sụt của thị trường gỗ thế giới nhưng nguồn gỗ nhập khẩu cũng đang gặp khó khăn khi các doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ bé, thiếu vốn, chỉ các công ty lớn, liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài, mới có đủ số tiền lớn để mua gỗ. Các nước Malaysia, Indonesa cấm xuất khẩu gỗ tròn từ lâu và mới đây đã tuyên bố cấm xuất khẩu gỗ xẻ. Lào cũng chỉ cho xuất khẩu một ít gỗ nguyên liệu. [12]