III. Nhận xét chung
2. Những mặt còn hạn chế
2.3. Tình trạng vốn
Vốn là một bài toán nan giải đối với các doanh nghiệp Việt Nam từ trước đến nay. Nguồn vốn đầu tư cho việc khai thác, chế biến còn quá thấp, chưa phù hợp với
từng cơ cấu. Đồng thời việc thu hút vốn đầu tư còn chưa mạnh mẽ, chưa đáp ứng được cho nhu cầu rất cao về vốn của toàn ngành cũng như của từng doanh nghiệp. Chính vì vốn ít lại phân bổ không hợp lý nên cơ cấu ngành lâm nghiệp phát triển không đồng đều, thậm chí là không phù hợp với xu thế hiện nay. Các cơ sở chế biến gỗ xẻ, mộc thông dụng, đồ mộc xây dựng chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 80% ) trong khi các cơ sở chế biến hàng thủ công mỹ nghệ, ván nhân tạo, ván dăm và song mây còn rất ít và nghèo nàn.
Những tháng đầu năm 2008, các doanh nghiệp chế biến gỗ gặp trở ngại rất lớn trong việc tiếp cận vốn vay từ ngân hàng, đặc biệt là ngoại tệ, trong khi lãi suất cho vay tiền VNĐ cao và thời hạn vay chưa phù hợp với thực tế sản xuất, xuất khẩu sản phẩm gỗ. Mặt khác, một số doanh nghiệp có khả năng tự huy động vốn thì các doanh nghiệp không thể mua ngoại tệ bằng đồng USD từ ngân hàng để nhập nguyên liệu. Một số doanh nghiệp buộc phải mua USD trên thị trường tư do và chấp nhận chịu thiệt do chênh lệch tỷ giá.
Tình trạng lạm phát và tăng giá hiện nay cũng đã ảnh hưởng rất nhiều đến ngành công nghiệp chế biến gỗ của nước ta, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Trước hết là doanh nghiệp xuất khẩu hàng thu về USD nhưng lại khó bán USD lấy VNĐ để trang trải các chi phí sản xuất, trả lương cho công nhân và trả nợ. Bên cạnh đó, tỉ giá ngoại tệ hiện thời thấp hơn tỉ giá khi ký hợp đồng xuất khẩu nên tính ra các doanh nghiệp bị lỗ thêm một lần nữa. Ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi để huy động vốn nên các doanh nghiệp phải thu hẹp hoặc ngừng sản xuất chờ cơ hội thuận tiện. [19]