Về luật pháp

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài của nhật bản vào việt nam cơ hội, thách thức và giải pháp (Trang 69 - 71)

Chính phủ Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống luật pháp nói chung, pháp luật liên quan đến thu hút FDI nói riêng như luật đầu tư, luật doanh nghiệp, luật thuế, luật xuất nhập khẩu trên cơ sở bổ sung, hoàn thiện thể chế pháp luật theo hướng rõ ràng, minh bạch, đồng bộ và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cái mà nhà đầu tư quan tâm nhất là lợi nhuận và hiệu quả của đồng vốn bỏ ra, do vậy yêu cầu về hiểu biết và tuân thủ luật pháp quốc tế ở các nước tiếp nhận đầu tư là hết sức cần thiết. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào quá trình hội nhập quốc tế, nhất là khi Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO, Chính phủ cần đảm bảo tiến trình gia nhập WTO theo cam kết, hoàn thiện chính sách đầu tư theo hướng phù hợp với các quy định của WTO và thông lệ quốc tế. Cần xây dựng chiến lược thu hút với quy hoạch thật cụ thể về ngành vùng, lĩnh vực và đặc biệt phải kiên định quy hoạch đã được ban hành. Có chính sách khuyến khích mạnh mẽ đối với các dự án đầu tư vào những vùng miền khó khăn của đất nước. Tạo thuận lợi cho khu vực FDI tham gia vào quá trình phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của quốc gia. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các ngành nghề theo lộ trình Việt Nam gia nhập WTO như thông báo về thời gian, giải thích thêm về ngành nghề được đầu tư.

Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo môi trường thông thoáng cho các nhà ĐTNN, cần bám sát thực tiễn hoạt động của các nhà đầu tư và tình hình thực tế tại các địa phương. Tổ chức tham vấn ý kiến các nhà đầu tư trong quá trình hoạch định chính sách nhằm tạo được sự nhất quán, ổn định khi thực thi.

Chính sách ưu đãi các nhà đầu tư cần tiếp tục được thực hiện rõ ràng, dễ hiểu và sát với điều kiện thực tế. Ngoài ra, việc thực thi các điều kiện ưu đãi cần đơn

63

giản, dễ dàng và nhất quán, công khai các chính sách phát triển kinh tế, các quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, các báo cáo chuyên ngành, số liệu thống kê để mọi nhà ĐTNN có thể tiếp cận một cách thuận lợi. Các nhà đầu tư Nhật Bản, với năng lực đáp ứng các yếu tố đầu vào của địa phương thì sẽ nâng cao hơn khả năng thu hút đầu tư. Ngoài ra, các văn bản pháp lý về đầu tư cần được chuẩn bị rõ ràng bằng tiếng Nhật để họ có thể hiểu một cách trực tiếp, đồng thời rút ngắn quá trình ra quyết định đầu tư.

Nâng cao hơn nữa năng lực của cán bộ làm luật, đảm bảo sự thống nhất trong các văn bản thi hành, tránh tình trạng gây khó hiểu, dễ hiểu nhầm hoặc có cách hiểu khác nhau đối với mỗi văn bản pháp luật khác nhau. Tăng cường sự rà soát để có sự thống nhất giữa các văn bản của Trung ương và địa phương.

Xây dựng lòng tin đối với các doanh nghiệp FDI của Nhật Bản nói riêng và các nhà đầu tư khác nói chung là một nhân tố quan trọng giúp các nhà đầu tư triển khai dự án theo kế hoạch. Nếu như có sự thay đổi bất ngờ thì đương nhiên sẽ tạo ra rủi ro cho doanh nghiệp, sự ổn định chính sách và môi trường đầu tư là điều mà các nhà đầu tư Nhật Bản rất mong đợi để trên cơ sở đó hoạch định chiến lược phát triển bền vững.Điều mà họ bận tâm đó chính là khó khăn trong việc xoay xở trong môi trường đầu tư thiếu ổn định.

Như vậy, việc xây dựng lòng tin, độ tin cậy trong thực thi chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước là một trong những yêu cầu nền tảng tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, nâng cao khả năng thu hút FDI của nền kinh tế.

Cần đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm, trong đó quy hoạch thu hút các dự án FDI vào những ngành, lĩnh vực phù hợp với ưu thế của từng địa phương để tạo đà phát triển cho khu vực, tạo nên sự gắn kết trong đầu tư và phát triển, là cơ sở để thúc đẩy liên kết giữa các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Hiện nay, một vấn đề đáng quan ngại đối với Việt Nam là việc phân cấp quản lý đầu tư. Việc phân cấp vẫn còn nhiều bất cập như nhiều địa phương chưa có quy hoạch tổng thể, quy hoạch lãnh thổ, ngành nghề, sản phẩm một cách đồng bộ. Một số địa phương xuất hiện tình trạng nóng vội, thiên về lợi ích trước mắt mà chưa tính đến vấn đề chiến lược trong thu hút FDI dẫn đến tình trạng cấp nhiều giấy phép cho

64

các dự án có cùng một loại sản phẩm mà không tính đến khả năng của thị trường cũng như hiệu quả đầu tư.

Bên cạnh việc đánh giá đúng mức thành tựu của việc phân cấp trong quản lý dự án FDI, Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ hơn nhằm thu hút, quản lý có hiệu quả hình thức đầu tư này. Cần xây dựng thể chế để đảm bảo năng lực của cơ quan được phân cấp phải đủ mạnh nhằm thực hiện nhiệm vụ được giao; quyền được phân cấp phải gắn liền với trách nhiệm quyết định đã ra; có chế tài kiểm tra, xử phạt, giám sát thường xuyên. Bên cạnh đó, cần thực hiện có hiệu quả việc xây dựng và quản lý quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch lãnh thổ, vùng, ngành và lĩnh vực đảm bảo cho chúng gắn chặt với nhau tạo nền tảng quan trọng để thu hút FDI một cách có hiệu quả và bền vững.

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài của nhật bản vào việt nam cơ hội, thách thức và giải pháp (Trang 69 - 71)