a/ Sử dụng kháng sinh trước mổ
Kháng sinh được sử dụng trước mổ ở tất cả 43 bệnh nhân có can thiệp ngoại khoa (bảng 3.18). Thời gian sử dụng kháng sinh trước mổ từ 1 đến 63 ngày. Những bệnh nhân có thời gian sử dụng kháng sinh trước mổ dài ngày là do ban đầu được chỉ định điều trị nội khoa đơn thuần, nhưng sau đó tiến triển của bệnh không tốt nên phải can thiệp ngoại khoa. Một số tác giả chủ trương không sử dụng kháng sinh trước mổ, vì cho rằng kháng sinh làm tăng tỷ lệ âm tính giả khi phân lập vi khuẩn từ mủ ổ áp xe. Một số tác giả khác [10],[11], [22],[31],[47],[50],[51] lại chủ trương sử dụng kháng sinh dự phòng ngay trước khi mổ hai giờ, để tránh nhiễm khuẩn lan tràn do phẫu thuật.
b/ Số lần phẫu thuật
Trong số 43 bệnh nhân được can thiệp ngoại khoa, tỷ lệ bệnh nhân mổ một lần chiếm 86% (37/43) số bệnh nhân và 14% (6/43) số bệnh nhân phải mổ hai lần, không có bệnh nhân nào phải mổ lần thứ ba (biểu đồ 3.7). Trong số những bệnh nhân được can thiệp ngoại khoa có 97,7% (42/43) số bệnh nhân được can thiệp ngoại khoa bằng phương pháp chọc hút và 2,3% (1/43) số bệnh nhân được mổ bóc bao (bệnh nhân này đã được mổ chọc hút hai lần tại Bệnh viện Nhi Đồng I Thành phố Hồ Chí Minh). Số ngày tính từ khi được chẩn đoán là AXN đến khi phẫu thuật trung bình là 9 ± 12 ngày (dao động từ 0 đến 63 ngày). Một số tác giả khác [10],[11],[21],[22],[26],[54], chủ trương phẫu thuật cấp cứu ngay sau khi bệnh nhân được chẩn đoán là AXN, đặc biệt là ở những bệnh nhân có dấu hiệu tăng áp lực nội sọ nặng hoặc bệnh nhân hôn mê. Các tác giả này cho rằng, chỉ có phẫu thuật, đặc biệt là phẫu thuật chọc
hút mới có thể nhanh chóng làm giảm áp lực nội sọ, qua đó làm giảm tỷ lệ tử vong và tỷ lệ di chứng ở những bệnh nhân này.