Trong lịch sử phát triển làng nghề thì hình thức tổ chức kinh doanh truyền thống phổ biến nhất là hộ gia đình, hoạt động gọn nhẹ. Ngày nay, bên cạnh hình thức này còn xuất hiện một số hình thức khác: hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn… Các loại hình sản xuất này đã và sẽ là nhân tố thúc đẩy làng nghề phát triển. Nghề khảm trai ở Chuyên Mỹ hiện nay có 3 hình thức tổ chức sản xuất: hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ gia đình.
- Hợp tác xã
Xã Chuyên Mỹ có 1 Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp là Hợp tác xã Sơn khảm Ngọ Hạ. Hợp tác xã đảm bảo việc làm thường xuyên cho 50 xã viên và hàng trăm lao động làm thuê cho hợp tác xã. Hợp tác xã Sơn khảm Ngọ Hạ còn là nơi đào tạo nghề cho đối tượng trẻ em tàn tật, mỗi năm hợp tác xã đào tạo 2 lớp với số lượng từ 90 - 100 học viên. Ngoài ra, hợp tác xã cũng là nơi giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho khách du lịch về thăm quan và đặt hàng. Nhờ có những đầu tư về vật chất và tinh thần như vậy, cùng quyết tâm đưa hợp tác xã đi lên, năm 2006 đã được Liên minh các hợp tác xã tỉnh tặng bằng khen. Việc thành lập hợp tác xã sẽ là tiền đề cho việc quy hoạch các cụm sản xuất, tạo thuận lợi cho việc quản lý và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường.
- Doanh nghiệp
Trước đây, người thợ khảm trai thường tổ chức sản xuất cá thể, chỉ trong gia đình mình nên hoạt động nghề có tính chất đơn lẻ. Các khâu công việc phục vụ cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp gần đây được khép kín và ngày càng mang tính chuyên môn hóa cao nên đã nổi lên một số cá nhân hay gia đình trở thành chủ cơ sở sản xuất. Xã có 4 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ
Bùi Thị Kim Thúy 46 Trường Đại học Khoa học tự nhiên
công nghiệp; các công ty với số lao động thường xuyên từ 50-70 người chuyên cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở để chế biến nguyên liệu trai khảm phục vụ cho nghề sơn khảm; làm dịch vụ buôn bán nội thất, vật liệu phục vụ cho sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ.
- Hộ gia đình
So với một số nghề thủ công khác, nghề khảm trai không cần một mặt bằng sản xuất lớn. Họ lập nên những xưởng thủ công nhỏ ngay tại gia đình mình. Mỗi hộ có từ 3 đến 7 người, tùy thuộc vào công việc, song bắt buộc phải có một thợ cả, bên cạnh đó là thợ đục, thợ dũa, thợ tách và một số thợ phụ. Đây là hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu ở các làng nghề truyền thống. Sau đổi mới, nhất là thời gian gần đây, số hộ gia đình làm nghề khảm trai, sơn mài ngày một tăng lên. Năm 2001 có 1415 hộ. Năm 2005 lên tới 1530 hộ, tăng 16,4%. Năm 2007 số hộ làm nghề thủ công là 1540. Không chỉ có vậy, người Chuyên Mỹ còn mở nhiều cơ sở sản xuất ở các thành phố khác trên cả nước, nhất là thành phố Hồ Chí Minh. Số lượng các cơ sở sản xuất là 350 cơ sở. Con số này cho thấy việc phát triển nghề khảm trai vẫn chủ yếu dựa trên cơ sở hộ gia đình giống như truyền thống.
Thường thì người lao động đến làm việc tập trung tại các cơ sở sản xuất cho tiện việc điều hành công việc. Tuy nhiên, do nhà xưởng không đủ rộng để cho nhiều người cùng làm việc nên các hộ gia đình, các công ty tư nhân hay HTX còn thuê thợ thủ công ở Chuyên Mỹ làm gia công một số công đoạn nào đó của sản phẩm tại nhà của người đó. Khi nào làm xong sản phẩm thì mang trả.
Với đặc điểm của làng nghề thủ công, hình thức hộ gia đình vẫn được sử dụng nhiều do mô hình sản xuất gọn nhẹ và không bó buộc thời gian của người thợ. Tuy nhiên hình thức sản xuất này mang tính nhỏ lẻ, tự phát, ít vốn nên các hộ gia đình thường ít có sự quan tâm đến các vấn đề môi trường đồng thời cũng rất khó để quản lý và xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất.