AGF đã tiến hành nghiên cứu thị trường EU một cách toàn diện, và từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Công ty đã tham khảo Bản nghiên cứu thị trường “Thị trường thủy hải sản tại Châu Âu” những năm qua và hiểu rõ EU phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu các sản phẩm thủy hải sản để đáp ứng nhu cầu nội địa trong đó có mặt hàng cá da trơn. Sự phát triển hiện nay của thị trường và các dự toán cắt giảm việc lan rộng của các sản phẩm thủy hải sản sẽ càng khiến EU tăng thêm sự phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu thị trường đang lớn dần. Rất nhiều cơ hội cho các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển. Để cung cấp cá da trơn cho các nước EU, AGF phải tự chuẩn bị kỹ lưỡng cho bản thân để đáp ứng các yêu cầu tiếp cận thị trường. Sau đây là những thông tin mà AGF đã thu thập được về thị trường EU:
Về tình hình cung –cầu cá da trơn trên thị trường EU: Qua điều tra nghiên cứu, công ty đã nắm bắt được hiện tại có khoảng 392 doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn sang thị trường EU (Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD)). Đối với nhu cầu của thị trường thì người dân EU rất thích dùng các sản phẩm thủy sản trong nhu cầu ăn uống và bảo vệ sức khỏe do tính ưu việt của sản phẩm này là ngon, bổ dưỡng. Hàng năm nhu cầu sản phẩm cá da trơn của EU đạt mức 20,3 kg/người. Vì vậy hiện tại cá da trơn đang ở pha tăng trưởng của chu kì sống.
Nghiên cứu khách hàng: Do khủng hoảng tại EU nên doanh nghiệp khi xuất khẩu vào EU đã kiểm tra kỹ đối tác, nhất là vấn đề tài chính và khả năng thanh toán của đối tác. Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp xuất khẩu vào EU đã gặp tình trạng bị đối tác trả chậm tiền hàng, thậm chí đã xuất hàng sau đó đối tác tuyên bố phá sản. Nhằm đảm bảo việc thực hiện hợp đồng và hạn chế rủi ro, trước khi tiến hành quan hệ kinh doanh công ty đã tiến hành nghiên cứu khách hàng thông qua một số nội dung sau: Khả năng thanh toán, chức năng, quyền hạn của bạn hàng, uy tín của bạn hàng trên thị trường và quan điểm lợi nhuận… Từ đó công ty tìm ra được một số bạn hàng của mình trên thị trường EU cụ thể là : Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan, đây là 3 nước có khối lượng nhập khẩu cá da trơn lớn nhất chiếm 60% tổng lượng nhập khẩu của EU. Tây Ban Nha được xem là thị trường phát triển nhất của mặt hàng cá da trơn tại EU. Đây là quốc gia có thu nhập cao, thị trường này có xu hướng tiêu thụ nhiều cá đông lạnh hơn các loại cá tươi sống và thói quen mua sắm tại các siêu thị và đại siêu thị nhiều hơn mua ở các chợ cá truyền thống. Lượng tiêu thụ thông qua các kênh như khách sạn, nhà hàng và dịch vụ cung cấp đồ ăn (HORECO) cũng đóng vai trò quan trọng. Hà Lan là nước nhập khẩu quan trọng trong thương mại EU. Hà Lan nhập khẩu một khối lượng lớn từ các nước đang phát triển và phân phối lại sang các nước EU khác. Hà Lan đặc biệt mạnh trong việc cung cấp các loại cá ướp lạnh, đông lạnh và cá phi lê. Tiêu thụ tại Hà Lan theo quy mô hộ gia đình ngày càng tăng và tăng nhiều về giá trị hơn là về khối lượng. Các sản phẩm cá dạng tươi hoặc dạng cá đông lạnh được ưa chuộng nhất. Từ khoảng 5 năm nay, xuất khẩu cá da trơn (chủ yếu là lườn cá tra, cá basa đông lạnh) sang Đức tăng mạnh. Đây cũng là loại thủy sản hiện chiếm vị trí thứ 5 trong số các mặt hàng thủy sản được yêu thích ở Đức vì các ưu thế cơ bản là hương vị trung tính, dễ chế biến và giá thấp so với nhiều mặt hàng thủy sản khác. Đức phụ thuộc hoàn toàn vào cá tra nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Nghiên cứu tình hình cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu: Bước đầu tiên để am hiểu sâu sắc hơn tình hình cạnh tranh là chuẩn bị một danh sách tất cả các đối thủ cạnh tranh của công ty. Đó là những đối thủ trong nước và nững đối thủ đến từ lục địa khác hoặc từ EU. Sau đó, công ty so sánh năng suất chất lượng của mình với các đối thủ theo các thông số quan trọng. Quá trình này được coi là chuẩn mực.
Trong nhiều trường hợp, những nhà sản xuất cá tại các nước đang phát triển hưởng lợi từ cách tiếp cận hiệu quả với nguồn tài nguyên cá, chi phí nhân công thấp hơn và giá nguyên liệu thô cũng thấp. Hiện có rất nhiều các công ty trong và ngoài nước thâm nhập vào EU. Vì vậy việc điều tra các đối thủ cạnh tranh là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với AGF. Đối thủ mạnh nhất của công ty trong nước là doanh nghiệp An Việt, tập đoàn Minh Phú, công ty Vĩnh Hoàn, Công ty XNK Thủy sản Cửu Long – An Giang... Đối thủ cạnh tranh nước ngoài mạnh nhất phải kể đến Trung Quốc, Aixơlen, Áchentina, Thái Lan, Ấn Độ …
Nghiên cứu giá cả trên thị trường EU: Vấn đề này được công ty hết sức chú ý, việc nghiên cứu đã giúp công ty định ra mức giá hợp lý cũng như như dự báo ra xu hướng biến động của giá trong tương lai. Khi xuất khẩu sang EU công ty tiến hành báo giá sản phẩm bằng đồng Euro, thuy nhiên trong một số trường hợp công ty cũng sử dụng đồng USD Mỹ. Công ty đánh giá rằng giá và lợi nhuận bị chi phối bởi nhiều yếu tố, phụ thuộc vào vị trí của công ty đang ở đâu trong hệ thống phân phối của thị trường. Công ty đặt ra phương châm không đưa ra mức giá quá cao so với điểm giới hạn về giá tại thị trường EU, đó là giá mà thị trường có thể chấp nhận được và mức giá đó phải tương đương với mức gía của các đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó việc xác định giá cũng cần phải tương ứng với chất lượng sản phẩm.