Với cơ quan nhà nước

Một phần của tài liệu thực trạng và giải pháp cho hoạt động marketing xuất khẩu cá da trơn của công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản an giang sang thị trường eu (Trang 73 - 75)

Sau đây là một số kiến nghị với cơ quan nhà nước để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng như đã phân tích ở chương 2.

Để đối phó với vấn đề sản lượng nuôi cá da trơn giảm mạnh thì cơ quan nhà nước cần có chính sách thúc đẩy các ngân hàng mở rộng việc cho vay bằng một số biện pháp như: phát hành kì phiếu có trả lãi để bổ sung nguồn vốn vay, giảm lãi suất cho vay…Từ đó có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, mua cá giống và chăn nuôi ở điều kiện tốt nhất. Đồng thời việc giảm lãi suất cho vay còn giúp cho doanh nghiệp có thể cạnh tranh giá với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Cuộc khủng hoảng tài chính có ảnh hưởng sâu rộng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy cơ quan nhà nước cần chủ động ứng phó bằng cách giảm tỉ lệ lạm phát bằng cách giảm lượng cung tiền vào nền kinh tế; giảm thâm hụt ngân sách bằng cách hạn chế các khoản vay; tăng đầu tư công để tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy hiệu quả lãnh đạo của bộ máy nhà nước để tăng cường phòng chống tham nhũng, hạn chế lãng phí nguồn tài chính công; nâng cao hiệu quả của hoạt động đối ngoại, thông tin tuyên truyền bằng cách chủ động tham gia hội nhập các tổ chức kinh tế trên thế giới, hợp tác với cơ quan truyền thông nước ngoài để thu thập nhiều thông tin từ thị trường thế giới. Từ đó cung cấp những thông tin về thị trường cho các doanh nghiệp vì các thông tin về thị trường hiện nay chỉ đề cập một cách chung chung không rõ ràng về tác động của các mặt hàng (biến động về giá cả, sản lượng tiêu thụ…).

Để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, Nhà nước có thể đưa ra những chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp trong nước. Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu bằng cách không yêu cầu chứng thư của nhà nước khi nước nhập khẩu không yêu cầu. Đề ra các điều luật bảo hộ hàng thủy sản trong nước tránh những tình trạng bị kiện đối với mặt hàng thủy sản như những năm vừa qua. Vấn đề này cũng cần sự can thiệp của Cơ quan thuế: Mức thuế xuất khẩu phải rõ ràng minh bạch đối với từng mặt hàng, thời gian nộp thuế, thời gian điều chỉnh mức thuế phải hợp lý với điều kiện của doanh nghiệp. Đồng thời Cơ quan quản lý chất lượng cũng phải kiểm tra chất lượng thật nghiêm để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, đưa ra các tiêu chuẩn quản lý chất lượng để khách hàng yên tâm khi sử dụng thực phẩm. Hơn nữa cần thay đổi cách kiểm soát kháng sinh và các yếu tố rủi ro an toàn thực phẩm theo hướng liểm soát đầu nguồn thay vì kiểm tra lô hàng như hiện nay.

Với vấn đề cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, Nhà nước cần có sự liên kết với doanh nghiệp để dễ dàng kiểm soát, theo dõi những hành vi không lành mạnh trong kinh doanh, quản lý thật nghiêm xuất xứ hàng hóa để việc kinh doanh được lành mạnh. Đồng thời đề ra những hình thức xử phạt với trường hợp vi phạm và người dân trong khai thác, nuôi trồng, mở rộng ngư trường và thu mua sản phẩm.

Một phần của tài liệu thực trạng và giải pháp cho hoạt động marketing xuất khẩu cá da trơn của công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản an giang sang thị trường eu (Trang 73 - 75)