Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2010 đến năm 2012

Một phần của tài liệu giải pháp tăng cường quản trị rủi ro hoạt động của ngân hàng thương mại việt nam (Trang 35 - 39)

Năm 2010 là năm thứ hai các nền kinh tế trên thế giới tiếp tục chật vật vượt qua những khó khăn thách thức gây ra bởi cuộc khủng hoảng – suy thoái. Điểm qua các biến cố lớn không thể không nhắc đến cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu với những nạn nhân đầu tiên là Hy Lạp và Ailen. Sự chi tiêu thái quá của chính phủ các nước này đã khiến ngân sách bị thâm thủng nặng nề, dẫn đến mất khả năng trả nợ và không còn uy tín để đi vay trên thị trường quốc tế. Nguy cơ chiến tranh tiền tệ tạo ra điểm nhấn tiếp theo trong bức tranh kinh tế toàn cầu 2010. Lần đầu tiên khái niệm “chiến tranh tiền tệ” thế chỗ khái niệm “cuộc chiến tỷ giá đồng nhân dân tệ” sau khi các nước đua nhau giảm giá nội tệ để kích thích xuất khẩu dẫn đến việc biến động mạnh của các thị trường ngoại hối. Để nhanh chóng thoát khỏi suy thoái, các chính phủ còn ganh nhau tung ra các chương trình kích thích tăng trưởng, tạo ra những lượng thanh khoản ào ạt bơm vào nền kinh tế. Đồng thời, các ngân hàng trung ương tìm cách duy trì lãi suất thấp kỷ lục để kích cầu đầu tư. Chính sách tiền tệ nới lỏng đến cực điểm là một điểm nhấn nữa trong nền kinh tế thế giới năm qua. Nó tạo ra các luồng “tín dụng nóng” đổ về các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam, nơi lạm phát và kiểm soát chính sách tiền tệ đang là bài toán đau đầu.Các chương trình kích cầu là một trong những nguyên nhân chính khiến giá hàng hóa tăng mạnh trên thị trường thế giới, đặc biệt là giá vàng. Giá kim loại quý này đã vượt ngưỡng kỷ lục của mọi thời đại là 1.400 USD/ounce vào tháng 11 và đang đe dọa tiếp tục leo thang. Các cuộc khủng hoảng nợ công đã đem lại nhiều bài học kinh nghiệm cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Bài học về việc chú ý giám sát hệ thống tài chính tiền tệ, cẩn trọng trong chi tiêu ngân sách, trong sử dụng vốn vay, không thể đổi tăng trưởng cao với mất ổn định kinh tế vĩ mô...

Kinh tế thế giới bước vào năm 2011 trong bối cảnh vừa ra khỏi giai đoạn khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái và bước đầu phục hồi. Theo dự báo của IMF, tăng trưởng năm nay sẽ chậm hơn so với năm 2010 (dự báo ở mức

4,2% và thấp hơn đáng kể so với mức 4,8% dự kiến của năm 2010); trong đó khu vực các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển được dự báo tăng trưởng 6,4% và các nền kinh tế phát triển là 2,2%. Dự báo này cho thấy các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tiếp tục là động lực thúc đẩy phục hồi toàn cầu. Dự kiến trong 10 năm tới, các thị trường mới nổi nhất là các thị trường mới nổi đi sau (ngoài nhóm BRIC gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) sẽ chiếm hơn 50% tổng lượng tăng trưởng của thế giới. Khả năng sinh lời từ nhóm BRIC có thể giảm nên các nhà đầu tư bắt đầu tìm kiếm lợi nhuận từ hai nhóm nước là: (i) “các nước từng bị bỏ rơi” (trong đó có Việt Nam) có thể cạnh tranh với nhóm BRIC và (ii) các nước “mở đường” bắt đầu đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng (những nước nghèo hơn và có nguy cơ cao hơn so với nhóm thứ nhất). Như vậy, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội lớn để phát triển kinh tế trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới năm 2011 với những biến động khó lường về tỷ giá, tình trạng thâm hụt tài chính và giá vàng, dầu mỏ, cao su, thép, lương thực... đặt ra một số khó khăn, thách thức cho kinh tế Việt Nam trước mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Năm 2011, tăng trưởng GDP của Việt Nam có xu hướng chậm lại, lạm phát tiếp tục tăng; mặt bằng lãi suất cao; giá vàng biến động khó lường. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng rất cao, giá tiêu dùng tháng 6/2011 so với tháng 12/2010 đã lên đến 13,29% (so với cùng kỳ tăng đến 20,82%). Lạm phát của Việt Nam đang cao nhất Châu Á, nhì thế giới, chỉ sau mỗi Venezuela, trong khi hiện nay tỷ lệ lạm phát ở Trung Quốc là 6,4%, Thái Lan 4%, Indonesia 5,5%, Philippines 4,7%.

Năm 2012 được coi là một trong những năm kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu tiếp tục sa lầy mà lối thoát thì chưa thực sự rõ ràng, kinh tế Mỹ, Nhật Bản đều không mấy khả quan. Các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil ... đều không còn giữ được phong độ tăng trưởng lạc quan như khoảng 3 – 5 năm trước. Đối với Việt Nam, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2012 là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng một cách hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tốc

độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - lạm phát đã giảm mạnh so với năm 2011 (đặc biệt trong hai tháng 6 và 7 có mức tăng trưởng âm). So với tháng 12 năm 2011, chỉ số CPI 9 tháng đầu năm 2012 tăng khoảng 5%. Số doanh nghiệp mới thành lập trong khoảng 10 tháng đầu năm 2012 đạt hơn 46.000 doanh nghiệp (giảm khoảng 12% so với cùng kỳ năm 2011. Số doanh nghiệp đã giải thể và dừng hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2012 là hơn 35.483 doanh nghiệp (tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2011). Nhìn chung, so với mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6 - 6,5% thì năm 2012 là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam không đạt kế hoạch như đã dự kiến.

2.1.2. Tổng quan tình hình hoạt động kinh doanh của các Ngân hàng thương mại Việt Nam năm 2010 đến năm 2012

Năm 2010, tuy nền kinh tế Việt Nam phục hồi tốt với mức tăng trưởng GDP đáng khích lệ nhưng trạng thái thâm hụt thương mại và lạm phát cao đã buộc Chính phủ và NHNN phải kiềm chế phát triển tín dụng. Các chính sách siết chặt quản lý nhằm ổn định thị trường tiền tệ trong nước như việc đóng cửa sàn giao dịch vàng từ ngày 30/3/2010; việc thắt chặt yêu cầu về tỷ lệ cho vay và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu với (NHNN ban hành Thông tư 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 quy định tăng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu từ 8% lên 9%); việc thông qua luật các TCTD và luật NHNN sửa đổi... đã buộc các ngân hàng xem xét lại và điều chỉnh hoạt động một cách an toàn hơn. Tuy nhiên, năm 2010 là năm tiếp tục ghi nhận sự phát triển mạnh về quy mô của các TCTD khi tổng tài sản có của toàn hệ thống tăng tới 28%, hầu hết các thành viên đều tăng cường mở rộng mạng lưới, đầu tư phát triển sản phẩm và dịch vụ. Khoảng cách quy mô giữa nhóm NHTM cổ phần hàng đầu với khối NHTM quốc doanh đã được rút ngắn, đi cùng với đó là sự chuyển dịch thị phần đáng chú ý.

Bên cạnh đó, năm 2010 đánh dấu sự hiện diện và hoạt động một cách toàn diện của các ngân hàng 100% vốn nước ngoài với sự mở rộng mạng lưới, sản phẩm dịch vụ một cách nhanh chóng. Vào thời điểm cuối năm 2010, thị trường đón nhận nhiều thông tin các ngân hàng ngoại tăng mạnh vốn được cấp. Sức cạnh tranh từ khối này chính thức bước vào giai đoạn mới.

Bước sang năm 2011, nhiều diễn biến không thuận lợi của kinh tế vĩ mô đã đặt thêm khó khăn đối với ngành ngân hàng. Thực hiện các Nghị quyết và chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội năm 2011, NHNN đã tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ. Lạm phát tăng cao đã tác động đến xu hướng tăng mạnh của lãi suất huy động và cho vay trên thị trường. Trước tình hình đó, NHNN đã ban hành thông tư 02/2011/TT-NHNN ngày 3/3/2011 quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam không vượt quá 14%/năm, nhằm tránh một cuộc đua lãi suất không lành mạnh giữa các ngân hàng, gây bất ổn cho hệ thống. Tuy nhiên, với trần lãi suất 14%/năm, cùng với việc tỷ lệ lạm phát so với cùng kỳ đã lên đến 20,82%, lãi suất huy động và cho vay thực đã ở mức âm. Vì thế, các NHTM đã “xé rào” lãi suất huy động cả VND và USD, huy động vốn với mức lãi suất bình quân khoảng 17% đến 18% một năm, lãi suất cho vay VND bình quân thực tế khoảng 18,74%/năm, trong đó lãi suất cho vay lĩnh vực phi sản xuất đã lên đến 22-25%/năm, lãi suất huy động USD với mức 3-3,5%/năm, cao hơn mức quy định là 2%. Cuộc chạy đua lãi suất giữa các ngân hàng đem lại những tác động lớn cho nền kinh tế, tạo nên một áp lực lớn đối với cơ quan điều hành chính sách tiền tệ và hệ thống ngân hàng. NHNN tiếp tục ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 7/9/2011 yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nghiêm túc mức lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam và Đô la Mỹ theo quy định nhằm bình ổn thị trường và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh với mức lãi suất phù hợp.

Việc NHNN kiên quyết yêu cầu các NHTM thực hiện nghiêm túc quy định về lãi suất thể hiện ý định sắp xếp, phân loại lại hệ thống ngân hàng, đặc biệt là lọc ra các ngân hàng yếu kém, để tiến tới một hệ thống ngân hàng vững mạnh hơn. Theo đó, củng cố, chấn chỉnh và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã trở thành nhiệm vụ cấp bách của ngành ngân hàng. NHNN hiện đang xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém và phát triển hệ thống ngân hàng hoạt động

an toàn, lành mạnh, có hiệu quả trên cơ sở năng lực tài chính và quy mô hoạt động đủ lớn, hệ thống quản trị, công nghệ ngân hàng tiên tiến.

Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu hệ thống ngân hàng diễn ra khá mạnh mẽ trong năm 2012, nổi bật là việc NHTM cổ phần Nhà Hà Nội (HBB) chính thức sáp nhập vào NHTM cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vào tháng 8/2012. Quá trình tái cơ cấu vừa là thách thức nhưng cũng tạo ra không ít cơ hội cho việc thâu tóm tài sản giá rẻ, đa dạng hóa đầu tư của các ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh. Thách thức bị mua bán sáp nhập của ngân hàng yếu kém cũng chính là cơ hội cho các ngân hàng lớn trong nước tham gia thâu tóm các ngân hàng khác để nâng cao tiềm lực tài chính và nhanh chóng mở rộng mạng lưới hoạt động, quy mô khách hàng.

Một phần của tài liệu giải pháp tăng cường quản trị rủi ro hoạt động của ngân hàng thương mại việt nam (Trang 35 - 39)