Chính sách cho vay bao gồm các quan điểm, chủ trương, định hướng, quy định chỉ đạo hoạt động cho vay và đầu tư của NHTM. Chính sách cho vay cung cung cấp cho các nhà quản lý cũng như cán bộ ngân hàng đường lối chỉ đạo cụ thể trong việc ra quyết định cho vay và xây dựng danh mục cho vay, tạo nên sự thống nhất trong hoạt động kinh doanh ngân hàng. Cần thiết phải xây dựng một chính sách vay nhất quán, linh hoạt và hợp lý, thích ứng với môi trường kinh doanh, phù hợp với đặc điểm và điều kiện hoạt động của ngân hàng để có thể phát huy được thế mạnh, hạn chế và khắc phục điểm yếu nhằm mục tiêu an toàn và sinh lợi. Các chính sách đó bao gồm:
Thứ nhất, hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách khách hàng
Chính sách khách hàng là một trong những nội dung quan trọng nhất trong chính sách cho vay của ngân hàng, nhằm xác định chính xác đối tượng khách hàng mục tiêu. Việc xây dựng chính sách khách hàng linh hoạt và hợp lý sẽ giúp ngân hàng tăng cường khả năng tiếp cận khách hàng, tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp và mở rộng thị phần. Chính sách khách hàng cần chú trọng những vấn đề sau:
- Cần nghiên cứu nhu cầu khách hàng, nghiên cứu thị trường và phát triển các sản phẩm dịch vụ; bởi càng hiểu rõ về khách hàng, về thị trường thì ngân hàng càng dễ dàng và thuận lợi hơn trong việc đáp ứng nhu cầu khách hàng. Để đưa ra được các sản phẩm dịch vụ phù hợp, ngân hàng cần tiến hành phân đoạn thị trường cho các đối tượng khách hàng khác nhau. Với mỗi đối tượng khách hàng, ngân hàng có thể phân đoạn theo tiêu chí quy mô, ngành nghề kinh doanh, hình thức sở hữu...để biết đặc thù của mỗi doanh nghiệp theo từng nhóm là gì, có lợi thế gì và khó khăn gì. Từ đó phát triển sản phẩm đáp ứng tốt nhất của từng nhóm khách hàng này.
- Chủ động tìm kiếm và đa dạng hóa đối tượng khách hàng để có được cơ cấu cho vay hợp lý. Trong môi trường cạnh tranh hiện nay, để nâng cao vị thế của mình, ngân hàng phải chủ động tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường, đặc biệt với đối tượng là doanh nghiệp. Ngân hàng nên kết hợp các hình thức marketing, truyền thông các thông tin cần thiết về ngân hàng để thiết lập hình ảnh đẹp về ngân hàng trong khách hàng, từ đó nhằm thiết lập duy trì mối quan hệ bền vững tốt đẹp với khách hàng.
- Tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ khách hàng nhằm đẩy nhanh quá trình hợp tác với khách hàng. Ngân hàng có thể mở rộng các hoạt động tư vấn không chỉ dừng lại ở mức độ giải thích các quy định, yêu cầu của ngân hàng trong quá trình cho vay mà còn cùng khách hàng xem xét tính khả thi của dự án để lập phương án/ dự án SXKD hiệu quả. Ngân hàng có thể cung cấp cho khách hàng các thông tin về công nghệ, thị trường, tình hình kinh tế xã hội.. Ngoài ra, ngân hàng do có nhiều mối quan hệ với nhiều khách hàng ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau nên có thể giới thiệu các đối tác làm ăn uy tín, hiệu quả cho các khách hàng của mình, giúp các doanh nghiệp có thêm dự án hoặc công việc mới, ngân hàng có nguồn thu mới ổn định với chính những khách hàng truyền thống của mình.
Thứ hai, tăng tỷ lệ cho vay
Trên thực tế trong giao dịch với ngân hàng, có những khách hàng truyền thống đã có uy tín với khách hàng nhiều năm và có nhiều lịch sử giao dịch với ngân hàng. Hoặc những khách hàng có phương án sản xuất kinh SXKD tốt, kế hoạch trả nợ tốt hoặc bên bảo lãnh thứ 3 là bên có uy tín lớn, rủi ro rất thấp. Đối với các đối tượng này nếu cứng nhắc áp dụng mức cho vay tối đa 70% giá trị phương án xin vay thì chưa thỏa đáng. Bởi sự thiếu hụt này có thể chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay của khách hàng, khách hàng buộc phải sử dụng nguồn tín dụng bên ngoài với lãi suất cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Vì thế, để trợ giúp khách hàng có uy tín và có kế hoạch SXKD tốt, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh với các ngân hàng khác, Vietinbank-chi nhánh Sông Nhuệ nên xem xét nâng cao mức cho vay tối đa có thể là 75% - 80% giá trị xin vay đối với các đối tượng doanh nghiệp nêu trên.
Thứ ba, thời hạn cho vay vốn đa dạng và phù hợp
Ngân hàng cần đa dạng hóa các thời hạn cho vay để đảm bảo các nguyên tắc cho vay như khả năng hoàn trả, đảm bảo được mục đích sử dụng vốn và có điều kiện đảm bảo khả năng trả nợ vay cũng như tạo điều kiện kiểm tra theo dõi khoản vay. Ngân hàng cần xem xét định kỳ trả nợ gốc và lãi vốn vay cho phù hợp với chu kỳ SXKD, thời gian luân chuyển vốn lưu động và kế hoạch dòng tiền vào ra của doanh nghiệp.
Tuỳ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà ngân hàng sẽ có các mức thời gian trả nợ khác nhau như trả lãi, gốc hàng tháng, trã lãi hàng tháng trả gốc theo quý, trã lãi hàng tháng trả gốc cuối năm. Đối với loại hình doanh nghiệp thương mại dịch vụ chỉ là trung gian mua bán hàng hoá và cung ứng ra thị trường thì áp dụng trã lãi và gốc hàng tháng. Đối với các doanh nghiệp sản xuất thì áp dụng phương pháp trả lãi hàng tháng trả gốc theo quý hoặc năm. Đối với các khoản vay dự án đầu tư trung và dài hạn, hay các khoản vay trung và dài hạn đầu tư tài sản cố định áp dụng cách thức tính lãi nhập gốc cho giai đoạn đầu tư và sản xuất thử. Khi các phương án tạo ra doanh thu thì sẽ yêu cầu khách hàng trả lãi hàng tháng, trả gốc theo quý hoặc năm. Thời hạn cho vay được tính từ thời điểm giải ngân khoản vay đầu tiên cho tới khi phương án kinh doanh chấm dứt hoạt động.