- Nguyên nhân từ phía ngân hàng
+ Lãi suất cho vay của ngân hàng chưa thực sự linh hoạt khi có biến động về lãi suất, muốn áp dụng lãi suất cạnh tranh phải lập hồ sơ trình Tổng giám đốc phê duyệt do vậy thời gian giải ngân sẽ chậm lại, lỡ cơ hội kinh doanh của khách hàng.
+ Quy trình cho vay của ngân hàng tuy đã có những đổi mới song vẫn chưa thật sự thuận lợi cho DN. Đối với DN khi vay vốn, nhất là vay vốn trung - dài hạn thì các thể lệ, chế độ tín dụng thường được thực hiện quá chặt chẽ. Đôi khi quá chặt chẽ sẽ trở thành máy móc khiến thủ tục vay càng trở nên rườm rà, khó khăn cho DN. Đây là nguyên nhân khiến quy mô cho vay trung - dài hạn đối với DN tại Chi nhánh vẫn chưa cao. Bên cạnh đó các DN hiện nay chủ yếu vẫn có nhu cầu vay vốn ngắn hạn trong thời gian gấp, nhưng theo đúng quy trình tín dụng thì phải tuân theo nhiều bước. Đặc biệt tại Chi nhánh vẫn chưa có các quy định riêng dành cho DN mà chỉ có quy trình tín dụng áp dụng chung cho các DN dẫn đến một khoản vay không lớn vẫn phải trải qua những bước phức tạp tương tự như khi vay một khoản vay lớn. Điều này gây khó khăn cho khách hàng và phức tạp cho cả các nghiệp vụ của Chi nhánh.
+ Công tác kiểm tra kiểm soát của Chi nhánh chưa được thực hiện một cách thường xuyên và triệt để, nhiều khi mang tính chiếu lệ hình thức.
+ Chi nhánh vẫn còn đặt nặng vấn đề tài sản bảo đảm khi thẩm định và đưa ra các quyết định cho vay đối với DN. Trong khi có rất nhiều DN dù có những phương án sản xuất kinh doanh khả thi, có tiềm năng phát triển và thu lợi nhuận lớn, nhưng do quy mô hoạt động nhỏ, khả năng tài chính cũng như tiềm lực tài chính thấp đã làm cho họ không đáp ứng đủ điều kiện này.
+ Công tác marketing tiếp xúc khách hàng trong thời gian gần đây đã được Chi nhánh lưu tâm nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, không có nhiều biện pháp tuyên truyền các dịch vụ ngân hàng khiến cho nhiều người dân chưa biết được các dịch vụ cũng như tiện ích của nó mang lại.
- Nguyên nhân từ phía DN
+ DN trên địa bàn thành phố Hà Nội trong những năm qua đã tăng mạnh về số lượng nhưng quy mô hoạt động còn nhỏ bé, vốn ít, khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp.
+ Không có các dự án khả thi: Đây là điều kiện tiên quyết và không thể thiếu để ngân hàng xem xét và quyết định cho vay. Nó quyết định đến sự thành công hay thất bại của DN mà ngân hàng bỏ vốn cho vay. Thực tế, hầu hết các DN không thể tự viết được các dự án đầu tư trong dài hạn, thậm chí cả kế hoạch ngắn hạn. Nhiều DN còn chưa đáp ứng được yêu cầu lập kế hoạch hoặc lưu chuyển tiền mặt trong năm để ngân hàng biết khối lượng tiền chu chuyển hàng tháng nhằm cân đối thu chi trong tháng.
+ Đa số khách hàng là DN của Chi nhánh là khách hàng có uy tín, tuy nhiên trong quá trình hoạt động do cơ chế thị trường đã thay đồi làm cho một số khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ cho Chi nhánh hoặc cũng có khách hàng, do muốn chiếm dụng vốn của Chi nhánh để phục vụ cho mục đích khác nên dù vẫn đủ tiền trả nợ nhưng họ vẫn xin gia hạn nợ, do vậy đã gây ra nợ quá hạn của Chi nhánh, ảnh hưởng đến chất lượng cho vay của Chi nhánh.
+ Ở một số DN năng lực quản lý tài chính, trình độ kỹ thuật yếu kém, không theo kịp đòi hỏi của cơ chế thị trường dẫn đến SXKD chịu nhiều áp lực cạnh tranh, sản xuất sản phẩm không tiêu thụ được, sản xuất đình trệ không có khả năng trả nợ. Các chủ DN nói chung và nhất là của các DN ngoài quốc doanh thiếu kinh nghiệm, kiến thức, trình độ và bản lĩnh của những nhà SXKD trong cơ chế thị trường.
+ Các DN còn quá phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Thực tế nhiều DN có quá ít vốn chủ sở hữu, quá phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng, không vay được vốn ngân hàng thì không thực hiện được phương án, chưa chủ động tạo vốn tự có như cổ phần hóa, liên doanh liên kết....
- Nguyên nhân khách quan
+ Xuất phát từ môi trường kinh tế vĩ mô là hành lang pháp lý cho hoạt động tín dụng chưa đầy đủ, các cơ quan chịu trách nhiệm cấp giấy tờ sở hữu tài sản, bất động sản còn chưa rõ ràng. Do đó việc thế chấp và xử lý tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp nhiều khi bị ách tắc do giấy tờ không hợp pháp, hợp lệ. Việc thực hiện pháp lệnh kế toán, thống kê chưa nghiêm túc, đa số các số liệu quyết toán và báo cáo tài chính chưa thực hiện chế độ kiểm toán bắt buộc, nên số liệu phản ánh không trung thực tình hình sản xuất kinh doanh của DN. Vì thế việc thẩm định khách hàng của ngân hàng gặp nhiều khó khăn hơn, mất nhiều thời gian hơn và giảm bớt tính chính xác.
+ Hiện nay, việc hoạt động kinh doanh của các DN bị điều hành bởi rất nhiều luật và chính sách nhưng hiệu quả, hiệu lực của các chính sách còn chưa cao, chưa đầy đủ và đồng bộ. Chưa có quy định cụ thể trong việc ban hành những quy định riêng về tín dụng đối với từng loại hình DN. Bên cạnh đó hiệu lực của các cơ quan hành pháp chưa đáp ứng được yêu cầu về giải quyết tranh chấp, tố tụng về hợp đồng kinh tế, hợp đồng dân sự, phát mại tài sản cầm cố, thế chấp… chưa bảo vệ chính đáng quyền lợi của người cho vay. Thông thường khi điều tra, xét xử hành vi gây thất thoát vốn, các cơ quan pháp luật hay tìm cách khép tội cho cán bộ tín dụng nên cán bộ tín dụng có tâm lý e ngại khi quyết định cho vay.
+ Môi truờng kinh tế xã hội ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh của DN: Ảnh hưởng của lạm phát, những cuộc đua cạnh tranh lãi suất, sự gia nhập của hàng ngoại, sự bấp bênh của thị trường chứng khoán cũng như thị trường bất động sản đang trở thành một mối đe dọa to lớn tới các DN, gây khó khăn cho tình hình SXKD của các DN và khả năng trả nợ cho Chi nhánh. Không những vậy tình hình tài chính này còn gây khó khăn cho ngân hàng trong lĩnh vực huy động vốn và cho vay.
+ Thị trường ngân hàng phát triển ngày càng sôi động và lớn mạnh. Giai đoạn gần đây trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện rất nhiều Chi nhánh mới của các ngân hàng TMCP tạo nên áp lực cạnh tranh rất lớn đòi hỏi Chi nhánh phải có những biện pháp, chính sách thay đổi phù hợp và có tính cạnh tranh cao để thu hút khách hàng.
Kết luận chương 2
Chương 2 đã giới thiệu sơ qua về lịch sử hình thành và phát triển, cơ cấu tổ chức của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam-chi nhánh Sông Nhuệ. Bên cạnh đó, chương 2 đã nêu lên những số liệu, thông tin tổng quan về tình hình hoạt động kinh doanh của Vietinbank chi nhánh Sông Nhuệ về công tác huy động vốn, công tác sử dụng vốn (chủ yếu là cho vay), một số hoạt động kinh doanh khác và kết quả kinh doanh qua ba năm 2011, 2012 và 2013. Từ việc dẫn chứng những cơ sở lý luận, số liệu, và những phân tích dựa trên số liệu đó, chương này đã khái quát về tình hình chất lượng tín dụng và phân tích thực trạng chất lượng tín dụng của Vietinbank chi nhánh Sông Nhuệ qua một số chỉ tiêu căn bản như: Chỉ tiêu về doanh số cho vay, doanh số thu nợ và hệ số thu nợ, dư nợ cho vay, chất lượng cho vay vòng quay vốn cho vay hay các chỉ tiêu nợ xấu, nợ quá hạn… Qua việc phân tích đó, ta có thể thấy được một phần chất lượng tín dụng của ngân hàng và tìm ra những hạn chế còn tồn tại cũng như những nguyên nhân gây ra hạn chế ấy. Đó cũng là cơ sở để có thể đưa ra một số giải pháp, kiến nghị với hy vọng nâng cao được chất lượng tín dụng của ngân hàng TMCP Vietinbank chi nhánh Sông Nhuệ trong chương 3.
CHƯƠNG 3. GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG TẠI NHTMCP CÔNG THƯƠNG VN