Thứ nhất, cải cách thủ tục hành chính
Có thể nói một trong những nguyên nhân gây nên sự châm trễ trong vấn đề giải ngân của dự án là thủ tục hành chính quá rườm rà, phức tạp, còn nhiều bất cập, thiếu phù hợp với thực tiễn dẫn đến chậm trễ trong việc phê duyệt các báo cáo của phía Việt Nam. Do đó, cải cách thủ tục hành chính cho phù hợp, tạo môi trường thuận lợi để dự án có thể thực hiện nhanh chóng, từ đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân của dự án là việc làm hết sức cần thiết.Cụ thể:
Các thủ tục của Chính phủ cần đơn giản hơn nữa. Các thủ tục phê duyệt của dự án phải liên quan đến rất nhiều Bộ, Sở, ban, ngành và các cơ quan khác nhau từ huyện, tỉnh đến Chính phủ vì vậy dù dự án đã được phê duyệt nhưng nếu có bất cứ sự thay đổi dù nhỏ đến lớn nào cũng phải trải qua sự xem xét, phê duyệt của tất cả các cấp sẽ làm kéo dài thời gian thực hiện dự án. Do đó, cần có sự phân chia trách nhiệm hợp lý giữa cơ quan từ cấp trên xuống cấp dưới sao cho quá trình thủ tục phê duyệt dự án đảm bảo nhanh gọn.
Trong các thủ tục giải ngân, vướng mắc nhiều nhất vẫn ở khâu xét duyệt các loại giấy tờ từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước. Mặc dù đã có nhiều cải cách hành chính nhưng thực tế, không phải cơ quan nào cũng thực hiện tốt những quy định được ban hành. Đề xuất hoàn thành thủ tục giải ngân thông qua việc hoàn thiện phương pháp thực hiện thủ tục đó nhờ hệ thống mạng máy tính là một đề xuất tích cực mang lại nhiều lợi ích. Thông qua hệ
thống mạng, các cơ quan có thể thực hiện các thủ tục dễ dàng và nhanh chóng, tạo điều kiện cho hồ sơ rút vốn được hoàn thiện sớm thông qua việc giảm bớt thời gian của chủ đầu tư cũng như giảm bớt những phiền hà từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước, Tuy nhiên để thực hiện được việc này đòi hỏi đội ngũ cán bộ cần có trình độ và khả năng sử dụng thành thạo các ứng dụng của khoa học công nghệ trong thực tiễn công việc hành chính. Đây là một vấn đề cấp thiết cần nhanh chóng thực hiện để rút ngắn thời gian xem xét, kiểm tra, góp phần đẩy nhanh quá trình giải ngân từ phía WB.
Đẩy nhanh việc giải ngân qua việc phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương chủ động quyết các dự án ODA cũng nên được thực hiện. Trao thêm quyền cho các chủ dự án hoặc củng cố mạnh mẽ việc tuân thủ khung thời gian cần thiết cho việc phê duyệt như quy định trong các văn bản pháp luật của Chính phủ. Ngoài ra cũng cần trao thêm quyền cho Ban quản lý dự án và thiết lập khung cho quy trình quyết định cho các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định.
Chính phủ và các Bộ, ban, ngành chức năng cần hoàn thiện và ban hành thêm các văn bản dưới luật nhằm hướng dẫn cụ thể, đảm bảo tính đồng bộ giữa các văn bản, thủ tục và phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy trình, thủ tục có liên quan đến giải ngân vốn ODA trong các văn bản pháp luật hiện hành.
Thủ tục đấu thầu cũng được đưa ra xem xét đơn giản hóa, tránh sự can thiệp từ bên ngoài. Cần phân cấp việc phê duyệt thiết kế chi tiết và tổng dự toán của các dự án sử dụng vốn ODA cho các cơ quan chủ quản của địa phương nhằm khắc phục tình trạng kéo dài thời gian phê duyệt các tài liệu như hiện nay. Các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thực hiện hài hòa thủ tục về thẩm định dự án, đấu thầu, thủ tục giải ngân giữa Việt Nam và WB nhằm giảm thời gian hoàn thành các thủ tục trên. Bên cạnh đó cũng
cần phải có những quy định cụ thể về những trường hợp bỏ thầu quá thấp hoặc cao hơn so với tổng dự toán được duyệt, trường hợp nào được tuyên bố trúng thầu, trường hợp nào không nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng thi công dự án sau đấu thầu.
Thứ hai, thực hiện hài hòa thủ tục giữa Chính phủ và nhà tài trợ
Việc thực hiện hài hòa thủ tục và quy định giữa Việt Nam và nhà tài trợ là một trong những giải pháp quan trọng nhất cần đẩy mạnh hơn trong thời gian tới để việc giải ngân được kịp thời, nhanh chóng. Các giải pháp cơ bản nhất để thực hiện hài hòa thủ tục với nhà tài trợ mà Việt Nam nên xem xét là:
Chính phủ phải có các quy định rõ ràng và công khai trong việc tiến hành thực hiện dự án ODA.
Các biện pháp tăng cường tính tự chủ của bên tiếp nhận tài trợ cần được thực hiện tích cực và nghiêm túc.
Các biện pháp, chính sách ở các cấp phải được thực hiện đồng bộ nhằm thúc đẩy việc tuân thủ và hài hòa giữa nhà tài trợ với các mục tiêu chiến lược của phía Việt Nam, tránh tình trạng “ trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
Cần có các biện pháp kĩ thuật nhằm thúc đẩy việc đơn giản hóa và hài hòa thủ tục. Các biện pháp này nên được đưa ra dựa trên những bất cập trong thủ tục hiện nay.
Ví dụ như trong vấn đề đấu thầu có một số vẫn đề sau: Theo quy trình của Việt Nam, để có thể lập tài liệu đấu thầu dự án phải lập thiết kế chi tiết và tổng dự toán công trình, trong khi đó quy trình của nhà tài trợ chỉ yều cầu có thiết kế chi tiết và dựa vào đó để lập tài liệu đấu thầu. Như vậy, thủ tục của phía Việt Nam rườm rà, phức tạp mất nhiều thời gian hơn. Do đó nên xem xét sửa đổi, giảm thiểu các công việc phải thực hiện để nhanh chóng lập tài liệu đấu thầu và đưa dự án vào thực hiện.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần phải xây dựng các biện pháp để đảm bảo quỹ dự phòng trượt giá và đảm bảo vấn đề vốn đối ứng cho dự án.