2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI
2.2.2 Kinh nghiệm dạy nghề cho người khuyết tật ở Việt Nam
Trong những năm qua, Nhà nước cũng đã có nhiều biện pháp xúc tiến việc làm cho NKT như ban hành và thực thi nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật, hỗ trợ cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT, thành lập Quỹ Quốc gia về việc làm. Đặc biệt, từ năm 2006, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên tổ chức các hội chợ việc làm, trong đó có khu vực dành riêng cho NKT với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề. Do vậy, người khuyết tật có nhiều cơ hội việc làm hơn và số lượng có việc làm đã tăng lên hàng năm. Theo thống kê, đến nay, cả nước có hơn 400 cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT và trên 15.000 lao động là người khuyết tật. Riêng Hội Người mù quản lý 146 cơ sở, với khoảng 4.000 người. Quỹ Quốc gia về việc làm đã giao cho Hội Người mù quản lý trên 31 tỷ đồng cho khoảng 13.000 hội viên vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và khoảng 65% số hộ có người khuyết tật được hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như miễn giảm thuế, hỗ trợ tín dụng ưu đãi, đất sản xuất…
Mặc dù trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng quan tâm tới công tác dạy nghề và tạo việc làm cho NKT song số lượng người được học nghề còn quá ít, tỷ lệ tìm được việc làm sau đào tạo nghề còn rất thấp và chủ yếu là tự tạo việc làm, số có thể tìm được việc làm trong các doanh nghiệp lớn hầu như không đáng kể. Theo đánh giá, chỉ có khoảng trên 12% tổng số NKT được học nghề. Trên thực tế, nhu cầu việc làm của đối tượng là rất lớn và hiện nay mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. Mặc khác, phần lớn những người khuyết tật có việc làm không ổn định, làm các công việc tạm thời, lao động chân tay, làm việc trong các tổ chức cơ sở mang tính nhân đạo, từ thiện. Rất ít người tìm được việc làm ổn định trong các cơ quan,
tổ chức, doanh nghiệp hoặc các công việc đòi hỏi kỹ năng, trình độ chuyên môn. Vì vậy, thu nhập của NKT cũng tương đối thấp, không ổn định.
Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của các cấp chính quyền về dạy nghề và tạo việc cho người khuyết tật còn chưa đầy đủ; hệ thống dạy nghề vừa yếu, vừa thiếu, chưa đủ khả năng đáp ứng công tác dạy nghề cho đối tượng. Thêm nữa, nội dung chương trình, ngành nghề và hình thức đào tạo cũng chưa hợp lý, kết cấu quá nặng về lý thuyết, thiếu thực hành, chưa có những giáo trình dành riêng cho NKT. Đội ngũ giáo viên dạy nghề cho NKT còn yếu cả về kiến thức, kỹ năng và nhận thức về các lĩnh vực kỹ thuật, sư phạm. Chưa có số liệu thống kê đánh giá, phân loại số NKT theo mức độ, dạng tật, theo khả năng lao động để giúp cho công tác dạy nghề phù hợp với khả năng học nghề, khả năng lao động, yêu cầu của nghề nghiệp trong tương lai. Các ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với thị trường lao động, chủ yếu đào tạo ngắn hạn, ở trình độ bậc thấp.
Mặt bằng trình độ văn hoá, chuyên môn kỹ thuật của NKT thấp và hạn chế, công thêm những rào cản xã hội như thái độ phân biệt, e ngại về chất lượng lao động, nhà xưởng, cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị không phù hợp… cũng là yếu tố hạn chế cơ hội việc làm của NKT. Hầu hết các doanh nghiệp chưa nhiệt tình khi nhận lao động là NKT vào làm việc với các lý do như pháp luật lao động quy định thời gian làm việc của đối tượng không quá 7 giờ/ngày, 42 giờ/tuần là không phù hợp với dây chuyền sản xuất. Trên thực tế, xét theo giác độ bình đẳng về cơ hội, quy định về thời gian làm việc này đã vô hình trung làm giảm cơ hội việc làm của NKT vì ảnh hưởng đến quy trình và năng suất lao động, đặc biệt là những cơ sở sản xuất theo phương thức dây chuyền, ca kíp.
Dịch vụ hỗ trợ việc làm cho NKT tập trung chủ yếu ở khâu dạy nghề và giới thiệu việc làm, trong khi khâu tư vấn nghề, hỗ trợ tại nơi làm việc, tạo ra các điều chỉnh hợp lý tại nơi làm việc còn hạn chế. Các đơn vị cung cấp dịch
vụ liên quan đến việc làm và phục hồi khả năng lao động cho NKT như các cơ sở dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm, đơn vị phục hồi chức năng, doanh nghiệp… chưa tạo được sự kết nối, hợp tác chặt chẽ do hiện nay nước ta vẫn chưa chính thức có chương trình phục hồi chức năng lao động cho NKT. Ví dụ như, các công nhân bị tai nạn lao động cần sự hỗ trợ phối hợp của bệnh viện, đơn vị giới thiệu việc làm, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề… để giúp NKT phục hồi khả năng lao động, quay trở lại công việc cũ hoặc chuyển đổi sang công việc mới phù hợp.
Số cơ sở dạy nghề ở nước ta đã tăng lên cả về số lượng, quy mô và chất lượng đào tạo, đồng thời công tác dạy nghề cho NKT từng bước được xã hội hoá với sự tham gia ngày càng nhiều của khu vực tư nhân. Tính đến nay, cả nước hiện có trên 256 cơ sở dạy nghề tham gia dạy nghề cho NKT, trong đó có 55 cơ sở dạy nghề chuyên biệt. Cùng với đó, hệ thống quản lý Nhà nước về dạy nghề được kiện toàn, các văn bản quy phạm pháp luật cũng đã quy định, các cơ sở dạy nghề dành riêng cho NKT được ưu tiên cấp địa điểm thuận lợi, hỗ trợ vốn, cấp kinh phí đào tạo, miễn giảm thuế, được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Đối với các cơ sở dạy nghề khác, khi nhận NKT vào học nghề, nâng cao trình độ tay nghề được ưu tiên đầu tư, bảo đảm định mức kinh phí đào tạo. Còn với bản thân NKT học nghề được xem xét cấp học bổng và trợ cấp xã hội, được miễn, giảm học phí căn cứ vào mức độ khuyết tật và suy giảm khả năng lao động.
Hàng năm, ngân sách Nhà nước đã dành hàng trăm tỷ đồng cho công tác dạy nghề cho NKT để đầu tư xây dựng cơ sở, hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn (năm 2007 là 156 tỷ đồng, năm 2008 là 165 tỷ đồng và năm 2009 là 183 tỷ đồng). Số lượng NKT được học nghề ngày càng tăng lên, năm 2009 là 9.338 người và năm 2010 là 4.359 người2. Đây là những nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước trong chăm sóc, dạy nghề cho NKT.
2.2.2.1 Nghệ An
Nghệ An là một trong những tỉnh có số lượng người khuyết tật nhiều nhất cả nước. Tuy nhiên, để người khuyết tật sớm vươn lên trong cuộc sống, đang rất cần những tấm lòng hảo tâm và sự chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng.
Tỉnh Nghệ An có 203.000 người khuyết tật các loại, trong đó có 30 - 40% số người khuyết tật có nhu cầu học nghề và mong muốn tìm được việc làm phù hợp với sức khoẻ và năng lực bản thân. Điều này cũng đồng nghĩa rằng cơ hội tìm việc làm phù hợp của người khuyết tật càng bị hạn chế. Trong khi đó, qua khảo sát thực tế, nhu cầu được học nghề của những người khuyết tật là rất lớn. Thế nhưng, trên thực tế, các cơ sở đào tạo nghề cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh còn rất thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề của chính những người khuyết tật.
Thực trạng khao khát được học nghề, được làm việc phù hợp với sức khoẻ, khả năng của những người khuyết tật là vấn đề nan giải đang đặt ra cho các cấp, hội liên quan cũng như ngành Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay. Hiện toàn tỉnh có 203.000 người khuyết tật các loại, trong đó có khoảng 70.000 người khuyết tật có thể làm việc mong muốn được học nghề và có nghề để tự lập. Song, hiện nay toàn tỉnh lại chỉ có duy nhất một cơ sở chuyên đào tạo nghề cho người khuyết tật đó là Trung tâm dạy nghề người tàn tật Nghệ An.
Bình quân mỗi năm, Trung tâm chỉ dạy nghề cho khoảng 200 - 250 người. Con số này là quá thấp so nhu cầu thực tế toàn tỉnh hiện nay. Trước thực trạng này, hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Nghệ An đang tiến hành khảo sát và xây dựng các giải pháp thực hiện.
2.2.2.2 Thái Bình
Thái Bình là một trong số ít các Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi của cả nước xây dựng được Trung tâm dạy nghề trực thuộc Hội. Bên cạnh công tác
bảo trợ, chăm sóc NKT, TMC, việc trực tiếp tham gia dạy nghề, tạo việc làm cho NKT đã góp phần trang bị cho họ những kiến thức cơ bản để học nghề cũng như làm nghề một cách an toàn. Thái Bình hiện có 10 vạn NKT, TMC đang sinh sống. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện cho NKT, TMC tham gia đầy đủ vào các hoạt động kinh tế, xã hội, lao động sản xuất, hòa nhập cộng đồng là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có Hội Bảo trợ NKT, TMC tỉnh. Các vấn đề của NKT, TMC luôn được Hội quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ, đặc biệt là công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT.
Được sự quan tâm của UBND tỉnh Thái Bình, năm 2009, Trung tâm dạy nghề cho NKT trực thuộc Hội Bảo trợ NKT, TMC tỉnh Thái Bình được khởi công xây dựng trên diện tích 3.214m2 ở phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình. Trung tâm gồm nhà 3 tầng cùng các công trình phụ trợ khác với tổng diện tích sàn gần 1.300m2 gồm 5 phòng học nghề, phòng họp, hội trường, phòng làm việc của cán bộ, nhà ở học viên, nhà ăn và các công trình phụ trợ khác. Trung tâm chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2009 với tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản được UBND tỉnh Thái Bình hỗ trợ là hơn 4 tỷ đồng và 250 triệu đồng để mua sắm thiết bị dạy nghề.
Trung tâm thực hiện dạy nghề từ 3 nguồn: Chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm, chương trình do Trung ương Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi và do UBND tỉnh hỗ trợ. Chỉ tính từ năm 2009 đến nay, Trung tâm đã trực tiếp và liên kết với các cơ sở ở cộng đồng dạy nghề cho 1.154 NKT. Bên cạnh đó, mạng lưới dạy nghề cho NKT tại Thái Bình ngày càng phát triển mạnh về cả bề rộng và chiều sâu. Hiện toàn tỉnh có 50 cơ sở tham gia dạy nghề và tạo việc làm cho NKT là hội viên tập thể của Hội, trong đó có 12 cơ sở được Sở LĐ-TB&XH cấp giấy chứng nhận là cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho NKT.
Ngoài dạy nghề, tỉnh Hội phối hợp cùng Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức thành công 2 Hội thi Bàn tay vàng dành riêng cho NKT. Thông qua cuộc
thi đã mang đến thông điệp cho những NKT còn khả năng lao động là không có việc gì là không làm được nếu có nghị lực và lòng quyết tâm cao. Các đối tượng tham gia dù có nhiều dạng tật khác nhau, nhưng nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, hướng dẫn nên Hội thi đã diễn ra an toàn, đạt kết quả tốt. Trong thời gian tới, tỉnh Hội sẽ tiếp tục tổ chức Hội thi lần thứ III.
Mục tiêu của tỉnh Hội Thái Bình trong 5 năm tới sẽ phấn đấu dạy nghề cho từ 2.500 - 3.000 NKT. Trong đó Trung tâm dạy nghề cho NKT trực thuộc tỉnh Hội đào tạo cho từ 700 - 1.000 NKT. Để làm được điều đó, tỉnh Hội xác định sẽ phải phối kết hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để tổ chức thực hiện công tác dạy nghề, nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao nhận thức cho mọi người về vai trò và vị trí của việc học nghề và dạy nghề cho NKT. Chuẩn hóa số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề, trang bị đầy đủ kiến thức để họ có thể dạy nghề và học nghề một cách an toàn, hiệu quả.