4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.2.2 Bản thân người khuyết tật
Một trong những rào cản với người khuyết tật khi tham gia học nghề, tìm việc làm là do nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, trình độ thấp nên dù có chính sách hỗ trợ nhưng họ vẫn không thể tự đảm bảo các chi phí cần thiết cho việc học nghề và tạo việc làm. Bên cạnh đó, các cơ sở chủ yếu dạy nghề đơn giản, truyền thống cho người khuyết tật nên đầu ra để tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn. Giáo dục đóng vai trò quyết định đối với người khuyết tật. Giáo dục là con đường giúp họ phát triển tối đa khả năng cũng như tiềm năng cá nhân, để từ đó họ được sống với chân giá trị của mình và có ích cho xã hội. Quyền được giáo dục phải được dựa trên cơ sở bình đẳng cơ hội, không phân biệt đối xử thông qua giáo dục hòa nhập thân thiện ở các cấp học, trình độ đào tạo và học tập suốt đời.
Giáo dục hòa nhập được coi là một biện pháp chủ chốt nhằm thực hiện giáo dục cho mọi người. Việt Nam đã có khung luật pháp trong việc hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật trong hơn một thập kỷ qua. Quốc hội đã ban hành Luật Người khuyết tật tháng 6 năm 2010; Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia giáo dục cho mọi người giai đoạn 2003 - 2020; Các Bộ, ngành đã ban hành 02 Thông tư quan trọng: Thông tư liên tịch số 58/2012/TTLT-BGDĐT- BLĐTBXH ngày 31/12/2012 Quy định về điều kiện, thủ tục thành lập, hoạt động, tổ chức lại, giải thể Trung tâm Hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập và Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC ngày 28/12/2013 Quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật.
Các văn bản trên là cơ sở pháp lý để thực hiện những chính sách hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận các cơ hội học tập ở nhiều cấp học và trình độ đào tạo; ưu đãi đối với nhà giáo, cán bộ quản lý tham gia chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành một số văn bản quy định về can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật. Hàng năm, trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ các năm học đều có nội dung về giáo dục người khuyết tật; hướng dẫn ưu tiên tuyển sinh cao đẳng, đại học đối với học sinh khuyết tật.
Trung tâm dạy nghề phục hồi chức năng người tàn tật tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện giáo dục về văn hóa, thể chất và nghề nghiệp cho người khuyết tật. Tuy nhiên, công tác dạy nghề được chú trọng với thời lượng lớn. Vì vậy, khi vào học nghề tại Trung tâm đòi hỏi người khuyết tật phải có một trình độ văn hóa nhất định. Điều này, đòi hỏi học viên có khả năng đọc, hiểu nội dung những chương trình dạy nghề. Nhìn chung về thể chất thì NKT đều rất yếu, giảm từ 40 – 80% sức lao động, có những NKT mất hoàn toàn khả năng nghe, nhìn,... Đây là những khó khăn, gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy nghề cho NKT tại Trung tâm. Như vậy, bên cạnh những yêu cầu nâng cao chất lượng dạy nghề tại Trung tâm, tập trung vào các vấn đề cơ sở hạ tầng, đội ngũ chất lượng nguồn nhân lực thực hiện đào tạo thì việc nâng cao chất lượng NKT, đặc biệt là giáo dục về văn hóa đóng vai trò quan trọng.
Bảng 4.10 Chất lượng học viên khuyết tật tại Trung tâm Dạy nghề phục hồi chức năng người tàn tật tỉnh Bắc Ninh
Nội Dung Số lượng
(Người) Tỷ lệ (%) Tổng số 60 100.00 1. Trình độ văn hóa - Cấp 1 43 71.67 - Cấp 2 17 28.33 - Cấp 3 0 0.00 2. Tuổi - Dưới 15 tuổi 19 31.67 - Từ 15 - 25 tuổi 26 43.33 - Từ 25 - 35 tuổi 12 20.00 - Trên 35 tuổi 3 5.00 3. Mất sức lao động - Dưới 40% 23 38.33 - Từ 40 - 60% 19 31.67 - Trên 60% 18 30.00
Nguồn: Tổng hợp số liệu điều tra, 2014
Theo số liệu điều tra của tác giả cho thấy, có đến 71,67% số học viên NKT tại Trung tâm có trình độ văn hóa cấp tiểu học. Như vậy, có thể nói trình độ văn hóa của NKT hiện nay rất thấp, họ gặp khó khăn trong học lên cao. Khi mà xã hội chưa có những cơ sở vật chất, trường học đặc thù giành riêng cho NKT thì họ còn gặp rất nhiều khó khăn. Cá biệt có nhiều trường hợp NKT đến Trung tâm xin học nghề mà còn chưa biết chữ. Vì vậy, việc giáo dục văn hóa ở Trung tâm lại trở nên rất quan trọng, thời gian tập trung cho học nghề là khác nhau với mỗi trình độ của học viên. Ban ngành, địa phương và các cơ quan tổ chức có liên quan cần thiết phải quan tâm tới NKT hơn nữa, nâng cao giáo dục trình độ văn hóa cho NKT.
Hiện nay, học viên NKT đang theo học tại Trung tâm tập trung ở độ tuổi dưới 35 tuổi. Trong đó nhiều nhất là nhóm tuổi từ 15 – 25 tuổi (chiếm 43,33%), tiếp theo là nhóm tuổi dưới 15 tuổi và từ 25 – 35 tuổi. Như vậy, có thể thấy họ đều ở trong nhóm tuổi lao động, nhưng do chưa có nghề nghiệp
hoặc sự hướng nghiệp và chưa được đào tạo nghề chính quy. Vì vậy họ không biết mình có thể làm tốt việc gì và không có tay nghề vững vàng ở một lĩnh vực nào cả. Điều này cũng đồng nghĩa rằng cơ hội tìm việc làm phù hợp của người khuyết tật càng bị hạn chế. Trong khi đó, qua khảo sát thực tế, nhu cầu được học nghề của những người khuyết tật là rất lớn. Thực trạng khao khát được học nghề, được làm việc phù hợp với sức khoẻ, khả năng của những người khuyết tật là vấn đề nan giải đang đặt ra cho các cấp, hội liên quan cũng như ngành lao động thương binh xã hội hiện nay.
Tất cả những NKT tham gia học nghề tại trung tâm đều thuộc diện mất sức lao động, nhiều người mất sức lao động đến 80%. Đây là những khó khăn vô cùng lớn khi họ bị mất khả năng lao động ở một số bộ phận như: cụt chi, liệt chi, mù, câm, điếc... Những khó khăn đòi hỏi NKT phải có nghị lực lớn mới có thể học nghề bình thường. Có nhiều người khuyết tật bẩm sinh nhưng cũng có thể do tai nạn, bệnh tật, tai biến mà sinh ra. Họ luôn có suy nghĩ không thể sống phụ thuộc mãi vào gia đình, xã hội. Họ quyết tâm học nghề để có khả năng kiếm sống, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.