Hát sắc bùa ( cồng chiêng Mường)

Một phần của tài liệu đặc trưng văn hoá tộc người mường (Trang 86 - 87)

2. 1.3 Xu hướng xa gốc trong sáng tạo văn học nghệ thuật các dân tộc

2.2.2.1Hát sắc bùa ( cồng chiêng Mường)

Hát sắc bùa của người Muờng rất được ưa chuộng. Phường bùa mỗi người có một cái cồng, vừa đi vừa hát trong các dịp tết, cưới xin, hội hè.

Sắc bùa còn gọi là xéc bùa hay là xéc vùa-có nghĩa là xách cồng chiêng đi hát của các phường bùa. Đây là hội cầu người yên, vật thịnh của người Mường. Bộ cồng chiêng tham gia ngày hội phải đủ bộ: 4 chiêng dóng, 2-4 chiêng giàm, 3 chiêng đúc, 2 chiêng thau và 1 thanh la. Nếu đánh từng chiếc riêng lẻ thì gọi là đánh cồng chiêng.

Phường bùa là tổ chức hát sắc bùa, biết đánh cồng chiêng và hát những bài thường (điệu hát dân gian Mường), số lượng từ 12 người trở lên. Thời gian tổ chức hội từ mùng hai Tết trở đi, kéo dài một tuần lễ, có khi đến nửa tháng. Phường bùa do một thầy thường, người có giọng hát hay và có tài ứng tác làm trưởng nhóm. Từ sáng sớm, cả phường tập trung tại nhà để cồng chiêng. Con gái mặt áo chùng đen, bên trong là áo không cài cúc, trong nữa là yếm xanh hoặc đỏ, mặc váy chàm có bộ cạp váy thêu dệt hoa văn rồng, đầu quấn khăn trắng. Con trai mặc áo choàng ngắn, quần trắng, đầu quấn khăn nhiễu.

Phường bùa tùy hứng mà chọn hướng xuất phát, có thể đến nhà của làng khác, không nhất thiết là nhà của làng trong phường. Phường bùa xếp theo hàng dọc gồm: 4 người mang chiêng dóng dẫn đầu, tiếp đến là những người mang chiêng giàm, chiêng đúc, chiêng thau và thanh la. Thầy thường đi đầu dàn cồng chiêng, đi sau cùng là hai người khiêng thùng đựng gạo.

Trước khi xuất hành, thầy thường đọc lời xuất phát. Phường bùa vừa đi, vừa đánh những bài cồng chiêng khác nhau. Tiếng cồng chiêng vang lên, khởi sắc trong giây phút đầu ngày hội. Không gian âm nhạc của các điệu cồng chiêng cổ truyền chuyển động theo đường mòn trong làng. Phường bùa đi đến đâu là hàng trăm người dân đi theo xem thật đông vui. Khi vào cổng nhà ai, thầy thường đánh cồng chiêng lên, cả phường vào sân, xếp vòng tròn theo thứ tự, xong phường đập cồng chiêng 6 lần (3 lần lên, 3 lần xuống). Thầy thường hát bài chúc “phát rác”, theo lối ứng khẩu ca ngợi gia cảnh, chúc gia chủ một năm mới tốt đẹp, an khang, thịnh vượng. Chủ nhà đứng đầu cầu thang chăm chú nghe. Nếu không muốn phường bùa vào nhà để nghe hát bình thường thì chủ nhà trao cho thầy một thúng thóc. Thầy đọc bài “phát rác” tạ ơn, rồi cả phường bùa ra tiếp tục đến các nhà khác.

Trường hợp chủ nhà muốn nghe phường bùa hát bài thường thì mang ra một chiếc mâm cỗ gồm có rượu, gạo, trầu cau và nén hương để mời thầy vào nhà. Chủ nhà và thầy thường bắt đầu hát đối đáp để thử tài nhau. Khi phường bùa hát kém, có thể bị “giam” dưới sân. Nếu phường hát thắng thì có thể rút lui êm thắm hoặc lên nhà hát tiếp. Lúc bấy giờ, thầy hát bài thường xin lên nhà và chủ nhà hát bài thường mời. Khi vào gian nhà dành cho khách, cồng chiêng được xếp vào một gốc theo cách để ngửa.

Chủ nhà và thầy thường ngồi đối diện nhau, cả nhà và các cô gái của gia chủ đều tham gia hát đối tiếp.

Một tiệc rượu được chủ nhà dọn lên để thết đãi phường bùa. Sau đó gia đình nào muốn phường bùa ở lại dùng cơm thì dọn cỗ. Xong bữa cơm là hát giao duyên, có các cô gái trẻ. Các cô thường hát đối đáp, tỏ tình, thề ước. Chủ nhà trao quà cho phường bùa trước khi chia tay.

Hát sắc bùa là một phong tục gắn với mùa xuân người Mường, với đất Mường, làm đẹp cho bản Mường mỗi độ xuân về, Tết đến.

Một phần của tài liệu đặc trưng văn hoá tộc người mường (Trang 86 - 87)