Những nghi lễ trong và sau khi sinh

Một phần của tài liệu đặc trưng văn hoá tộc người mường (Trang 74 - 78)

Khi sinh con, sản phụ được để ngồi, tay bám vào một sợi dây buộc từ trên quá giang nhà thòng xuống do người chồng chuẩn bị từ trước. Mẹ chồng đỡ đẻ cho con dâu, cũng có thể là mẹ đẻ hoặc bà đỡ làm công việc này.

Đối với người Mường, khi một đứa trẻ ra đời việc cắt rốn và chôn nhau cho nó là một việc làm rất có ý nghĩa. Vì đây là những thứ có liên quan tới số phận của đứa trẻ trong suốt cuộc đời. Vì vậy họ phải theo những tục lệ mà ông cha truyền lại, ngày nay khi mà người ta đi đẻ ở bệnh viện hay trạm xá thì họ vẫn mang nhau thai của đứa trẻ về và làm theo cách cổ truyền.

Sau khi đứa bé ra đời, người ta dùng một thanh nứa làm dao để cắt rốn, thanh nứa được lấy từ đầu chiếc dui trên mái nhà. Nếu đẻ con trai thì dao nứa được lấy từ mái nhà đằng trước, con gái thì được lấy ở mái nhà đằng sau (có sự khác biệt này là do trong quan niệm của người Mường, cũng như trong sinh hoạt hằng ngày, gian đằng trước chỉ dành riêng cho nam giới trong nhà còn gian đằng sau mới là nơi dành cho phụ nữ). Khi cắt rốn xong thanh nứa này lại được dắt lên mái nhà. Nhau thai được bỏ vào một ống bương đậy thật kín và giao cho người chồng hoặc mẹ chồng mang treo lên một cành cây cổ thụ trong rừng, ở một nơi vắng vẻ không có người qua lại, tránh không cho người lạ nhìn thấy. Khi cuống rốn rụng, người ta đem gài lên mái gianh ngay chỗ cầu thang lên xuống. Tất cả những hành động trên là nhắm giữ vía cho đứa trẻ trên được khỏe mạnh, mau ăn chóng lớn, tránh các điều dữ.

Đứa bé sau khi sinh không được đưa cho mẹ nó ngay mà sẽ được tắm rữa sạch sẽ. Sau đó được đặt vào trong một cái nia, trong nia lót một tàu lá chuối đã hơ qua lửa mà người Mường ở đây gọi là “Rùng cóong”. Nếu đứa trẻ là gái người ta lấy một cái hông đồ xôi bằng gỗ đặt bên cạnh cái nia vừa gõ vào cái hông đồ xôi và nói “hỡi con gái dậy mà kéo tơ, chăn tằm, dệt vải”. Nếu là con trai người ta lấy chiếc chài đánh cá cũ đặt cạnh cái nia rồi đập xuống sàn nhà nói “hỡi con trai dậy mà đi kéo chài kiếm cá”. Gọi và đập như thế vài ba lần cho tời khi đứa trẻ khóc thật to họ mới bế nó dậy, mặc áo quấn tã và trao cho bà mẹ cho nó bú.

* Lễ thả ổ (ra cữ)

Cữ là một thời gian định lượng là bày ngày (đối với con trai) hoặc chín ngày (đối với con gái). Lễ thả ổ thường được tổ chức trước một ngày tức là ngày thứ sáu đối với con trai và thứ tám đối với con gái. Khi đứa bé ra đời đủ thời gian nói trên người ta gọi là đầy cữ và sẽ tổ chức lễ thả ổ. Lễ ra cữ hay còn gọi là thả ổ này thật ra là một nghi lễ nhằm tạ ơn vua bếp và tạ ơn các bà mụ. Lễ vật gồm có: một con lợn nhỏ (khoảng 25 kg) để cúng vua bếp và bảy hoặc chín bát nước thuốc để cúng

các bà mụ, ngoài ra ở Mỹ Lương người ta còn có các lễ vật khác như bánh tò te, cơm lam, thịt, cơm tẻ cũng đều làm thành bảy hoặc chín phần tùy thuộc vào việc đứa trẻ là con trai hay con gái. Trong lễ này, gia đình mời thầy mo hoặc thầy đồng về nhà làm lễ. Thay mặt cho đứa trẻ và gia đình, ông thầy mo sẽ gọi vía, vua bếp và các bà mụ về chứng kiến lòng thành của gia đình và cầu cho đứa trẻ ăn ngoan chóng lớn, tránh được các điều xấu xa, tránh bị ma qủy quấy phá và cảm ơn các bà mụ đã có công “nặn” nên bé, cảm ơn vua bếp trong thời gian qua. Sau khi lễ cúng diễn ra, bà mẹ sẽ ăn mỗi thứ một ít, sẽ uống mỗi bát thuốc một ngụm để cầu cho con mạnh khỏe, chóng lớn, ngoan ngoãn. Trong lễ này còn có một thứ rất quan trọng đó là một sợi chỉ đỏ, ông thầy mo sẽ yểm bùa chú lên đó rồi buộc vào tay đứa trẻ, con trai thì bảy vòng con gái thì chín vòng.

Cũng trong ngày hôm đó gia đình đứa trẻ sẽ mổ một con gà mái tơ, luộc chín rồi dùng tay xé thịt, sau đó cho vào xoong, kho với gừng và nghệ để vào trong ống nứa cho sản phụ ăn dần.

* Lễ “thay ma cữ”

Thay ma cữ là một lễ rất độc đáo của người Mường mà chúng ta không thấy ở một dân tộc nào khác có nghi lễ tương tự, nghi lễ này được tổ chức sau lễ thả ổ một ngày. Lễ này được tổ chức với ý nghĩa cho đứa bé ra mắt họ hàng, xóm Mường cũng có các vị thần linh để cho đứa trẻ chính thức nhập vào thế giới trần gian. Từ khi đứa bé ra đời, người nhà đã chuẩn bị cho nghi lễ này. Người ta lập một bàn thờ riêng để tạ ơn các bà mụ. Trên bàn thờ ngoài hoa quả, bánh ốc (một thứ bánh được gói bằng bột nếp và lá bông chít), bánh trôi nước, chín hoặc bảy quả trứng gà, quần áo, giày dép bằng vàng mã để sau khi cúng thì đốt vía gửi theo ma cữ và một khung bếp (hình vuông, mỗi cạnh dài từ 1 đến 1,5m. Bên trong khung bếp đặt ván sàn và trên đó đổ đầy đất để bắc kiềng đun bếp).

Nếu trong lễ thả ổ vai trò của thầy cúng rất quan trọng bên cạnh gia đình đứa trẻ thì đối với nghi lễ này vai trò của những người được mời tham dự là không thể thiếu. Sau khi đã hưởng lộc xong thì người mẹ bế đứa trẻ đi ra gian ngoài. Ở đây người ta bố trí sẵn một người phụ nữ nết na có đủ con trai, con gái đón đứa bé từ tay mẹ để cầu lộc cho nó. Trong khi đó bố đứa bé tự tay tháo bếp cữ chuyển ra ngoài rử sạch sau đó đem cất vào một nơi kín đáo. Sau đó đứa bé được chuyển

sang tay một cô bé mạnh khỏe, ngoan ngoãn, thông minh, là anh em trong họ dưới sự quan tâm của tất cả những người có mặt.

Tục lệ thay ma cữ là một trong những nghi lễ quan trọng trong vòng đời của người Mường. Vì vậy sự tham dự của các thành viên trong cộng đồng, gia tộc nhất là của các em bé 12 đến 13 tuổi (lớn hơn đứa bé một giáp) là cực kì quan trọng. Các em lớn tuổi đó có sứ mạng là dìu dắt em bé vào đời một cách mạnh khỏe và thành đạt. Đồng thời với nghi lễ này tất cả các vị thần linh đều được chứng giám và phù hộ cho em bé nên người.

* Lễ đầy tháng và đặt tên cho trẻ

Lễ đầy tháng hay còn gọi là lễ “ăn mừng thôn”. Lễ này cũng gần giống như lễ ra cữ và để mừng bé đã vượt qua một giai đoạn nữa của sự trưởng thành. Trong lễ cúng đầy tháng cho trẻ, người ta cũng cúng các bà mụ, thổ công và cúng gia tiên. Lễ vật cho cúng đầy tháng gồm: Một con lợn, một con gà trống, một bình rượu cần do gia đình tự làm. Khi khách mời đã tới đông đủ, người ta bắt đầu làm lễ cúng, em bé được tổ chức đầy tháng là trung tâm cảu buổi lễ. Mẹ của em bế em ra trước bàn thờ tổ tiên, sau đó người ta sẽ tổ chức dâng hương lên tổ tiên cũng như các bà mụ. Trong lễ này người ta cũng cúng cả thổ công của gia đình vốn được lập một bàn thờ riêng ở ngoài trời. Người chủ lễ khấn mời các vị về hưởng lộc và phù hộ cho cháu bé, tránh các thứ tà ma quỷ quái để cháu được khỏe mạnh và ngoan ngoãn.Ông bà cha mẹ sẽ trao vòng bạc cho cháu. Nhà nào giàu có thì có thể tặng cho cháu vòng bằng vàng.

Đối với người Mường ngày lễ đầy tháng cũng chính là ngày lễ đặt tên cho trẻ. Theo phong tục thì ông bà nội sẽ là người đặt tên cho trẻ. Trong lễ đặt tên, ngoài các lễ mặn là: Xôi, gà, thịt lợn thì có các vật dụng thường ngày như: Một cái gương, lược, một con dao để tránh bệnh tật; một bát nước để tránh bị ngã nước; một chén nước trà để tránh bị ngộ độc. Sau khi đã chọn được một cái tên phù hợp cho trẻ (họ đặt tên cháu tránh việc cùng tên với những người anh em thân thích thuộc họ hàng hai bên nội ngoại). Bố đứa trẻ hoặc ông nội đứa trẻ sẽ dâng hương để báo với tổ tiên, thánh thần rằng đứa trẻ đã có tên chính thức và từ đó gia đình sẽ gọi tên đứa trẻ theo tên này, (trước đó họ gọi đứa bé đó theo tên mụ như con trai thì gọi là thằng cu, con gái thì gọi là cái cún, cái đĩ, cái đẹn... tên mụ cho trẻ con thường là những cái tên xấu xí để cho ma quỷ không nhòm ngó và quấy phá.

Chương 2: Văn hoá nghệ thuật của người Mường (Nguyễn Thị Thảo) 2.1: Khái quát hình thành văn hoá nhệ thuật của người Mường

Một phần của tài liệu đặc trưng văn hoá tộc người mường (Trang 74 - 78)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(116 trang)
w