Theo tục lệ của người Mường, khi người phụ nữ mang thai họ vẫn đi làm bình thường nhưng tránh làm các công việc nặng nhọc và không được với tay quá cao.
Người thai phụ phải giữ cho tinh thần luôn được thoải mái, vui vẻ, tránh việc nóng giận hoặc các cảnh tượng hãi hùng, tang thương nếu không sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi và tới đứa trẻ sau này.
Khi người phụ nữ mang thai họ phải tránh các loại quả sinh đôi không được ăn để đứa trẻ sinh ra không bị kết dính có nghĩa là sinh đôi, tránh ăn thịt các con vật đã chết vì sợ khi sinh sản phụ sẽ bị thiếu máu và băng huyết, không ăn các loại ốc, hến, trai, sò vì sợ đứa trẻ sinh ra nhiều dãi dớt. Người thai phụ không được uống nước đựng trong ống bương mà bị chặt vát đầu vì sợ đứa trẻ sinh ra bị sứt môi.
Bên cạnh những sự kiêng kỵ trong ăn uống thì thai phụ cần phải tránh: Thấy rắn không được đánh nếu không lưỡi đứa trẻ sẽ bị thè ra. Tránh dẫm chân lên vỏ cây làm quan tài vì dễ bị sẩy thai, khi đi qua ngĩa địa hay cửa đình phải dắt lá cây vào người để trừ tà. Đặc biệt phải tránh các đăm tang và cả đám cưới vì đi đến đám tang có thể ảnh hưởng xấu tới hai mẹ còn, còn đến đám cưới sẽ ảnh hưởng xấu tới đôi vợ chồng trẻ và gia đình họ… Vào mùa cấy, người phụ nữ có thai không được xuống cấy trước vì sợ thai nghén. Để việc sinh đẻ được dễ dàng thì vào mỗi buổi sáng sớm người thai phụ phải là người dậy sớm nhất vầ đi mở tất cả các cửa lớn, nhỏ trong nhà.
Theo quan niệm của người Mường, thân thể người phụ nữ có thai không được sạch sẽ vì vậy họ phải tránh tham gia vào các lễ hội của xóm làng cũng như tất cả các nghi lễ tôn giáo khác. Vì nếu họ tham gia thì thánh thần sẽ không hài lòng, không phù hộ thậm chí còn có thể mang tới tai họa cho cả làng. Khi người vợ mang thai thì người chồng của cô ta cũng phải có một số điều kiêng kỵ nhất định. Khi trong làng có đám tang người chồng được tham gia nhưng không được tham gia vào việc khiêng quan tài, không được lợp mái nhà vì sợ gây rủi do cho thai nhi và người mẹ sẽ khó sinh khi lâm bồn.