* Quản lý và kiểm soát các ngân hàng thương mại tốt và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, có cơ chế, chế tài mạnh đối với các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh.
* Tổ chức trung tâm phòng ngừa rủi ro một cách thích hợp.
Ngân hàng Nhà nước cần nâng cao hơn nữa hiệu quả của hệ thống thông tin phòng ngừa rủi ro tín dụng. Trung tâm thông tin phòng ngừa rủi ro tín dụng (CIC) của Ngân hàng Nhà nước đã đi vào hoạt động được nhiều năm song chưa thực sự mang lại được hiệu quả cao, thông tin chưa được cập nhật kịp thời và chưa được phong phú. Do vậy các ngân hàng chưa khai thác được thông tin cần thiết từ nguồn này. Để phát huy được triệt để vai trò của Trung tâm thông tin thì trung tâm cần tích cực thu thập, khai thác thông tin từ nhiều nguồn từ phía khách hàng cũng như từ các ngân hàng để cập nhật lên hệ thống, đồng thời có những cảnh báo về khách hàng có vấn đề cho các ngân hàng.
* Cần có quy định thống nhất trong việc xử lý tài sản thế chấp- quy trình chuẩn của việc xử lý tài sản, hướng dẫn cách tác nghiệp đối với các cơ quan và hỗ trợ trong việc xử lý tài sản cũng như các khoản nợ khó đòi.
Việc xử lý tài sản hiện tại là tự phát của các ngân hàng thương mại, từ thực tế kinh doanh các ngân hàng dần hoàn thiện các cơ quan chức năng trong nội bộ về việc xử lý hoặc khai thác tài sản. Việc xử lý tài sản thực tế là không đơn giản, chủ yếu liên quan đến phần pháp lý và liên quan đến khách hàng quá
hạn không hợp tác. Hiện tại Ngân hàng Quân đội đã có Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC), đây là đơn vị có nhiệm vụ chủ yếu là khai thác tài sản và thu nợ những khoản nợ khó đòi từ Ngân hàng.
Ngân hàng nhà nước nên đưa ra mô hình chuẩn các chức năng kinh doanh ngân hàng và yêu cầu các ngân hàng phải có các bộ phận, cơ quan chuyên trách các vấn đề đó, đồng thời ngân hàng nhà nước cũng hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong việc cảnh báo rủi ro cũng như xử lý các khoản nợ khó đòi.
* Cần hoàn thiện cơ chế về trích lập rủi ro.
Trích lập dự phòng rủi ro là cần thiết, tuy nhiên việc trích lập không nên cứng nhắc trong suốt quá trình kinh doanh. Nên xây dựng tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro một cách linh hoạt, căn cứ vào tình hình thị trường, điều kiện kinh tế và tình hình hoạt động của ngân hàng để đưa ra tỷ lệ trích lập từng thời kỳ cho phù hợp.
Trong năm 2008, 2009 ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn, do lo sợ rủi ro về thanh khoản, ngân hàng nhà nước đã yêu cầu nâng tỷ lệ an toàn vốn của các tổ chức tín dụng từ 8% lên 9% (Thông tư số 13/TT-NHNN ngày 20/5/2010 được áp dụng từ ngày 25/05/2010), cũng trong giai đoạn này các khoản nợ quá hạn phát sinh nhiều nên trích lập dự phòng cũng tăng, do đó các ngân hàng liên tục bị áp lực từ kinh doanh.
Sau khi đã trích lập dự phòng, nếu ngân hàng thu hồi được các khoản nợ xấu (đối với trường hợp trích lập dự phòng cụ thể) hoặc giảm dư nợ (đối với trường hợp trích lập dự phòng chung), đề xuất Ngân hàng nhà nước cho được hoàn nhập ngay các khoản đã trích.