Tín ngưỡng thờ thủy thần

Một phần của tài liệu hoạt động giao thương trên sông cầu thời cận đại (Trang 71 - 77)

6. Cấu trúc của đề tài

3.1.1. Tín ngưỡng thờ thủy thần

Theo tác giả Ngô Đức Thịnh “Yếu tố nước hầu như có mặt trong tất cả

các loại hình tín ngưỡng cơ bản. Từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên (gia tộc, dòng họ, quốc gia), tô tem giáo đến tín ngưỡng cán nhân xoay quanh vòng đời con người; từ tín ngưỡng nghề nghiệp đến tín ngưỡng thờ thần người ta đều nhận thấy sự xuất hiện của yếu tố nước. Cơ sở của sự bao trùm này có lẽ là quan niệm: nước là nguồn mạch vũ trụ, liên kết các tầng thế giới. Bằng quan sát và kinh nghiệm, người ta nhận thấy, nước được ban từ trên trời xuống mặt đất và các con sông. Ở phía dưới đáy các con sông là tầng thứ ba của thế giới, tầng của thuỷ thần và cõi âm. Linh hồn của con người và muôn vật đi qua chín suối về đến cõi này, chờ được siêu độ lên thiên giới để rồi lại theo nước tái sinh xuống trần gian. Đường đi của linh hồn trùng với đường đi của nước, cũng từ trời xuống đất, đến sông và ngược lại, Trời sai thần Mây đi hút nước sông, làm mưa xuống cho hạ giới”, [57,tr.98].

Trong số các tín ngưỡng thờ thần ở xứ Bắc, nổi bật nhất là tục thờ thần Nước còn gọi là tục thờ Thuỷ thần. Xuất phát từ quan niệm vạn vật hữu linh, thờ thủy thần là một tục thờ có sớm và phổ biến ở các vùng có địa bàn sông . Nghiên cứu truyền thuyết về các vị thần được thờ trong các đình, đền ở đồng bằng ven sông , lễ hội rước nước, tục thờ các vị thần này thì thấy dấu vết về tục thờ thủy thần khá đậm nét.

Tín ngưỡng này được thể hiện rõ ngay cả trong ngày giỗ chạp, một lễ vật bắt buộc phải có để con cháu dâng lên bàn thờ là chén nước. Nước, ngoài ý nghĩa là yếu tố phổ biến, dễ tìm, nên nếu được coi là lễ vật bắt buộc sẽ không cản trở thành tâm của cháu con khi bái ơn tiên tổ, thì nó luôn được coi là thứ sạch sẽ và quý báu. Con cháu dâng những lễ vật quý nhất lên ông bà cũng là hợp với quy tắc biện lễ. Đồng thời, trong ngày giỗ, con cháu vẫn giữ tục hoá vàng với hy vọng báo đáp cho người cõi âm một cuộc sống đầy đủ. Nghi thức hoá vàng thường được thực hiện trên nền đất. Khi vàng mã được hoá, lửa cháy lên, người ta đổ rượu vào để cho nước ngấm xuống, khép kín

vòng tròn giao tiếp: đất- lửa- nước. Chỉ khi nước ngấm xuống đất, người ta mới yên tâm rằng: nước mang theo lời khẩn nguyện của con cháu đã thấu được tới cõi âm, người âm đã nhận được lễ vật từ tâm họ.

Nghi thức thờ cúng tổ tiên theo nghĩa rộng hơn là phụng thờ thuỷ tổ của cả dân tộc dưới hình thức tôtem cũng ghi đậm dấu ấn của yếu tố nước. Cố giáo sư Trần Quốc Vượng đã có một khái quát rất đặc biệt về các biểu tượng vật tổ của người Việt dựa trên nền tảng của phương pháp nghiên cứu địa - văn hoá : “nếu Mê Linh là bộ lạc Chim, Long Biên là bộ lạc Rồng thì có thể Tây

Vu là bộ lạc Rùa. Chim- Rồng- Rùa vừa là tổ tiên thần thoại, vừa là anh hùng khai hoá, vừa là biểu trưng biểu tượng của các bộ lạc đó…Ban đầu bộ lạc Chim và Rồng là hai bộ lạc lớn, bình đẳng. Về sau, ưu thế thuộc về bộ lạc Chim, với thủ lĩnh là các vua Hùng. Có thể xem đó là ưu thế của vùng chân núi, vùng ráp gianh đối với vùng hạ bạn, ưu thế của bộ lạc làm nghề nông với bộ lạc còn gắn nhiều với sông nước buổi đầu thời đại đồng thau. Về sau, khi ưu thế của bộ lạc Chim của các vua Hùng suy thoái thì nổi bật lên hàng đầu của lịch sử Việt Nam cổ đại là ưu thế của bộ lạc Rùa hay đúng hơn là bộ lạc Tây Âu vốn chiếm cứ cả một miền giàu khoáng sản ở Việt Bắc và lấn chiếm cả một miền đồng bằng cao ráo của xứ Bắc có lẽ xưa kia vốn là của bộ lạc Chim- Rồng”, [63]. Những vật tổ đại diện cho vùng sông nước đã có xu thế

ảnh hưởng mạnh hơn khi người Việt tiến sâu xuống đồng bằng. Hình ảnh cha Rồng và con Rùa lưỡng tính có vẻ in dấu ấn đậm hơn trong tín ngưỡng thờ vật tổ đã chứng minh vai trò chi phối đời sống sinh hoạt cũng như tâm linh người Việt của nguồn nước.

Theo Liêu Minh Quân những tín ngưỡng cá nhân xoay quanh vòng đời con người cũng ghi dấu ấn của yếu tố nước: “Người nguyên thuỷ trong cuộc

sống của mình từng quan sát thấy cá lìa khỏi nước thì chết, cây cỏ không có nước thì khô héo, các loài động vật và con người đều phải uống nước mới có thể duy trì sự sống, do vậy, tư duy nguyên thuỷ đã nhận biết: nước là điều

kiện tồn tại của mọi sinh mệnh, sinh mệnh phải nhờ vào nước, thậm chí chính là do nước mà có”, [38,tr.88]. Những nghi thức phồn thực sùng bái sinh thực

khí nữ như vậy, suy cho cùng lại mang ý nghĩa là thờ nước, nguồn nước khởi đầu cho sự hình thành của con người.

Người Việt khi làm tang lễ cũng không thể thiếu bát nước đặt trên quan tài người vừa qua đời. Theo tác giả Nguyễn Đăng Duy, “trên nắp quan tài, đèn nến biểu hiện dương, bát nước thể hiện âm, khi rước tang không được để đèn nến tắt, bát nước không được sóng đổ, ấy là nhắc nhở giữ trọn âm dương tiễn đưa sự mất. Cũng có nơi khi khiêng quan tài đi, người ta để lại bát nước, hắt ngang xuống nền nhà, hoặc nếu có rước đi thì cũng không chôn theo bát nước là với quan niệm: nước là nguồn gốc của mọi sự sống, không thể chôn mất đi”, [14]. Điều này được thực hiện cùng với việc người chết phải được

mang theo chút tiền đò khi về nơi chín suối.

Như vậy, trong niềm tin của con người, mặc dù nước có thể huỷ diệt mọi dấu hiệu của sự sống nhưng đồng thời, chính nước lại đánh thức sự hồi sinh. Huyền thoại về những trận đại hồng thuỷ trong quá khứ của tất cả các dân tộc Đông Nam Á là bằng chứng về cơn cuồng nộ của tự nhiên nhưng chính hoạ tiết hoa văn hình thuyền trên trống đồng lại là sự gợi mở về quan niệm linh hồn được nước dẫn dắt vào cuộc tạo sinh mới.

Cùng với truyền thuyết về các vị Thuỷ thần có nguồn gốc là thần tự nhiên, còn có truyền thuyết về các nhân vật nửa tự nhiên nửa lịch sử hóa được thờ là Thuỷ thần, tiêu biểu như truyền thuyết về Trương Hống, Trương Hát (Hách), hay còn được gọi là Thánh Tam Giang. Hiện nay có nhiều truyền thuyết đã được ghi chép thành thần tích nói về sự tích Trương Hống, Trương Hát.

Truyền thuyết về Trương Hống, Trương Hát đã kể về người anh hùng sinh ra từ bọc trứng với các tình tiết như: Sinh nở thần kỳ (Bà mẹ nằm mộng ra sông Lục Đầu tắm gặp thần Long quấn quanh mình rồi có thai sinh ra bọc

5 trứng, nở ra thành 4 trai 1 gái. Đặt tên là Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy và Trương Đạm Nương); Nhân vật đã lập chiến công phi thường (Trương Hống và Trương Hát đánh thắng quỷ, giúp Triệu Quang Phục phá giặc Lương); Kết thúc là nhân vật đã hiển linh phù trợ và được thờ tự (Giúp Lý Thường Kiệt phá quân Tống, được thờ từ thượng ngã ba Xà đến hạ lục đầu giang dọc sông Cầu, sông Thương)...

Riêng truyền thuyết lưu truyền ở làng Gia Thượng và Cầu Lỗi, tổng Gia Thuỵ, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh lại kể sự tích thần sông Như Nguyệt Trương Hống, Trương Hát báo mộng cho nhà vua biết sẽ giúp vua đánh giặc. Nhà vua đánh trận ấy quả thắng to, vua bèn cho lập đền thờ phụng gọi là Nhất Phương Thần, chiếu phong cho người anh làm Đại Đương Giang hộ quốc Phúc thần, lập đền thờ ở cửa sông Như Nguyệt; phong cho người em làm Tiểu Đương Giang hộ quốc Phúc thần, đền thờ ở cửa Nam Bình, hương hoả bất tuyệt.

Nhận xét về hiện tượng này, Tạ Chí Đại Trường cho rằng: “Đây là hai thần sông mà qua câu chuyện báo mộng, họ cho biết Thượng Đế đã phong cho cả hai anh em, không phân biệt, chức Than hà long quân phó sứ, hiệu là Tuần Giang Đô Phó Sứ. Dùng chữ Thượng Đế có nghĩa là đẩy lùi sự kiện về lúc khởi thuỷ, xét từ bản chất của Thần: Thần là thác trên sông (than hà), hiện diện dọc theo (tuần giang) sông Thương (Vũ Bình, Nam Bình), sông Cầu (Lạng Giang). Nhận định như thế, ta có thể giải thích về nguồn gốc tên của Thần: Hống và Hát, tiếng nước réo trên thác, trên sông, một đe doạ, một quyến rũ (mà cũng hàm chứa sự lôi cuốn nguy hiểm), đầy đủ quyền uy và hấp dẫn của siêu nhiên”,[60]. Ông cũng đã giải thích rõ về nguồn gốc của

thần Trương Hống, Trương Hát, lúc đầu chỉ có một dạng, đó là thần hợp lưu làm nên sông Thái Bình, rồi việc phân hai thần trên vùng nước dữ này bắt đầu trong lối nói ẩn dụ trong Việt điện u linh tập. Tuy nhiên tính chất “Nhị vị nhất thể” của thần vẫn được duy trì. Sông Cầu dữ dội nên có ông anh là

Trương Hống làm Đại Vương Giang Thần Vương, và sông Thương dòng chảy yếu hơn phải có thần Trương Hát chịu làm em để chia nhau giữ nước… Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên: “các vị thành hoàng của tỉnh Bắc Ninh đã thống kê được 25 vị Thuỷ thần và phân bố như sau: huyện Gia Bình 11 vị, huyện Từ Sơn có 3 vị, huyện Thuận Thành có 3 vị, phủ Gia Lâm có 2 vị, huyện Yên Phong có 3 vị, huyện Tiên Du có 1 vị, huyện Quế Võ có 1 vị”, [18]. Dựa vào thư mục Thần tích, thần sắc (lưu tại Thư Viện Viện Khoa học Viện Viễn Đông Bác Cổ điều tra năm 1938, thống kê được 27 vị Thuỷ thần được thờ ở Bắc Ninh, trong đó huyện Thuận Thành có 5 vị, nhiều hơn con số thống kê của Nguyễn Văn Huyên là 2 vị.

Trong đời sống tín ngưỡng dân gian Việt Nam, rắn, rồng, giao long, cá chép… là những biểu tượng linh vật thuộc về nước. Do vậy truyền thuyết và lễ tục về những con vật này đều liên quan đến tục thờ Thuỷ thần. Hiện nay dấu tích thờ cúng Thuỷ thần xuất hiện rất phổ biến dọc các dòng sông của xứ Bắc trong đó có sông Cầu. Đó là các truyền thuyết và tín ngưỡng về thần Rắn, ông Dài ông Cộc, rồng (Lạc Long Quân), Bách noãn (trăm trứng).

Truyền thuyết về thần Rắn được lưu truyền ở làng Song Liễu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; truyền thuyết về ông Cộc, ông Dài được lưu truyền dọc theo sông Cầu, sông Thương, cụ thể được ghi lại trong sách Di sản

văn hoá Bắc Giang phi vật thể và trong sách Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Qua những bản kể này cho thấy, truyền thuyết về thần Rắn và ông Cộc,

ông Dài đã có rất nhiều dị bản, những vị thần này được thờ cúng ở nhiều điểm khác nhau, phong phú trong địa bàn xứ Bắc. Các vị thần hiện lên với sức mạnh điều khiển dòng nước, luôn mang lại một cảm giác sợ hãi đối với cuộc sống con người. Tục thờ Thần nước ngày nay vẫn còn thấy rõ nét ở các ngôi làng cổ Bắc Ninh: Kẻ Diềm (làng Viêm Xá), Kẻ Chóa (thôn Chân Lạc, xã Dũng Liệt) và hệ thống các đền thờ Bách Noãn ở phía Nam sông Đuống.

Theo các nhà nghiên cứu thì Bắc Ninh là vùng nông nghiệp phát triển sớm vì điều kiện tự nhiên thuận lợi. Thời trước các kinh đô cổ đều tập trung

lâu dài ở vùng này, tiêu biểu là Dâu trải gần hết thời Bắc thuộc. Nông nghiệp lúa nước phát triển thì nước rất cần để tưới tiêu đồng ruộng nhưng có những năm hạn hán lại liên tiếp xảy ra, mùa màng thất bát, có những năm lại mưa lũ, đồng ruộng lại ngập úng tất cả đều vì nước. Vì thế mà người dân nơi đây sớm có tục thờ Thần nước để cầu khấn Thần cho nước dưới sông hiền hòa không gây lũ lụt, nước trên trời rơi xuống đúng lúc để người dân có thể canh tác trên đồng được thuận lợi.

Tại đền Diềm trong tiết Thanh Minh, diễn ra ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch thường diễn ra lễ cúng nữ thần Giếng và thần cá ở đền Giếng hay còn gọi là đền Cùng. Theo truyền thuyết thì ngôi đền này được xây từ năm 1642, khi vùng này là rừng núi um tùm, người dân đến khai phá và dựng nên một ngôi đền, trước cửa đền lại cho đào một cái giếng lấy nước từ mạch ngầm từ trong núi chảy ra và lấy nước đó để nấu ăn. Trong giếng có một đôi cá mà theo các bô lão thì đôi cá này đã sinh sống ở đây cả trăm năm, dù có lụt lội nước tràn ngập làng cá vẫn không đi và được dân làng gọi là "Cá Thần". Cứ hàng năm vào tiết Thanh minh người dân trong làng lại chuẩn bị vật phẩm gồm xôi gà, ngũ quả, hương hoa và chọn ra vài chàng trai tân đến làm lễ tát giếng, đôi "Cá Thần" được trân trọng vớt lên thả vào 1 cối đá to (đường kính khoảng 1m) bên cạnh bờ giếng. Trong đền dân làng tổ chức tế lễ thì phía ngoài bên bờ giếng cũng làm lễ thờ Cá (gọi là ông Cá).

Cũng là tục thờ Thần nước nhưng làng Kẻ Chóa và hệ thống các đền thờ Bách Noãn ở phía Nam sông Đuống lại thờ các con của Lạc Long Quân và Âu Cơ mà thể hiện rõ nét nhất là tục "Cầu đảo" - cầu mưa mỗi khi hạn hán. Nghi thức tế lễ Thần được tiến hành trong ba ngày liền, không mưa lại ba ngày tiếp theo. Nếu trời vẫn không mưa thì dân làng tổ chức "Tắm kiệu" trên sông, người ta sẽ dùng gáo đồng múc nước dội lên kiệu. Sau lễ tắm kiệu mà trời vẫn không mưa, dân làng lại tổ chức "Rước bơi" - tổ chức bơi chải. Sau ba ngày rước bơi mà trời vẫn không mưa thì nhân dân ở đây tổ chức "Rước

Đây là một tín ngưỡng cổ xưa của người Việt cổ vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay tại các ngôi làng cổ ven sông mà không phải bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam ta có thể tìm thấy. Nó chứng tỏ nước Việt đã tồn tại từ rất lâu đời và con người luôn sống gắn bó với thiên nhiên, đồng ruộng, xóm làng, văn hóa Việt Nam không dễ phôi pha đặc biệt khi mà đất nước ta ngày càng phát triển.

Một phần của tài liệu hoạt động giao thương trên sông cầu thời cận đại (Trang 71 - 77)

w