Kết quả nghiên cứu một số giống lợn bản địa

Một phần của tài liệu xác định một số đặc điểm ngoại hình, khả năng sản xuất của lợn hung hà giang (Trang 44 - 48)

* Giống lợn Táp Ná

Giống lợn Táp Ná là giống lợn nội được hình thành và phát triển từ lâu đời trong điều kiện khí hậu ở Thông Nông, Cao Bằng. Nguồn gốc từ một giống lợn địa phương, do điều kiện địa lý đồi núi cao hiểm trở, việc thông thương có nhiều hạn chế, người chăn nuôi ở vùng núi này chỉ giao dịch mua bán tại chợ Táp Ná, vì vậy, giống lợn này được nhân dân đặt tên là “Táp Ná”.

Giống lợn Táp Ná có nhiều nét giống lợn Móng Cái, nhưng có những nét khác biệt: Lông và da đen, ngoại trừ 6 điểm trắng: giữa trán, 4 cẳng chân, chóp đuôi. đầu to vừa phải, tai hơi rủ cúp xuống, mặt thẳng, mặt không nhăn nheo như lợn Ỉ. Bụng to nhưng không sệ và võng xuống như lợn Móng Cái. Chân to, cao và chắc khoẻ như lợn Mẹo. Lưng tương đối thẳng. Lợn cái thư- ờng có 8-12 vú, nhưng thường là 10 vú (Đặng Đình Trung, 2007) [57].

Khả năng sinh sản của lợn này tương đương với một số giống lợn nội khác ở nước ta như Cỏ, Mẹo, Ỉ hay Mường Khương: Tuổi đẻ đầu là 13,6 tháng, thấp hơn lợn Mẹo, nhưng cao hơn Móng Cái. Số con sơ sinh sống: 4- 12 con, nhưng trên 80 % số ổ chỉ đạt 6-9 con/ ổ. Số con cai sữa chỉ đạt 6,83 con (3-10 con). So với lợn nái Móng Cái, lợn Táp Ná có số con sơ sinh thấp hơn, nhưng khối lượng lại cao hơn (Nguyễn Văn Đức, 2002)[15], (Nguyễn Văn Đức và cs, 2004) [16].

Tốc độ sinh trưởng đạt mức trung bình trong số các giống lợn nội Việt Nam. Khối lượng trưởng thành 100 kg, nuôi tốt đạt 120 kg. Tăng khối lượng trung bình: 313 gr/ngày, tương đương Móng Cái, Cỏ, Mẹo, ... nhưng

thấp hơn Mường Khương. Nuôi vỗ béo 3-10 tháng có thể đạt đến 400gr/ngày. Do tầm vóc nhỏ và khối lượng thấp nên chúng thường được nuôi kéo dài đến 10 tháng tuổi mới giết thịt. Khả năng chống chịu bệnh tật rất tốt: tỷ lệ mắc bệnh chết là 3-4 %.

Nuôi khai thác nguồn thực phẩm ở vùng kinh tế thấp.

* Giống lợn Lũng Pù

Nguồn gốc chính tại xã Lũng Pù. Hiện nay được nuôi phổ biến ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Lợn Lũng Pù có màu lông đen, chân và trán trắng. Tai tương đối to và cúp, mõm dài trung bình. Chân vững, đi bằng ngón. Lưng không võng lắm. Tầm vóc to: sơ sinh 0,6-0,7 kg và 12 tháng 80-90 kg. Số vú 10 vú (Nguyễn Văn Đức và cs, 2008) [18], (Trịnh Quang Phong, 2011) [36].

Đẻ lứa đầu 13 tháng tuổi. Số con sơ sinh sống 6-10 con/ổ, số con cai sữa 4-7 con/ ổ, đẻ 1,6 lứa/ năm.

Tăng khối lượng khá cao so với lợn nội Việt Nam: 400gr/ngày, nuôi tốt đạt 450-500gr/ngày. Tỷ lệ nạc: 30-36 %. Chất lượng thị thơm ngon. Dễ nuôi, chịu kham khổ, phàm ăn và thích nghi với mọi điều kiện, chống chịu bệnh tật tốt.

Về hướng sử dụng: Nuôi khai thác thịt làm nguồn thực phẩm chính ở vùng núi và làm nguồn thịt lợn đặc sản.

* Giống lợn Cỏ

Nguồn gốc được xác định ở miền trung, được phân bổ chạy dọc theo dãy Trường Sơn.

Tầm vóc nhỏ, khối lượng trưởng thành 35-45 kg. Màu lông đại đa số là lang trắng đen. Hình dạng: mõm dài, xương nhỏ, chân yếu và đi bàn, bụng xệ, da mỏng, lông thưa. Lợn đực thường nhỏ hơn lợn cái. Chống chịu tốt với bệnh tật, môi trường khắc nghiệt và kém dinh dưỡng.

Lợn đực phát dục sớm: 3 tháng đã có biểu hiện, 4 tháng có thể phối chửa và 7-8 tháng được sử dụng. Lợn cái động dục lần đầu lúc 200 ngày, tuổi đẻ lần đầu khoảng 10-12 tháng. Số con đẻ ra còn sống trung bình 6-7 con/ổ. Khối lượng sơ sinh nhỏ (0,4 kg/ con). Số con cai sữa 6 con/ổ. Khối lượng cai sữa 2 tháng tuổi 3 kg. Mỗi năm đẻ 1,2-1,5 lứa.

Khối lượng trung bình lúc 2 tháng là 3,8 kg và 12 tháng tuổi là 50,0 kg. Khối lượng trưởng thành lợn đực 60 kg và lợn cái 52-62 kg. Tiêu tốn thức ăn rất cao (7,0-8,0 kg/ kg tăng khối lượng). Tỷ lệ % thịt nạc 45 %. Tỷ lệ % mỡ l30 % (Nguyễn Văn Đức, 2012) [19].

Làm nguồn thực phẩm đặc sản vì hương vị thịt thơm ngon và được ưa chuộng trên thị trường địa phương.

* Giống lợn Mẹo

Giống lợn Mẹo chủ yếu do dân tộc H'Mông nuôi ở Kỳ Sơn và Quỳ Châu (Nghệ An) và trên dãy Trường Sơn của Nghệ An và Hà Tĩnh.

Lợn Mẹo là một trong những giống lợn nội to nhất của Việt Nam. Khối lượng trưởng thành lợn đực là 140 kg và lợn cái là 130 kg. Cơ thể to và dài, cao tới 47-50 cm. Lông đen và dài 5-8 cm. Da đen, thường có màu trắng tại 4 chân, trán, đuôi, một số có loang ở bụng. đầu to, rộng trán, thường có khoáy trán, mõm dài, tai nhỏ và hơi chúc về phía trước. Vai lưng rộng, phẳng. Da thường dày. Thích nghi tốt với mọi điều kiện khí hậu, kể cả khi nhiệt độ trên 38oC. Khả năng kháng bệnh: tốt. Rất tạp ăn: Có thể gặm cỏ, ăn cỏ khô và thức ăn nghèo dinh dưỡng.

Lợn đực thành thục lúc 5 tháng tuổi. Phẩm chất tinh khá tốt và ổn định. Lợn cái thành thục 8-9 tháng tuổi. Tuổi thụ thai lần đầu của lợn nái là 9-10 tháng lúc khối lượng đạt 55 kg. Nhịp đẻ thấp (1 lứa/ năm). Số con đẻ ra 5-10 con/ ổ. Tỷ lệ nuôi sống thấp (60-70 %). Khối lượng sơ sinh và khối lượng cai sữa của giống tương ứng là 0,5-0,6 kg và 5-6 kg.

* Giống lợn Vân Pa

Được sự hỗ trợ của chương trình bảo tồn gen vật nuôi thuộc Viện chăn nuôi Quốc gia Hà Nội, năm 2001, Trường Trung học Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị đã tiến hành nuôi và bảo tồn giống lợn Vân Pa. Theo phương thức nuôi thả rông, với tổng đàn lợn giống gồm 30 con, trong đó có 25 con lợn nái, 5 con lợn đực, con giống được mua từ các đồng bào dân tộc ở vùng miền núi Hướng Hoá và Đakrông. Qua 4 năm thực hiện mô hình nuôi bảo tồn cho thấy: Sau một năm, khối lượng lợn bố mẹ nặng 35 kg và bắt đầu đẻ con, bình quân mỗi năm một con lợn nái sinh được 2 lứa, 1 lứa có từ 6 - 8 con.

Giống lợn Vân Pa có 2 loại, một là giống lợn màu đen, đầu hơi to, mõm nhọn, tai nhỏ thân hình ngắn, trong lượng lợn trưởng thành khoảng 30 - 35 kg. Hai là giống lợn khi nhỏ có sọc thưa vàng, lớn lên chuyển thành màu tro hơi ánh vàng. Đây có thể là giống lợn đen được phối với lợn rừng hình thành con giống này, đầu nhỏ thanh, mõm nhọn, cơ thể cân đối, bụng gọn khối lượng trưởng thành 40kg. Lợn Vân Pa sinh sản kém: Khối lượng sơ sinh 250 - 300gr/con, tuổi phối giống lần đầu 7 - 8 tháng tuổi, 1,5 lứa/năm, khối lượng lúc 12 tháng tuổi đạt 30 - 35 kg, thịt có mùi vị thơm ngon, ít mỡ chủ yếu được sử dụng làm thuốc, thực phẩm đặc sản và nuôi tại vùng đồi núi (Trần Văn Do, 2004) [10].

* Các giống lợn khác

Trương Tấn Khanh và cs, (2009) [29] khi nghiên cứu về giống lợn Sóc (Tây Nguyên) đã thông báo lợn Sóc có tầm vóc nhỏ, ở 12 tháng tuổi đạt 46,5 kg; tuổi thành thục về tính muộn (6-9 tháng); khối lượng sơ sinh thấp (0,3-0,45 kg/con).

Nguyễn Ngọc Phục và cs, (2010) [38] nghiên cứu về giống lợn Khùa tại Quảng Bình cho biết lợn Khùa có số con sơ sinh trung bình 7,11 con/ổ. Tuy nhiên, số con sống đến cai sữa lại rất thấp 5,07 con/ ổ; tỷ lệ nuôi sống đến cai sữa thấp chỉ đạt 71,81 %.

Trịnh Phú Cử, (2011) [4] khi nghiên cứu về lợn 14 vú nuôi tại Mường Lay (Điện Biên) cho biết tuổi đẻ lứa đầu (438,65 ngày); số con sơ sinh sống/ ổ (11,16 con); số con cai sữa/ổ (10,45 con); khối lượng cai sữa/ổ (78,01 kg) ở 109,86 ngày cai sữa; tỷ lệ nuôi sống từ sơ sinh đến cai sữa (90,09 %); khoảng cách lứa đẻ (238,08 ngày); lợn có tốc độ sinh trưởng chậm, nuôi 12 tháng tuổi đạt 47,72 kg.

Nguyễn Tường Vy, (2012) [61] đã có thông báo về tập tính ăn uống của lợn Cỏ Alưới nuôi tại trang trại của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế.

Lục Hồng Thắm, (2013) [46] nghiên cứu về giống lợn Hương (Cao Bằng) cho biết lợn Hương có tốc độ sinh trưởng chậm, nuôi đến 8 tháng tuổi đạt 39,02 kg; lợn Hương động dục khá sớm (130,56 ngày) khi tầm vóc còn nhỏ (24,36 kg); khả năng sinh sản lợn Hương cao từ 8-12 con/ổ, tuy khối lượng sơ sinh thấp 0,32-0,35 kg/ con.

Tuy nhiên đa phần các kết quả nghiên cứu về các giống lợn bản địa nuôi chỉ dừng lại ở nghiên cứu ngoại hình và đánh giá sơ bộ một số chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật nên việc đánh giá một cách chi tiết các nguồn gen lợn bản địa cần phải được quan tâm hơn nữa trong thời gian tới nhằm đảm bảo sự đa dạng sinh học và nguồn nguyên liệu cho công tác di truyền tạo giống.

Một phần của tài liệu xác định một số đặc điểm ngoại hình, khả năng sản xuất của lợn hung hà giang (Trang 44 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)