Kết quả nghiên cứu một số giống lợn nội phổ biế nở Việt Nam

Một phần của tài liệu xác định một số đặc điểm ngoại hình, khả năng sản xuất của lợn hung hà giang (Trang 39 - 44)

Giống lợn nội của nước ta rất phong phú, rất dễ nuôi nên chúng vẫn được lưu giữ trong các hộ gia đình, nhất là các vùng nông thôn và miền núi, nơi điều kiện chăn nuôi chưa tốt để cung cấp thực phẩm tại chỗ và cung cấp nguồn thực phẩm đặc sản cho các khu vực khác (Lê Viết Ly, 1999) [33].

Điểm hạn chế cơ bản nhất của các giống lợn nội là: tăng khối lượng hàng ngày thấp, tiêu tốn thức ăn cao và dày mỡ lưng cao dẫn đến tỷ lệ thịt nạc rất thấp. Hầu hết, các giống lợn nội đều thích ứng với điều kiện khí hậu nóng ẩm nhiệt đới Việt Nam. Các đặc điểm đặc trưng quan trọng đóng góp vào khả năng thích nghi tốt: chống chịu stress nhiệt, chịu đựng tốt khi thay đổi chế độ ăn, khả năng chống chịu bệnh tật tốt.

Ngoài ra, các giống lợn nội tốt còn được sử dụng trong lai giống với các giống nhập ngoại để khai thác thịt và đặc biệt khai thác khả năng sinh sản tốt nhờ ưu thế lai cao cho các vùng có điều kiện chăn nuôi trung bình nhằm sản xuất một khối lượng lớn thịt lợn cung cấp cho thị trường vùng nông thôn, đồng thời nuôi giữ và khai thác nguồn gen để tạo giống mới trong tương lai lâu dài.

* Giống lợn Móng Cái

Giống lợn Móng Cái là giống lợn nội phổ biến nhất của Việt Nam, có nguồn gốc từ Hà Cối và Móng Cái, Quảng Ninh. Hiện nay, lợn được phân bố rộng khắp cả nước, phổ biến ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung và một số nơi ở Tây Nguyên (Duc N.V, 1997) [14].

Lợn Móng Cái có tầm vóc trung bình: khối lượng lúc 8 tháng tuổi đạt 65-75 kg, ngắn mình, cổ ngắn, tai nhỏ, lưng võng, bụng sệ, màu đen, trừ 6 điểm trắng (đốm trắng hình tam giác hoặc hình thoi nằm giữa trán, mõm trắng, cuối đuôi có chùm lông trắng, bụng trắng và bốn chân trắng và đặc biệt, một khoang trắng nối giữa 2 bên hông với nhau vắt qua vai trông giống như cái “Yên ngựa” là nét đặc trưng nhất về màu sắc của giống lợn Móng Cái.

Lợn Móng Cái sinh trưởng chậm: 2 tháng tuổi nặng 6 kg và 10 tháng tuổi chỉ đạt 80-85 kg, song phát dục sớm: lợn cái lúc 5 tháng tuổi và lợn đực có biểu hiện nhảy giống lúc 2 tháng tuổi nhưng có khả năng phối chửa lúc 3-4 tháng tuổi (Nguyễn Văn Thiện và cs, 1999) [53].

Lợn Móng Cái sinh sản tốt nhất trong các giống lợn nội của ta: có 10 - 16 vú, thông dụng nhất là 12 vú, xếp thành hai dãy cân đối 2 bên bụng. Số con sơ sinh sống mỗi lứa cao (11-13 con), biến động từ 8 đến 16 con, cá biệt có lứa có nái đẻ kỷ lục là 28 con. Khoảng cách giữa 2 lứa đẻ là 170 ngày, số lứa đẻ/ nái/ năm là 2,2 lứa. Khả năng làm mẹ rất tốt. Khối lượng sơ sinh thấp: 0,5-0,6 kg và cai sữa ở 7-8 tuần tuổi đạt khoảng 5,5-6,5 kg/ con.

Lợn Móng Cái có tốc độ tăng khối lượng chậm, trung bình là 330 g/ ngày (200-400g/ ngày); Tỷ lệ móc hàm thấp: 73-75 %; Tỷ lệ nạc/ thịt xẻ rất thấp, trung bình là 33-35 %; Tỷ lệ mỡ/ thịt xẻ trung bình là 35-38 %; Tiêu tốn thức ăn cao: từ 4,0 kg đến 4,5 kg thức ăn/ kg tăng khối lượng (Duc N.V và cs, 1997) [62]. Rõ ràng, nuôi lợn Móng Cái khai thác thịt là không hiệu quả nên chúng không được nuôi nhiều. Nhờ áp dụng chọn lọc, Bộ môn Di truyền – Giống vật nuôi, Viện Chăn Nuôi kết hợp Công ty Chăn nuôi Hải Phòng đã chọn được 2 nhóm lợn Móng Cái tốt (Duc N.V và cs, 2000) [62], Nguyễn Văn Đức và cs, (2004) [17], Giang Hồng Tuyến, (2008) [58].

- Nhóm lợn Móng Cái MC15 có khả năng sản xuất tốt: Tăng khối lượng đạt tới 400g/ ngày và tỷ lệ nạc đạt tới 38 %.

- Nhóm lợn Móng Cái cao sản MC3000 có khả năng sinh sản tốt: số con sơ sinh sống/ ổ đạt tới 12,75 con.

Lợn rất dễ nuôi, có khả năng thích ứng được với hầu hết các môi trường sinh thái của Việt Nam, kể cả nơi điều kiện chăn nuôi chưa phát triển và môi trường sinh thái chưa tốt; ăn được hầu hết các loại thức ăn, kể cả loại thức ăn chất lượng thấp và tận dụng tốt nguồn thức ăn dư thừa. Sức kháng bệnh rất cao, hầu như không mắc bệnh kể cả trong điều kiện vệ sinh kém.

Giống Móng Cái chủ yếu được sử dụng làm nái nền, lai với đực ngoại để khai thác ưu thế sinh sản rất tốt của nó. Ngoài ra, giống Móng Cái còn được lai với các giống nhập nội cao sản như LW, LR và Pi tạo ra hệ thống giống nái lai ngoại x nội tốt trong hệ thống giống lợn để khai thác tối đa ưu thế lai về sinh sản.

* Giống lợn Ỉ

Lợn Ỉ là một trong những giống lợn nội phổ biến ở nước ta trước đây, đứng thứ hai sau Móng Cái (2.500.000 con), chủ yếu nuôi ở tỉnh Nam định, Thanh Hóa,… chỉ tồn tại cho đến năm 1990. Do khả năng tăng khối lượng thấp, tỷ lệ nạc thấp và sức sinh sản thấp dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Vì vậy, số lượng lợn Ỉ giảm nhanh. Trong Atlat giống gia súc gia cầm Việt Nam, dòng lợn Ỉ mỡ đã biến mất, tuy nhiên sau đó năm 1996 phát hiện được dòng lợn ỉ này vẫn được nuôi ở một số xã huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Hiện nay, dòng Ỉ này đã được nuôi giữ bảo tồn nhân giống ở Trung tâm giống lợn Thụy Phương (Viện Chăn nuôi). Giống lợn Ỉ có nhiều loại hình, tên gọi khác nhau theo từng địa phương, nhưng thông dụng nhất là Ỉ mỡ và Ỉ pha.

* Giống lợn Lang Hồng

Hình thành tại tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang (vĩ độ 20,38-21,37; kinh độ 105,52-107,02, nhiệt độ trung bình năm 23,50C). Ngoài ra, được nuôi khá phổ biến ở các tỉnh vùng đồng bằng và thung lũng hạ lưu các sông: Cầu, Thương, Lục Nam.

Giống lợn Lang Hồng có ngoại hình tương tự giống Móng Cái: đầu to vừa phải, mõm bé và dài, tai to, úp về phía trước, cổ ngắn; lưng dài và võng; bụng to và thõng, sệ nên hai hàng vú thường quét trên mặt đất; mông rộng và thẳng, gốc đuôi to và cao; chân vừa phải; lông ngắn và thưa; da hồng. Thường có 12 vú ( Nguyễn Văn Đức, 2012) [19]. Màu đen, giữa trán có điểm trắng hình tam giác, giữa tai và cổ có một dải trắng cắt ngang, kéo dài đến bụng và 4 chân. Khả năng chịu đựng tốt với hầu hết các môi trường khác nhau và chống bệnh tật tốt. Sống và phát triển được ở mọi môi trường: Nhiệt độ trung bình 23,5ºC, biến động trong phạm vi từ 8°C đến 30°C và chịu ăn nguồn thức ăn kém chất lượng. Khối lượng trưởng thành 80-100 kg.

* Giống lợn Mường Khương

Là một trong những giống lợn nội to nhất của Việt Nam. Khối lượng trưởng thành con đực và con cái tương ứng là 150 kg và 132 kg.

Nguồn gốc: Lợn chủ yếu ở huyện Mường Khương và tập trung nhiều nhất ở một số vùng như: Cao Sơn, La Pán Tẩn, Tả Thàng, Nậm Chảy... và một số ít ở huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai.

Về đặc điểm ngoại hình: Lợn Mường Khương có thân hình vững chắc, thô, lông đại đa số là màu đen, có một số ít lông màu nâu, trên nền có những đốm trắng xuất hiện ở trán và 4 chân (từ móng đến đốt xương bàn). Lông gáy có con dài 5 - 6 cm, da thô dầy cứng, đầu to vừa phải và dài, mõm thẳng. Trên trán có nếp nhăn thường chạy dọc theo chiều dài sóng mũi dài khoảng 5 - 8 cm. Tai to hơi choãi ngang hoặc có thiên hướng về phía trước, có con tai to, mềm hơi cúp xuống. Thân dài, hẹp ngang, bụng thon gọn, rất thích nghi với việc chăn thả, bốn chân cao to, tương đối vững chắc, chân không đi bàn, móng gọn, không có vết nứt, nếu nhìn nghiêng thì có dáng tiền thấp hậu cao.

Về đặc điểm sinh trưởng: Lợn Mường Khương sinh trưởng chậm, từ 4 - 6 tháng tuổi sinh trưởng nhanh. Nhưng giai đoạn từ 7 - 9 tháng tuổi sinh trưởng chậm lại, từ 10 - 14 tháng tuổi sinh trưởng bình thường, từ 18 tháng

tuổi sinh trưởng rất chậm và giảm dần đến 36 tháng tuổi. Nguyễn Thiện và cs, (2005) [54] cho rằng lợn Mường Khương lúc 12 tháng tuổi có khối lượng trung bình là 70 - 80 kg, nếu được nuôi tốt có thể đạt 90 kg, tăng khối lượng trung bình là 300 - 340 g/ngày. Tỷ lệ móc hàm 74 - 80%, tỷ lệ thịt xẻ 66 - 74%, tỷ lệ mỡ 33 - 42%, tỷ lệ thịt nạc 40 - 44% lợn có xu hướng nhiều nạc hơn so với các giống lợn nội khác. Khối lượng giết mổ to nhưng tỷ lệ nạc không thấp và đặc biệt là mầu thịt đỏ sẫm.

Về khả năng sinh sản: Lợn Mường Khương là giống lợn thành thục muộn. Tuổi động dục của lợn cái khoảng 200 - 300 ngày, tuổi đẻ lứa đầu khoảng 12 tháng, thời gian động dục 5 - 7 ngày, thời gian chửa 115 ngày. Số con sơ sinh và số con cai sữa thấp khoảng 5 - 7 con/lứa, khối lượng sơ sinh 0,6 kg/con, số lứa đẻ bình quân chỉ đạt từ 1,2 - 1,3 lứa/năm (Trần Văn Phùng và cs, 2004) [37].

Đây là giống lợn có hướng mỡ, nạc, nuôi nhiều ở vùng Mường Khương, Bát Xát. Lợn khung xương to, mình lép, tai to và rủ che kín mắt. Lợn thành thục muộn sinh sản kém, 8 con/ổ, khối lượng sơ sinh 0,547 kg/con, khối lượng 2 tháng tuổi 6,39 kg/con, giết thịt lúc 10 tháng tuổi đạt 75 kg, tỷ lệ mỡ 42 - 43%. Tiêu tốn 6,5 - 6,7 kg thức ăn hỗn hợp cho 1 kg tăng trọng. Lợn thích nghi ở vùng cao nơi các đồng bào dân tộc sinh sống với điều kiện chăn nuôi còn khó khăn và lạc hậu, nên giống lợn này không phổ biến trong sản xuất.

Nhận xét chung: Lợn Mường Khương có nhược điểm là thân mình lép, thành thục muộn, số vú ít, khả năng sinh sản thấp. Nhưng lợn Mường Khương cũng có nhiều ưu điểm như ngoại hình thuộc loại trường mình, lưng thẳng, bụng gọn, 4 chân chắc chắn, khả năng ăn thức ăn thô xanh cao, chịu đựng kham khổ tốt, phẩm chất thịt thơm ngon. Lợn nuôi phù hợp với nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, phương thức chăn nuôi lạc hậu, đó là những đặc tính gen quý hiếm cần được gìn giữ và bảo tồn.

Vậy để khắc phục những mặt hạn chế của giống lợn này chúng ta có thể nâng cao khả năng sản xuất của nó bằng nhiều biện pháp như: quản lý, chăm sóc, chọn lọc, lai tạo… Ngoài ra biện pháp tác động thức ăn cũng là một trong những biện pháp làm tăng khả năng sản xuất thịt của lợn mà vẫn giữ được phẩm chất thịt thơm ngon.

Một phần của tài liệu xác định một số đặc điểm ngoại hình, khả năng sản xuất của lợn hung hà giang (Trang 39 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)