Mở cửa thị trường dịch vụ là một trong những yêu cầu bắt buộc khi gia nhập WTO. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc mở cửa này một mặt tạo ra thách thức rất lớn đối với nhiều lĩnh vực mà khả năng cạnh tranh của chúng ta còn yếu kém. Nhưng mặt khác, buộc các ngành dịch vụ trong nước nâng cao chất lượng phục vụ với chi phí hợp lý hơn. Điều đó tất nhiên sẽ mang lại lợi ích cho toàn bộ người tiêu dùng Việt nam cũng như toàn bộ nền kinh tế. Khả năng cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu cũng được tăng lên, các loại hình dịch vụ hỗ trợ cho xuất khẩu như: Vận tải, chuyển phát nhanh, bảo hiểm, các chế độ hậu mãi,... sẽ phát triển và có chi phí hợp lý. Bên cạnh đó, việc mở cửa thị trường dịch vụ giúp tăng thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao nguồn lực và tạo ra những nhân tố thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế. Quá trình tự do hoá thị trường dịch vụ hiện nay cũng giúp các nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam chúng ta tiếp cận tốt hơn với thị trường các nước thành viên. Đây là cơ hội rất lớn để chúng ta tăng xuất khẩu dịch vụ ở những lĩnh vực có tính cạnh tranh.
Nhìn chung, một năm sau khi gia nhập WTO, dịch vụ Việt Nam tuy có những bước đầu khởi sắc nhưng vẫn còn phải đối mặt với nhiều thử thách lớn. Mà cơ bản vẫn là sự cạnh tranh gay gắt với nhiều đối thủ trên bình diện rộng hơn, sâu hơn không chỉ trên thị trường thế giới mà ngay cả với thị trường trong nước. Chính khả năng cạnh tranh thấp xuất phát từ nhiều điểm còn yếu kém của dịch vụ Việt Nam đã đẩy chúng ta đứng trước những thách thức lớn hơn.
Tuy nhiên, cơ hội mà chúng ta cần tích cực nắm bắt lấy quả cũng không phải là ít. Trước hết chúng ta được tiếp cận với thị trường dịch vụ của tất cả các nước thành viên với mức thuế đã được cắt giảm và ngành dịch vụ mà các nước mở cửa theo nghị định thư gia nhập của các nước này, không bị phân biệt đối xử. Bên cạnh đó, với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế, môi trường kinh doanh của nước ta ngày càng được cải thiện hơn, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.