III/ Cơ hội và thách thức đối với dịch vụ ngân hàng
2.3 Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngân hàng thương mại Việt Nam
Nam
2.3.1 Đối với các ngân hàng thương mại quốc doanh
Sự lành mạnh của hệ thống NHTM quốc doanh nói riêng và hệ thống NHTM nói chung trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế chính là cơ sở cho sự lành mạnh của hệ thống kinh tế vĩ mô. Đối với NHTM quốc doanh thì tiến trình cơ cấu lại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cần tập trung vào các nội dung sau:
- Lành mạnh hoá tài chính của NHTM quốc doanh trên cơ sở cơ cấu lại nợ, làm sạch bảng cân đối tài sản và áp dụng các biện pháp ngăn ngừa phát sinh nợ xấu mới.Tăng vốn điều lệ của các NHTM quốc doanh bằng các nguồn vốn từ ngân sách, tái đầu tư hoặc bằng cổ phần hoá khi có điều kiện
- Xây dựng và áp dụng mô hình tổ chức NHTM theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, cơ cấu tổ chức chủ yếu của các NHTM quốc doanh là quản lý theo nhóm khách hàng và loại dịch vụ của một ngân hàng đa năng, thay thế cho việc quản lý theo chức năng và nghiệp vụ như hiện nay, đồng thời tổ chức và cơ cấu lại các định chế nội bộ như các cơ quan quản lý rủi ro, quản lý tài sản Nợ - tài sản Có, thanh tra và kiểm soát nội bộ, trên cơ sở đó hình thành một số tập đoàn tài chính, ngân hàng có khả năng hoạt động và cạnh tranh trên phạm vi trong nước và quốc tế;
- Đa dạng hoá nghiệp vụ, dịch vụ ngân hàng, chuẩn bị những bước đi phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của quá trình tự do hoá lĩnh vực ngân hàng. Thật vậy, đa dạng hoá dịch vụ ngân hàng giúp nâng cao đáng kể hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM.
- Hiện đại hoá công nghệ ngân hàng trên cơ sở thực hiện chiến lược đầu tư phát triển công nghệ của toàn hệ thống ngân hàng. Công việc hiện đại hoá sẽ di cùng với việc xây dựng và chuyển đổi hệ thống kế toán Việt Nam hiện nay để tiến tới áp dụng các tiêu chuẩn kế toán quốc tế (International
Accounting Standards - IAS ) và kiểm toán quốc tế vừa làm cơ sở để chuyển giao công nghệ hiện đại vừa tạo điều kiện áp dụng các nguyên tắc và chuẩn mực thanh tra quốc tế (Bassel).
- Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý và viên chức ngân hàng. Trên thực tế, đây là chương trình rất tốn kém và cần có thời gian, tuy nhiên sự cần thiết của yêu cầu này là không thể phủ nhận bởi nguồn nhân lực tốt luôn là chiếc chìa khoá cơ bản nhất dẫn đến thành công.
- Việc cơ cấu lại hệ thống các NHTM quốc doanh phải được tiến hành đồng thời với việc cải cách khu vực doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp Nhà nước. Hệ thống ngân hàng là bức tranh phản chiếu tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong nước. Cải cách khu vực doanh nghiệp trong nước là rất cần thiết đảm bảo cho cải cách ở khu vực ngân hàng thành công.
2.3.2 Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP)
Hệ thống NHTMCP cũng cần được sắp xếp lại đảm bảo vững mạnh, an toàn và hiệu quả. Để thực hiện tốt mục tiêu đó một số biện pháp cần phải đưa ra đối với khu vực ngân hàng này bao gồm:
- Sáp nhập những ngân hàng nhỏ, đang trong trạng thái hoạt động bình thường với các NHTM khác, tạo ra một ngân hàng lớn mạnh về vốn, phạm vi hoạt động, tăng khả năng quản lý tập trung, cũng như hoạt động kinh doanh, góp phần làm tăng khả năng cạnh tranh khi thống nhất lại. Tuyệt đối không sáp nhập hai ngân hàng đang gặp khó khăn và có nguy cơ phá sản với nhau.
- Sáp nhập các NHTMCP nhỏ, vốn nhỏ, hoạt động kém hiệu quả hoặc rơi vào tình trạng khó khăn, đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán với các ngân hàng lớn hoặc các NHTM quốc doanh dưới hình thức mua lại cổ phần hoặc mua lại thông qua việc góp vốn giữa các NHTM khác có khả năng. Giải pháp này giúp tiếp tục duy trì sự tồn tại của hệ thống ngân hàng cũ đang có những điều kiện hoạt động như địa bàn, khách hàng, trụ sở...
- Giải pháp cuối cùng đối với các NHTMCP quá yếu kém là đóng cửa, giải thể những ngân hàng này. Đây là giải pháp mạnh khi không thể tiếp tục hỗ trợ về vốn hoặc sáp nhập với các ngân hàng khác. Tuy nhiên, việc giải thể xoá bỏ một ngân hàng cần phải được cân nhắc do không chỉ ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống ngân hàng mà còn gây tác động không có lợi cho đời sống xã hội và tâm lý dân cư. Do vậy, giải pháp này chỉ nên áp dụng trong trường hợp thật cần thiết và không thể không xử lý. Đồng thời, để hỗ trợ về mặt pháp lý cho giải pháp này cần sớm chuyển các NHTM sang mô hình kinh doanh thực sự, loại bỏ sự can thiệp của Nhà nước ( đặc biệt về vốn) nhằm có thể áp dụng Luật phá sản đối với các NHTM một cách dễ dàng theo pháp luật.
2.3.3 Đối với các ngân hàng thương mại có vốn đầu tư nước ngoài (NHTM có vốn ĐTNN)
Nếu như việc tăng cường năng lực cạnh tranh cho các NHTM trong nước là điều kiện cần nhằm chuẩn bị cho những ngân hàng thực lực và khả năng ứng phó cần thiết trong môi trường tự do hoá và hội nhập thì việc tăng cường năng lực cạnh tranh cho các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam bằng cách thiết lập một môi trường kinh doanh bình đẳng là điều kiện đủ để Việt Nam thực hiện mong muốn của mình trong quá trình gia nhập WTO cũng như tạo tiền đề cho những cam kết cụ thể của Việt Nam sau này. Tuy nhiên, theo như thực trạng hoạt động kinh doanh của khối ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài (chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các ngân hàng liên doanh) thì để thoả mãn những yêu cầu đặt ra trong khuôn khổ GATS còn rất nhiều việc cần phải thực hiện trong thời gian tới:
- Rà soát để xây dựng các khung pháp lý nhằm đảm bảo sân chơi bình đẳng, an toàn cho các NHTM (trong nước và nước ngoài) hoạt động trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng cũng như những nghiệp vụ tài chính khác;
- Xoá bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, bảo hộ đối với NHTM Việt Nam mà đặc biệt là các NHTM quốc doanh đồng thời với việc nới dần các hạn chế đối với các ngân hàng nước ngoài, đi đôi với việc củng cố lành mạnh hoá các NHTM trong nước, đổi mới công cụ điều hành chính sách tiền tệ, thanh tra ngân hàng như đã nêu ở phần trên;
- Cụ thể hoá, nới lỏng thủ tục cấp phép cho các ngân hàng nước ngoài mở chi nhánh và hoạt động tại Việt Nam. Nhiệm vụ này gắn với việc giảm bớt các hạn chế về hoạt động của ngân hàng nước ngoài trên thị trường trong nước, tăng cường khuôn khổ pháp lý về giám sát ngân hàng nói chung... đảm bảo để Việt Nam có thể tham gia đầy đủ vào GATS về lĩnh vực ngân hàng.
Kết luận
Viễn thông cũng như Ngân hàng đều là các ngành kinh tế quan trọng của nền kinh tế quốc dân, là cơ sở cho các nền kinh tế khác phát triển. Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã rất chú trọng đến việc đầu tư phát triển hai dịch vụ này. Thực sự Việt Nam đã có những bước chuyển mình to lớn trong cả hai lĩnh vực này và được đánh giá là một trong các quốc gia có tốc độ phát triển dịch vụ khá nhanh trong khu vực và thế giới.
Hiện nay, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới - WTO, nhận thức được các tiềm năng của dịch vụ Viễn thông và dịch vụ ngân hàng Việt Nam, các đối tác đàm phán rất quan tâm đến hai lĩnh vực này của Việt Nam. Mặc dù vậy, tuy có những phát triển vượt bậc trong thời gian vừa qua nhưng vẫn còn có một khoảng cách khá lớn so với trình độ phát triển của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tham gia Tổ chức Thương mại thế giới, mở cửa ngành dịch vụ bên cạnh những cơ hội phát triển là những thách thức và khó khăn hết sức to lớn mà các dịch vụ Việt Nam sẽ phải tự giải quyết, sẽ không có sự bảo hộ của chính phủ trong “sân chơi” rộng lớn này.
Các doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng Việt Nam bên cạnh sự đổi mới hiện đại công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh, cần đổi mới tư duy, nhận thức rõ vai trò của mình trong quá trình hội nhập, họ chính là các chủ thể chính quyết định sự thành bại trong cạnh tranh khi Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cần hoàn thiện, bổ sung hơn nữa hệ thống luật pháp, tạo ra một khung pháp lý hoàn chỉnh đảm bảo cho quyền lợi của các doanh nghiệp trong nước, tận dụng tốt cơ hội biến chúng thành thế mạnh của doanh nghiệp đồng thời hạn chế các thách thức trong quá trình gia nhập WTO.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu và áp dụng một cách linh hoạt các biện pháp hỗ trợ được phép trong khuôn khổ WTO để tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh và hợp tác quốc tế của các doanh nghiệp viễn thông và ngân hàng Việt Nam nói riêng và cho toàn ngành dịch vụ Việt Nam nói chung.