Thời gian đối sánh – quy kết

Một phần của tài liệu Đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn Lào Suvănthon Bupphanuvông (tòm văn + tóm tắt) (Trang 105 - 109)

6. Cấu trúc của luận án

3.2.2. Thời gian đối sánh – quy kết

Đối sánh là một trong những thủ pháp tiêu biểu trong tổ chức tác phẩm của nhà văn Suvănthon. Đối sánh không chỉ được biểu hiện ở nghệ thuật xây dựng nhân vật, ở kết cấu ngôn ngữ trong tiểu thuyết mà còn được biểu hiện khá rõ nét qua hình tượng thời gian trong tác phẩm.

Trong hầu hết các bộ tiểu thuyết của Suvănthon, ta thấy, nhà văn thường triển khai hình tượng trong sự đối sánh giữa hai phạm trù xưa và nay. Nhắc cảnh tượng “xưa” không phải để hoài cổ mà để so sánh với cảnh tượng “nay”, từ đó “quy kết” những vấn đề về thời cuộc, chiều hướng vận động của xã hội. Hai gương mặt, quá khứ và hiện tại được thể hiện qua nhiều nội dung khác nhau, làm thành một số mô típ quen thuộc như: mô típ trước nghèo khổ, bất công – nay sung sướng, công bằng; mô típ trước yếu – sau mạnh. Đặc

điểm này khá quen thuộc trong nền tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975, điều này xuất phát từ những nét tương đồng về điều kiện lịch sử xã hội, đồng thời cũng lí giải phần nào sự ảnh hưởng, tiếp thu của nhà văn Suvănthon trong quá trình xây dựng tác phẩm.

Mô típ trước nghèo khổ, bất công – nay sung sướng công bằng (còn gọi là mô típ đổi đời). Mô típ này vốn được thể hiện qua nhiều dạng thức khác nhau. Dạng thứ nhất, chỉ nêu một vế: “trước nghèo khổ, bất công” để ngầm nói lên “nay sung sướng công bằng”, dạng thức này vốn không xuất hiện trong tiểu thuyết của Suvănthon nhưng lại được biểu hiện khá rõ nét trong tiểu thuyết Bé Sỉ của nhà văn Khămliêng Phônsêna. Bối cảnh chính là quá khứ tủi nhục, lầm than của nhân dân trong thời thực dân phong kiến. Mục đích của tác giả trong việc kể ra “quá khứ gần” này để bạn đọc thấy được tính ưu việt của chế độ mới. Dạng thứ ba, chỉ nêu vế “nay sung sướng, công bằng” để ngầm so sánh với “trước đau khổ, bất công” và chứng minh rằng chỉ có chế độ Xã hội chủ nghĩa, mới đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho con người. Dạng thức này cũng không xuất hiện trong tiểu thuyết của Suvănthon.

Dạng thứ hai, nêu đầy đủ cả hai vế xưa và nay theo hình thức tuyến tính hoặc hồi tưởng. Đây là dạng thức chính của loại thời gian đối sánh – quy kết trong tiểu thuyết của Suvănthon. Để làm nổi bật dụng ý so sánh: Phê phán chế độ cũ, ca ngợi chế độ mới, nhà văn đã tái hiện hai giai đoạn khác nhau trong cuộc đời nhân vật. Có trường hợp giai đoạn trước chịu nhiều đau khổ bất hạnh dưới chế độ cũ, giai đoạn sau được đổi thay nhờ sự cưu mang của cách mạng, tiêu biểu như nhân vật Sổm Phết trong tiểu thuyết Hai bên bờ sông. “Lần này là lần đầu tiên Sổm Phết được người trong xã hội gọi là “chị” và là lần đầu tiên chị đặt chân lên khán đài này. Hồi trước chị đứng ở chỗ nào đều bị bọn lưu manh và những kẻ say sưa bét nhè tán tỉnh. Chị như muốn nấp vào lưng Lợt để không ai nhìn thấy cái quá khứ đáng tủi hổ của chị. Cách

mạng đã cứu chị ra khỏi cái địa ngục bẩn thỉu đó. Làm cho chị trở thành một người lương thiện trong xã hội” [119, tr.52]

Lại có những trường hợp, giai đoạn trước, nhân vật còn đứng về phía chính quyền tay sai phái hữu, có cái nhìn sai lệch, chủ quan, giai đoạn sau nhân vật trở thành con người của giai cấp vô sản. Nhân vật Vông Phết đã thừa nhận “trước đây cô không hiểu cả nguyên nhân vì sao mà Tổ quốc vô cùng yêu quý của cô bị lạc hậu đến nỗi phải lệ thuộc vào nước ngoài. Nói đến quyền tự do dân chủ cô cũng chỉ hiểu qua loa nhưng phân tích cho kỹ ra thì cô chẳng hiểu gì cả. Các nhà chứa gái điếm, các tiệm thuốc phiện, ma túy … đầy rẫy ở Viêng Chăn, cô cũng cho là bình thường. Cô có biết đâu đó là kết quả của chế độ thực dân, là thuốc độc vô cùng nguy hiểm mà đế quốc Mỹ và tay sai đem lại để đầu độc, ru ngủ đồng bào hòng dễ bề xâm lược và bóc lột” [173, tr.108]. Còn Khăm Đi, sau phút thắc mắc “nhà mình là gia đình sĩ quan phái hữu, sao họ lại đối xử tốt thế … Còn bọn phái hữu thì …” [176, tr.85] chị đã đứng về phía cách mạng, tự nguyện vận động chồng thôi đánh nhau với Tiểu đoàn Hai, vận động những người vợ lính khác cùng làm công tác binh vận như chị, cuộc đảo chính của thượng sĩ Bay (chồng chị) tiêu diệt hoàn toàn lực lượng của tên đại úy tay sai kệtsạnạ đã thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức cũng như hành động của nhân vật.

Mô típ trước nghèo khổ bất công nay sung sướng công bằng trong kết cấu tiểu thuyết của Suvănthon không chỉ được nhà văn tái hiện qua giai đoạn khác nhau trong cuộc đời nhân vật mà còn được miêu tả cụ thể qua những đổi thay trong cuộc sống của cả tập thể. Hình ảnh bản Phả Đẻng trong tiểu thuyết

Người con gái của Đảng trước khi thực hiện phong trào hợp tác hóa nông thôn là một bản vùng cao còn hoang sơ, đời sống nghèo nàn, vì chưa có trường học nên trình độ dân bản còn thấp kém, cách nghĩ cách làm còn lạc hậu và tồn tại nhiều phong tục tập quán cổ hủ. Cuộc sống dân bản gặp nhiều mối đe dọa từ thú rừng, phỉ rừng và các lực lượng phản động ... Từ khi phong

trào hợp tác hóa nông thôn được mở rộng đến bản, khi những người con ưu tú của chế độ mới mang đến cho đời sống dân bản những tư tưởng tiến bộ, những việc làm hữu ích, sự nhận thức của dân bản đã dần thay đổi, đời sống dần được nâng cao. Một phong trào lao động, cải tạo và xây dựng cuộc sống mới đã bừng lên trên khắp mọi nẻo đường và trong mỗi ngôi nhà tại bản Phả Đẻng.

Việc so sánh hai giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của nhân vật hay sự đổi thay ở một buôn làng đều có ý nghĩa phê phán chế độ cũ. Sự đàn áp của các thế lực thống trị hay những cổ hủ lạc hậu của chế độ cũ chính là chủ thể làm cho nhân cách con người bị méo mó. Phê phán chế độ cũ, nhà văn muốn khẳng định vai trò của cách mạng vô sản trong việc cải hóa con người. Ca ngợi vẻ đẹp của con người mới, chế độ mới.

Nhìn chung, trong việc so sánh giữa hai phạm trù xưa và nay, chúng ta thấy có sự đối lập giữa thời gian quá khứ và thời gian hiện tại. Quá khứ thường bất công, đói nghèo còn hiện tại thì công bằng, ấm no.

Mô típ trước yếu - sau mạnh, trước chưa hoàn thiện - nay hoàn thiện có thể chia ranh giới giữa xưa và nay bằng các sự kiện lịch sử mang tính cao trào như lực lượng cách mạng trước và sau Cuộc đảo chính của Coonglơ trong tiểu thuyết Hồi tưởng lại có sự phát triển từ hình thức đấu tranh tự phát sang đấu tranh tự giác có tổ chức. Tiểu đoàn Hai Pathet Lào khi mới trở về Cánh đồng Chum theo Hiệp định Hòa hợp dân tộc lần thứ nhất là “một lực lượng từng bao lần bị kẻ thù bao vây hòng tiêu diệt” sau khi phá vòng vây trở về căn cứ chỉ không đầy một năm sau đã nhanh chóng phát triển thành nhiều tiểu đoàn, “trở thành lực lượng nòng cốt, tin cậy trong sự nghiệp bảo vệ cuộc sống nhân dân vùng chiến lược Cánh đồng Chum” [178, tr. 215], cũng là lực lượng hậu thuẫn đắc lực cho nhân dân nổi dậy, giải phóng hơn một phần ba diện tích cùng một phần hai dân số cả nước, có vùng giải phóng nối liền từ Phôôngsalỳ Bắc Lào đến Ăttapử Nam Lào. Sự trưởng thành không ngừng qua thời gian

của Mặt trận Lào yêu nước cũng được khẳng định trong tiểu thuyết Hai bên bờ sông qua lời nhận xét của nhân vật. “Cháu xem đấy, Mặt trận Lào yêu nước xây dựng lực lượng chỉ có hai bàn tay trắng, nhưng bây giờ họ có lực lượng đồ sộ có khả năng phá núi lấp biển được. Bác tin chắc, quân đội nhân dân cách mạng Lào sẽ giành được thắng lợi toàn vẹn” [119, tr.42].

Tạo lập mô típ thời gian trước yếu sau mạnh trong các tiểu thuyết, nhà văn đã khái quát được chiều hướng vận động của xã hội Lào những năm chống Mỹ. Đó là sự vận động theo chiều hướng tích cực, phản ánh sự phát triển cả về lực lượng cũng như trình độ tác chiến của quân đội nhân dân cách mạng Lào.

Một phần của tài liệu Đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn Lào Suvănthon Bupphanuvông (tòm văn + tóm tắt) (Trang 105 - 109)