6. Cấu trúc của luận án
2.1.2.2. Lí tưởng hóa vẻ đẹp ngoại hình và phẩm chất của nhân vật
Trong sử thi cổ điển, các anh hùng đều có ngoại hình đẹp, có tầm kích lớn lao hơn chính bản thân họ. Đây là điều hết sức hợp lí bởi người anh hùng là sự cộng hưởng thể chất của cả cộng đồng. Mặt khác, khi khắc họa các vị thánh để tôn thờ, người ta phải dùng đến những màu sắc đẹp nhất, những nét vẽ hài hòa cân xứng nhất, trước hết là để tác động đến tình cảm của công chúng ngay trong cái nhìn đầu tiên, và sau đó là mượn ngoại hình để thể hiện phần nào phẩm chất bên trong của nhân vật. Việc khắc họa vẻ đẹp ngoại hình và phẩm chất của nhân vật còn thể hiện khát vọng thẩm mĩ của nhà văn về mô hình người anh hùng lí tưởng. Trong tiểu thuyết của Suvănthon, ta thấy có một quan niệm xuyên suốt là, người anh hùng – chiến sĩ phải có vẻ đẹp toàn diện cả về ngoại hình lẫn phẩm chất.
Vẻ đẹp ngoại hình của nhân vật anh hùng – chiến sĩ trong tiểu thuyết của Suvănthon được gắn liền với kích thước của núi rừng, sông suối, hoa cỏ, chim muông ... là những cảnh vật và môi trường sống của cộng đồng. Dựa trên kiểu so sánh được thiết lập trên sự tương đồng về tính chất của sự việc và sắc thái khâm phục ngợi ca mà các hình ảnh gợi đến đã khắc họa nên vẻ đẹp khỏe khoắn, tự nhiên của người anh hùng – chiến sĩ, bởi thước đo của vẻ đẹp ấy chính là những gì quen thuộc trong thiên nhiên một miền rừng núi, nó gắn liền với nếp nghĩ, nếp cảm của nhân dân các bộ tộc Lào.
Để khắc họa vẻ đẹp chân dung người anh hùng – chiến sĩ, nhà văn đã dùng nhiều hình thức khác nhau. Có khi đặt điểm nhìn từ tác giả “Khăm Mặn năm nay hai mươi mốt tuổi, người to cao, khỏe mạnh, hoạt bát, mặt hơi
vuông, tóc cứng như rễ tre, ngực nở, mắt sáng” [176, tr.13], “Xô Pha nhìn màn đêm thăm thẳm, cặp lông mi cong dài và đôi lông mày dài đậm không động đậy càng tôn thêm vẻ đẹp của khuôn mặt trắng hồng của cô bên bếp lửa rừng khuya bập bùng” [177, tr.97]. Hình thức miêu tả này tuy mang tính chủ quan, song lại có khả năng đặc biệt trong việc tái hiện kịp thời nhất vẻ đẹp của nhân vật trong những tình huống đặc biệt, và một trong những tình huống đặc biệt nhất đó chính là lúc nhân vật đang làm nhiệm vụ. “Về phần Vông Phăn, cô bò lên với sự tin tưởng và bình tĩnh. Chiếc áo màu chàm và váy vải thô của cô cùng màu với rừng cỏ. Khuôn mặt trắng mịn với hai má hồng hồng hòa màu với hai cánh tay có những ngón mềm mại. Đôi chân trắng trẻo với bắp chân tròn trĩnh làm cho thân hình thon nhỏ của cô càng tăng thêm vẻ đẹp. Người ta tưởng chừng như cô đang lướt trên lớp mây xanh, giữa các loại hoa cỏ trên rừng” [173, tr.60] ...
Để vẻ đẹp của người anh hùng – chiến sĩ được miêu tả một cách khách quan, nhà văn thường dịch chuyển điểm nhìn về phía các nhân vật. “Vừa đi, Khăm Mặn vừa nghĩ đến Sổm Phon. Ôi! Người con gái có khuôn mặt tròn, trắng hồng, giọng nói dịu dàng ...” [177, tr.183], trong lúc để ý theo dõi thái độ của Bun Mi, Vông Phết “nhận thấy rằng anh thanh niên này có khuôn mặt xinh xắn và dễ thương” [173, tr.23]. Vẻ đẹp ngoại hình của nhân vật không chỉ được tác giả tái hiện qua ánh mắt mà còn được khắc họa rõ nét qua sự cảm nhận của các nhân vật khác, đó là sự cảm nhận bằng thực tế, cảm nhận có trải nghiệm chứ không đơn thuần là sự cảm nhận bằng ánh mắt. “Bun Mi là một con người hiếm có, là một chàng trai nhanh nhẹn khỏe mạnh cả về thể xác lẫn tinh thần, là con người có tấm lòng rộng như biển cả. Dù cho có ngàn vạn nhánh sông đổ vào cũng không tràn đầy. Dù nắng thiêu người cũng chẳng bao giờ khô cạn. Có lúc Bun Mi như là một người nông dân. Nhưng có lúc trông anh lại như một nhà nghiên cứu đầy triển vọng. Trong ánh mắt của anh chứa đựng một sức mạnh sâu xa mà không thể ước đoán được, nó sẽ bay bổng cao
xa đến tận đâu” [173, tr.100]. Có lẽ vậy mà Vông Phết, một nữ phóng viên xinh đẹp của Đài phát thanh trung lập Viêng Chăn, đối tượng quan tâm đặc biệt của nhiều tướng tá phái hữu đã đem lòng yêu anh.
Có thể thấy, chuẩn mực vẻ đẹp bề ngoài của người anh hùng – chiến sĩ theo quan niệm của Suvănthon, không chỉ ở vấn đề toàn thiện, toàn mĩ mà vẻ đẹp ấy phải phù hợp với khí phách hào hùng, với nhiệm vụ bảo vệ cộng đồng dân tộc. Đó cũng là một kiểu dáng vóc mang âm hưởng sử thi mà nhà văn luôn cố gắng tìm tòi để tổng hợp vào trong tác phẩm của mình.
Ngoài vóc dáng mang vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời tiêu biểu cho sức mạnh về thể chất và tinh thần của cộng đồng dân tộc, người anh hùng – chiến sĩ trong tiểu thuyết của Suvănthon còn sáng ngời vẻ đẹp của đức hạnh, tâm hồn … Tất cả được biểu hiện qua tác phong, lối sống và những hành động cao cả của nhân vật.
Người anh hùng luôn có những khát vọng lớn lao, những lí tưởng cao đẹp và những lí tưởng ấy cũng là đại diện cho lí tưởng của cộng đồng dân tộc. Họ luôn sống và chiến đấu với một tư thế hiên ngang bất khuất, không sợ mọi khó khăn gian khổ và sẵn sàng đón nhận cái chết đến với mình. Có thể nói, trong đấu tranh cách mạng, họ là những con người mang tầm vóc lớn lao với một sức mạnh phi thường. Những con người ấy, theo logic tự nhiên hoặc theo quan niệm của sử thi cổ đại, trong cuộc sống đời thường, họ hoàn toàn có thể là những người xuất thân từ tầng lớp vua chúa, quý tộc, có cuộc sống phong lưu. Điều đáng trân trọng trong phẩm chất của người anh hùng – chiến sĩ mà nhà văn Suvănthon muốn phản ánh và ngợi ca trong tác phẩm của mình là ở chỗ, mặc dù trong chiến đấu, họ oai phong, vĩ đại, phi thường, nhưng trong cuộc sống đời thường, họ vẫn là những con người bình dị, gần gũi thân thương nhất “quan sát kĩ trong phòng, thấy đồ đạc của Xô Pha sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ. Sổm Phon ướm chân vào đôi dép lốp của Xô Pha để dưới gầm giường ... Cô lẩm bẩm vẻ thán phục: “Họ thông minh và giản dị
thật!” [176, tr.130]. Ở đây, nhà văn không trực tiếp miêu tả vẻ đẹp của nhân vật mà thông qua điểm nhìn của nhân vật khác, vẻ đẹp trong sáng giản dị của người chiến sĩ do đó được hiện lên một cách khách quan, chân thực.
Trong nhiều tác phẩm, để khắc họa vẻ đẹp phẩm chất của nhân vật, nhà văn đặc biệt quan tâm miêu tả tâm hồn nghĩa hiệp của người chiến sĩ. Trong trường hợp này, nhà văn không chỉ miêu tả thông qua điểm nhìn của nhân vật khác mà còn để các nhân vật tự thể hiện qua suy nghĩ, hành động của mình. Nhân vật Thao Ẹc vốn là một chiến sĩ cách mạng cốt cán, theo như lời bác Pheng, một thành viên ưu tú của Tổ chức thì anh là trai “chưa vợ, lại tài giỏi và hiểu biết” chỉ cần “huýt sáo một cái cũng được ngay” [117, tr.136], nhưng anh đã trao trái tim mình cho Nôôc Kẹo, “một người góa chồng”. Tình cảm của anh dành cho Nôôc Kẹo không chỉ là tình yêu mà lớn hơn, nó còn là tình đống chí, tình người. Anh tin tưởng vào sự lựa chọn của mình và cũng tin người bạn đời mà mình đã lựa chọn, anh nói: “Cháu nghĩ kỹ rồi, đời cháu sẽ có hạnh phúc và tiến bộ nếu cháu được Nang Nôôc Kẹo về cùng chung sống. Từ tính tình cho đến tư tưởng và tâm hồn của Nang Nôôc Kẹo đều giống cháu ... Cháu rất phục sự cố gắng học tập của cô ấy. Cháu tin rằng, nếu có người giúp đỡ thêm trong việc sinh sống, được thoải mái êm ấm về gia đình thì cô ấy còn tiến bộ xa hơn nhiều. Nói về các con của cô ấy thì cũng là hòn máu của chiến sĩ cách mạng đã hi sinh vì dân. Cháu sẽ yêu mến và dạy bảo chúng như con đẻ của mình. Cháu nghĩ rằng, cháu đối xử như vậy cũng là để đền đáp ơn nghĩa của người đồng chí đã hi sinh đời mình cho dân” [117, tr.136,137].
Cũng như nhân vật Thao Ẹc, nhân vật Lợt trong tiểu thuyết Hai bên bờ sông, chàng thanh niên chưa vợ, người chiến sĩ ưu tú của Mặt trận Lào yêu nước đã dành tất cả tình yêu của mình cho Sổm Phết, người con gái từng bị xã hội phong kiến thực dân vùi dập, đọa đầy. Mặc dù Sổm Phết đã hết lời từ chối “Vì em yêu anh! Em kính trọng sự trong sáng ở trong anh. Em không muốn
tên tuổi và danh dự của anh bị tổn thương vì sự bẩn thỉu của em! … Nếu anh gặp em từ hồi em còn là người con gái ngây thơ trong trắng thì em sẵn sàng trao tất cả cho anh. Nhưng bây giờ em không còn gì nữa” [180, tr.144], nhưng Lợt vẫn kiên quyết “Em không nên nói như vậy. Không phải anh không biết quá khứ của em. Anh yêu em và muốn được ở bên cạnh chỉ vì quá khứ của em đấy. Em đã bị xã hội phong kiến và thực dân vùi dập đọa đầy. Anh sẽ kéo em ra khỏi địa ngục đó, trả lại sự trong sáng cho em và đưa em đi đến tương lai tươi đẹp của chế độ mới, chế độ nhân dân chân chính” [180, tr.144]. Tình yêu trong sáng và cao thượng anh dành cho Sổm Phết thể hiện khí phách anh hùng nghĩa hiệp của người chiến sĩ cách mạng, những con người luôn sống và chiến đấu vì những lí tưởng cao đẹp. Lời nói thể hiện quan niệm của anh về cuộc đời và số phận con người còn là biểu hiện của lối tư duy nhân đạo theo quan niệm Phật giáo, con người phải luôn mở rộng lòng mình để cứu độ chúng sinh, cứu độ những con người bất hạnh, đây cũng là bản tính tốt đẹp của con người Lào.
Bằng sự kết hợp miêu tả vẻ đẹp ngoại hình và nhân cách của nhân vật, chân dung nhân vật người anh hùng – chiến sĩ trong nhiều tiểu thuyết của Suvănthonng được hiện lên rõ nét với tất cả vẻ đẹp toàn vẹn. Khi khắc họa vẻ đẹp ngoại hình và nhân cách của nhân vật, Suvănthon thường để nhân vật tự bộc lộ hoặc thông qua điểm nhìn của nhân vật khác. Vì vậy vẻ đẹp lí tưởng của nhân vật có tính khách quan và có giá trị hiện thực sâu sắc.