Không gian chiến trường

Một phần của tài liệu Đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn Lào Suvănthon Bupphanuvông (tòm văn + tóm tắt) (Trang 92 - 98)

6. Cấu trúc của luận án

3.1.2. Không gian chiến trường

Trong văn học truyền thống Lào (cả văn học dân gian và văn học viết), không gian chứa đựng những mâu thuẫn đối kháng, bùng nổ thành chiến trận đã xuất hiện. Đó thường là sự đối kháng giữa cái thiện và cái ác, giữa chính nghĩa và gian tà được thể hiện qua các mô típ như cứu người đẹp hay công chúa, đấu tranh giữa định mệnh và tình yêu để giành giữ tình yêu, chiến đấu diệt trừ kẻ ác để giành giật ngôi báu… Bối cảnh lịch sử được bao phủ đậm đặc chất huyền thoại, yếu tố ly kỳ bởi sự phù trợ của các lực lượng siêu nhiên với những linh khí đặc biệt.

Kế thừa tư tưởng truyền thống, lại ra đời trong hoàn cảnh đấu tranh cách mạng, không gian chiến trận trong tiểu thuyết của Suvănthon đã hoàn toàn thay đổi. Hiện thực phong phú của các cuộc đấu tranh chống xâm lược đã được nhà văn cảm nhận, không chỉ theo chiều dài của thời gian lịch sử mà còn theo chiều rộng, chiều sâu của không gian lịch sử. Hình tượng nhân vật trực tiếp tham gia vào các biến cố lịch sử là đối tượng khám phá và phản ánh

chủ yếu của các tác phẩm. Do vậy, không gian chiến trận được nhà văn khai thác với những phẩm chất mới, không gian chiến trận không chỉ làm bối cảnh cho hành động mang sắc thái sử thi, anh hùng ca kiểu mới của thời đại, mà còn tái hiện cảm hứng lịch sử mang tính sử thi, không gian đó được nhà văn miêu tả sinh động trên nhiều phương tiện, có thể cảm nhận bằng tất cả các giác quan. Không gian chiến trận trong tiểu thuyết Tiểu đoàn Hai được tác giả mô tả trong một hoàn cảnh rộng, không phong bế, với nhiều địa điểm khác nhau: Cuộc chiến đấu ở Cánh đồng Chum Xiêng Khoảng, ở Viêng Chăn … Nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của cuộc chiến tranh cách mạng Lào dồn dập xảy ra như hai lần kí hiệp định hòa hợp dân tộc, rồi hai lần nhân dân Lào cầm súng chiến đấu chống Mỹ và tay sai. Nhiều sự kiện biến cố nhỏ đan cài trong sự kiện biến cố lớn kế tiếp nhau trong dòng chảy của lịch sử … Bối cảnh chiến trường, biến cố lịch sử được nhà văn thể hiện bằng một cảm hứng về nhân dân, về thời đại, về lịch sử vô cùng vẻ vang và oanh liệt. Tất cả đều xuất phát từ ý đồ nghệ thuật của nhà văn: miêu tả không gian chiến trận căng thẳng, quyết liệt để tạo hoàn cảnh xuất hiện hình tượng con người mới, hình tượng nhân dân chiến đấu, hình tượng người anh hùng chiến trận; đồng thời, không gian chiến trận với quy mô hoành tráng thể hiện được sắc thái anh hùng ca của cuộc chiến tranh giải phóng ở Lào. Điều này được thể hiện rõ nét qua bức tranh không gian tại trận địa Xala Cốctan trong Tiểu đoàn Hai do Khăm Mặn làm đại đội trưởng. Đó là một không gian hoành tráng mang âm hưởng sử thi sâu sắc. Nhà văn đã dựng lại không gian chiến trận căng thẳng và quyết liệt giữa hai lực lượng khác hẳn nhau: một bên là một đội quân xâm lược thiện chiến có vũ khí tối tân hiện đại nhưng không có mục tiêu lí tưởng chiến đấu với một bên là một đội quân vũ khí thô sơ nhưng chiến đấu có mục đích, lí tưởng, yêu độc lập tự do và sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Cuộc chiến đấu giáp lá cà với địch diễn ra ác liệt trong màn khói mù mịt của đạn pháo, đoàn xe tăng như những lô cốt của địch nối đuôi nhau tiến vào sát

trận địa, súng đại liên, trung liên, súng cối, ĐKZ 57 ly ... bắn như vãi đạn vào đại đội, lính khăn trắng của địch reo hò xông lên .... Không gian với nhiều thử thách ấy chính là môi trường rèn luyện sức chịu đựng gian khổ, lòng dũng cảm và tinh thần đoàn kết của các chiến sĩ Pathet Lào.

Đặc trưng cuộc chiến tranh của nhân dân các bộ tộc Lào cũng mang những nét tương đồng với cuộc chiến tranh Việt Nam, đó là cuộc chiến tranh du kích. Vì vậy, không gian chiến trường không chỉ đơn thuần diễn ra trên chiến tuyến mà còn diễn ra trong mỗi bản làng, mỗi cánh rừng, mỗi con đường hay một dòng sông, con suối … Ranh giới hai phe có thể chia theo nhiều cách: bên này cánh rừng là ta – bên kia cánh rừng là địch, dưới mặt đất là ta – trên không là địch, trên bờ là ta – dưới sông là địch … Đây là chiến trường rất khó xác định ranh giới mỗi phe, đây là một thử thách khá lớn đối với các nhân vật anh hùng, bởi thực tế, đây là những cuộc chiến hoàn toàn không có sự chuẩn bị trước cả về vũ khí, lực lượng, kế hoạch tác chiến cũng như những hiểu biết về thế và lực của phe đối lập. Trong cuộc chiến đấu chống trả lại sự bao vậy, tấn công của địch tại một con suối trên đường vận chuyển lương thực ra tiền tuyến, đội du kích do Vông Phăn làm tiểu đội trưởng, mặc dù đã tiêu diệt được khá nhiều tên địch và cướp được một lượng vũ khí tương đối nhưng từ phía bên kia bờ suối tiếng súng trường, súng đại liên, súng cối vẫn vang lên. Còn Vông Phăn sau khi rút lựu đạn, ném chết một tên địch, “cùng lúc đó cô lại thấy một tên địch thoát nấp vào sau một gốc cây to” và ngay lúc đó, cô thấy tim mình đập mạnh, cô thốt lên “Ồ! Chúng nó có hai tên cùng bò lên hay nhiều hơn nữa chưa biết chừng!” [173, tr.73]. “Xem chừng như là bọn lính Thái Lan ấy” [173, tr.75]. Nhân vật Sẻn, người lính lái xe trên đường chở hàng hóa, vũ khí ra mặt trận đã bị máy bay địch tấn công bất ngờ tại một cánh rừng giữa trời đêm tối đen như mực. Lúc đó, tín hiệu duy nhất để anh đoán định sức tấn công của địch là pháo sáng và tiếng máy bay “Tiếng máy bay cho biết, hình như có loại T28 và cả phản lực nữa” “Tất cả máy bay đang tập

trung vào xe chúng mình” [173, tr.8, tr.9]. Chính những khó khăn trong việc phân định gianh giới, nên trong nhiều tiểu thuyết của Suvănthon, nhân vật anh hùng đã có lúc bị rơi vào tình thế nhầm lẫn nguy hại. “Đội của Vông Phăn không nắm được tình hình đã xảy ra nên tưởng rằng, toán lính địch đang đuổi theo đằng sau là bộ đội của mình. Đến khi biết chúng là địch thì chúng đã đến gần quá rồi” [173, tr.77]. Còn nhân vật Sổm Phon, vào một buổi tối đứng gác tại bến Hỏ Khăm bên bờ sông Mê Kông, “đột nhiên cô nhìn thấy có những vật tròn, đen, trôi nhấp nhô trên mặt nước từ phía Tây Bắc giạt dần vào bến, nơi cô đứng gác. Trời tối khó phân biệt, cô nghĩ, đó là những quả dừa khô, những đoạn củi mục trôi trên sông. Một lúc sau, có ba bóng đen lội vào bờ ngay dưới chỗ cô đứng gác. Lúc đó Sổm Phon hiểu ra quân địch đổ bộ từ Thái Lan sang” [178, tr.200].

Mặc dù không gian chiến trận có nhiều khó khăn thử thách và trong những tình huống khó khăn ấy, có những lúc không gian mang màu sắc bi thương, người anh hùng phải đối mặt với những rủi ro mất mát, có những người bị bắt làm tù binh như nhân vật Vông Phăn trong Hai chị em, nhân vật Sổm Phon trong Tiểu đoàn Hai, có những người bị thương như nhân vật Khăm Mặn, Sổm Phon, Sẻn … trong Tiểu đoàn Hai, Lợt, Nết … trong Hai bên bờ sông và cũng có những người mãi mãi ra đi như đồng chí Sỉ Thoong, “người tiểu đoàn trưởng dũng cảm của tiểu đoàn 500 Pathet Lào” [178, tr.197] … Nhưng âm hưởng bao trùm lên bức tranh không gian ấy vẫn là khí thế chiến đấu rực lửa. Xen lẫn trong tiếng pháo, tiếng bom đạn, tiếng máy bay, trong ánh sáng lập lòe của đèn pháo của địch là tiếng xung phong, tiếng gào thét chỉ huy chiến đấu của anh em chiến sĩ bộ đội du kích Lào “ – Chuẩn bị chiến đấu, địch đuổi theo ta kia kìa ... Một viên đạn phải diệt một quân thù, nhớ không ... – Ném lựu đạn nữa đi. Đúng rồi! Ở bên trái ấy” [173, tr.78]. Tiếng hô vang chỉ huy chiến đấu của tiểu đội trưởng Vông Phăn góp phần tạo nên tính chất dữ dội

của chiến trường, đồng thời làm nổi bật vẻ đẹp hùng tráng của chị em bộ đội du kích.

Không gian chiến trường không chỉ được miêu tả qua những cuộc chiến đấu trên trận tuyến giữa những phe đối lập, hay những đợt phản công chống trả lại sự bao vây đe dọa của kẻ thù trong mỗi bản làng hoặc trên đường hành quân đi làm nhiệm vụ, không gian chiến trường còn được hiện lên qua lời kể của nhân vật về sự tàn phá của chiến tranh. “Vùng ác liệt hơn cả vẫn là suốt từ Xiêng Khoảng đến Cánh đồng Chum. Chiều nay, chúng tôi đi nhờ xe của anh em “Trung lập”, chúng tôi không nhận ra hạt Huồng ở đâu cả. Làng to, huyện lớn như thế mà nay bị san bằng hết, đến một cái cột nhà cũng chẳng còn, phẳng như là cánh đồng ấy” [173, tr.5]. “Đi được một đoạn thì qua một ngôi trường tiểu học mà trước đây Vông Phết học những chữ a, b, c đầu tiên ở đó, Vông Phết gần như không tin ở mắt mình nữa vì ngoài những hố bom ra thì không còn dấu vết gì của trường cũ nữa cả” [117, tr.163]. Lời kể của nhân vật cho thấy sức hủy diệt ghê gớm của chiến tranh. Tất cả sự sống mà con người bao đời gây dựng lên bằng tất cả tài năng và sức lực của mình, trong chốc lát đã bị chiến tranh hủy diệt tất cả, không gian trơ trụi không còn chút sự sống ấy chính là bản cáo trạng không hồi kết. Lời kể chuyện khách quan trở thành một minh chứng lịch sử có sức tố cáo mạnh mẽ.

Chiến trường là “nơi diễn ra các cuộc chiến đấu”, cuộc chiến đấu hiểu theo nghĩa tích cực là nơi diễn ra cuộc đấu tranh của con người chống lại các thế lực thù địch bao gồm cả con người và thiên nhiên. Vì vậy không gian chiến trường trong tiểu thuyết của Suvănthon không chỉ giới hạn trong những tiểu thuyết viết về chiến tranh mà còn được mở rộng trong những tiểu thuyết viết về đề tài xây dựng cuộc sống mới, tiêu biểu là tiểu thuyết Người con gái của Đảng. Không gian chiến trường trong tiểu thuyết là nơi rừng thiêng nước độc, nơi con người chưa dám gây dựng cuộc sống bởi ở đó luôn có những loài thú dữ hung ác nhất có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người. Đăc

trưng tiêu biểu của bức tranh không gian ấy là sự ghê rợn đến lạnh người mỗi khi màn đêm buông xuống. Những âm thanh hỗn loạn bao gồm cả tiếng gầm thét và rên rỉ của thú rừng, tiếng hú vang của vách núi và cả tiếng gió rít của cây rừng ... làm cho không gian mang nặng âm khí, tạo cảm giác rùng rợn. Khác với không gian chiến trường trong các tiểu thuyết viết về chiến tranh, được nhà văn miêu tả với tất cả sự ồn ào náo loạn nhất, không gian chiến trường trong tiểu thuyết Người con gái của Đảng, tiểu thuyết viết về đề tài Xây dựng cuộc sống mới, lại được nhà văn quan sát ở trạng thái tĩnh lặng nhất, khi màn đêm buông xuống, khi cuộc sống của con người chìm trong giấc ngủ, khi xung quanh không còn một tiếng động, lúc đó thiên nhiên mới hiện nguyên hình với tất cả những biến thái nhỏ nhất. Cuộc đấu tranh của con người nhằm chinh phục nó cần phải trải qua một quá trình khó khăn, gay go quyết liệt. Và cũng như cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, cuộc chiến đấu chinh phục sức mạnh tự nhiên đòi hỏi con người phải có lòng dũng cảm, mưu trí và sự đoàn kết đồng lòng. Hình ảnh đoàn thanh niên bản ... dưới sự chỉ dẫn của cô giáo Phim Pha, một nữ thanh niên tình nguyện, ban ngày ra sức phát quang bụi rậm, ban đêm cùng nhau đi săn tìm thú dữ là cuộc chiến đấu âm thầm nhưng đầy chông gai. Nhà văn, tuy không đi sâu miêu tả cuộc giao chiến giữa con người và thú dữ nhưng qua những cảm nhận của nhân vật về dáng vẻ điệu bộ của con vật, về cảnh vật xung quanh, cũng góp phần khắc họa rõ nét tính chất dữ dội, ác liệt của bức tranh không gian, cũng từ đó vẻ đẹp khỏe khoắn, táo bạo, lòng dũng cảm và tinh thần sẵn sàng vượt khó vì sự nghiệp xây dựng cuộc sống mới của tầng lớp thanh niên các bộ tộc Lào những năm đầu đổi mới cũng được khắc họa rõ nét.

Nếu không gian công cộng là một thủ pháp nghệ thuật dung chứa tầm vóc lớn lao của các nhân vật anh hùng, thì không gian chiến trường lại có chức năng khẳng định phẩm chất anh hùng của các nhân vật. Như vậy, việc miêu tả không gian hoành tráng, căng thẳng quyết liệt trong tiểu thuyết của

Suvănthon là xuất phát từ ý đồ nghệ thuật của nhà văn, thực chất đó là sự chuẩn bị những hoàn cảnh cần thiết cho sự xuất hiện hình tượng con người mới, hình tượng nhân dân trong công cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Một phần của tài liệu Đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn Lào Suvănthon Bupphanuvông (tòm văn + tóm tắt) (Trang 92 - 98)