Không gian thiên nhiên

Một phần của tài liệu Đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn Lào Suvănthon Bupphanuvông (tòm văn + tóm tắt) (Trang 98 - 100)

6. Cấu trúc của luận án

3.1.3. Không gian thiên nhiên

Không gian thiên nhiên là một trong những thành tố của “không gian bối cảnh”. Nhiều nhà văn còn dùng nó làm “tín hiệu nghệ thuật” mà giải mã những tín hiệu này, chúng ta sẽ thấy được tâm trạng nhân vật, nội dung, chủ đề tác phẩm và tài năng của tác giả. Các nhà thi pháp học thường bàn đến chức năng quen thuộc của bức tranh thiên nhiên trong tác phẩm, chức năng “vị nghệ thuật”, xem thiên nhiên là thước đo năng khiếu nghệ thuật của nhà văn, là một trong những yếu tố quan trọng đưa đến sự bất tử của một tác phẩm thơ, văn, hội họa. Nhà bác học B.Larin đã nói về tài nghệ tả cảnh của M. Sholokhov trong Sông Đông êm đềm như sau: “Thiên tài của nghệ sĩ là đã sáng tạo nên những bức tranh phong cảnh độc đáo, tuyệt vời, bất tử” [73, tr.284]. Ông cho rằng, đặc điểm của thi pháp Solokhov là kết hợp hài hòa giữa ba hình tượng: con người, xã hội và thiên nhiên.

Không gian thiên nhiên trong tiểu thuyết của Suvănthon khá đa dạng, bao gồm cả không gian rừng núi, không gian thành thị, không gian ven sông, không gian nước ngoài ... trong đó, không gian rừng núi trở thành hình tượng trung tâm của bức tranh thiên nhiên trong mỗi tác phẩm.

Không gian môi trường văn hóa Lào có đặc thù rất riêng, khác với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, nước Lào nằm sâu trên bán đảo Đông Dương, hơn ba phần tư lãnh thổ là rừng núi và là nước duy nhất ở Đông Nam Á không có biển. Bởi vậy, rừng, núi gắn bó mật thiết với người Lào cả trong đời sống kinh tế xã hội và cuộc sống tinh thần từ xưa đến nay. Trong tiểu thuyết của Suvănthon, không gian thiên nhiên nơi núi rừng không chỉ là

môi trường sống mà còn là môi trường thử thách của những người con ưu tú của dân tộc.

Gắn với cuộc sống đời thường bình dị, cảnh núi rừng trong tiểu thuyết của Suvănthon mang vẻ đẹp bình yên, thơ mộng. “Vào một đêm trăng sáng, gió hiu hiu mát dịu, đồi Kềnh và dãy đồi xung quanh Cánh đồng Chum ẩn hiện trong ánh trăng huyền ảo. Tiếng kêu của các loài chim đi ăn đêm, tiếng vi vu của rừng thông vọng tới, tiếng lửa cháy tí tách trên đồng cỏ hòa vào nhau như một bản nhạc thiên nhiên độc đáo của miền cao nguyên Mường Phuôn” [176, tr.38]. Không gian thiên nhiên mang màu sắc huyền ảo tạo nên vẻ đẹp rất riêng của núi rừng cao nguyên các dân tộc ở Lào, không gian đó hoang dã, bí ẩn nhưng lại gần gũi, thân quen với đời sống của bà con dân bản ở Lào. Thiên nhiên gắn liền với cuộc sống con người, mang hơi thở của cuộc sống bình dị, thường ngày. “Ánh nắng buổi sáng mùa đông chiếu xuống rừng thông còn đẫm sương lóng lánh, trang điểm cho cao nguyên Mường Phuôn sáng đẹp hẳn lên. Con đường cái lát đá ong màu nâu lượn vòng theo các chân đồi thông xanh mượt, từng tốp người gồng gánh kĩu kịt đi chợ Mường Phônsavẳn, họ vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ” [176, tr.28]. Đó là không khí trong lành, thoải mái vào mỗi buổi sớm mai ở các bản mường trên đất nước Lào. Không gian thiên nhiên kết hợp với cảnh sinh hoạt của con người tạo nên một bức tranh sống động, ấm áp. Bức tranh thiên nhiên đã phần nào nói lên đặc trưng cuộc sống và tính cách của người dân Lào, những con người luôn sống hòa đồng với thiên nhiên, sống vui vẻ hồn hậu.

Không gian rừng núi yên bình cũng chính là người bạn đồng hành trong mỗi bước hành quân đi làm nhiệm vụ của các chiến sĩ Pathet Lào. “Đêm hôm đó, trăng sáng vằng vặc, mong một đám mây bay đến để che bớt ánh sáng cũng không có. Gió cao nguyên Mường Phuôn thổi hun hút, những đợt sóng cỏ lao xao dưới chân các chiến sĩ tiểu đoàn Hai Pathet Lào đang rảo bước băng qua những rừng thông thưa và đồng cỏ dài tít tắp” [176, tr.222].

Ngoài không gian rừng núi yên bình, không gian rừng núi với nhiều khó khăn thử thách là môi trường hoạt động đặc thù của các nhân vật trong tiểu thuyết của Suvănthon.“Đường đi, lúc thì leo lên núi, lúc lại tụt xuống suối… Nhưng cái tai ác nhất là muỗi và dĩn. Ôi chao, muỗi như là vãi hạt vừng ấy. Chúng bay cả vào mặt, vào mắt, vào hai bên lỗ tai, chúng đốt làm cho người nóng bừng lên. Đường trơn tuột như lưng lươn, nếu không bám cho vững, không bấm ngón chân cho thật chắc thì sẽ ngã bệt xuống đất ngay” [175, tr.1]. Trong không gian ấy, con người thường phải đối mặt với sự sống và cái chết, từ đó bản chất hèn nhát hay anh hùng, tầm thường hay phi thường cũng được bộc lộ.“Trời bắt đầu mưa và mỗi lúc một to như trút nước. Chớp lóe sáng từng vệt dài, sấm sét nổ rền trời, gió rừng ù ù thổi, những cành cây to gãy kêu răng rắc, rào rào như đàn voi rừng lồng đến chắn hết lối đi. Nước trên núi chảy xuống như những mũi lao, khoét vào thành núi, đất lở từng mảng chuồi xuống ào ào, và nếu không tránh kịp thì lập tức bị cuốn xuống vực sâu” [177, tr.31].

Bức tranh thiên nhiên trong tiểu thuyết của Suvănthon như một tín hiệu hỗ trợ cho nội dung tư tưởng của tác phẩm. Từ những biểu hiện khác nhau của bức tranh thiên nhiên, tác phẩm muốn nói rằng, chỉ có đất nước bình yên thì con người mới có hạnh phúc.

Tóm lại, không gian là một hình tượng nghệ thuật quan trọng trong tác phẩm văn học. Bằng việc tái hiện ba loại hình không gian (không gian công cộng, không gian chiến trường và không gian thiên nhiên), Suvănthon đã thể hiện được khả năng thâm nhập cuộc sống trên diện rộng, có tầm khái quát vĩ mô, tạo thành một nét đặc trưng riêng trong phong cách của nhà văn.

Một phần của tài liệu Đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn Lào Suvănthon Bupphanuvông (tòm văn + tóm tắt) (Trang 98 - 100)