Không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết của Suvănthon

Một phần của tài liệu Đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn Lào Suvănthon Bupphanuvông (tòm văn + tóm tắt) (Trang 85 - 87)

6. Cấu trúc của luận án

3.1. Không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết của Suvănthon

Không gian trong tác phẩm văn học là một phạm trù hình thức nghệ thuật, là phương thức tồn tại và triển khai thế giới nghệ thuật. Có thể nói, không có hình tượng nào tồn tại ngoài không gian, không có nhân vật nào lại không có một nền cảnh, một môi trường nào đó để hành động. Chính bản thân người kể chuyện trong các tác phẩm tự sự hay các nhà thơ trữ tình cũng nhìn sự vật trong một khoảng cách, một góc nhìn nhất định (điểm nhìn). Nhờ có điểm nhìn của chủ thể mà không gian được thu hẹp hay mở ra vô tận. Đó là không gian sống mà con người cảm thấy và cũng là không gian tinh thần của con người.

Không gian trong tác phẩm văn học là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện quan niệm nhất định về cuộc sống xã hội, do đó không thể đồng nhất không gian trong tác phẩm văn học với không gian vật lí. Không gian trong tác phẩm văn học là không gian nghệ thuật biểu hiện mô hình thế giới của tác giả và được biểu hiện bằng ngôn từ của các biểu tượng không gian. “Không gian nghệ thuật chẳng những cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng mà còn cho thấy quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay một giai đoạn văn học” [49, tr.161].

Hình thức không gian trong tác phẩm văn học được phân loại theo nhiều hình thức khác nhau. Căn cứ vào đặc trưng của không gian trong mỗi thể loại văn học, người ta có thể chia ra: không gian thần thoại, không gian sử thi, không gian cổ tích, không gian cổ điển, không gian hiện thực, không gian trong tiểu thuyết sử thi …

Xét về đặc điểm không gian, người ta chia thành: không gian điểm, không gian tuyến và không gian mặt phẳng hay còn gọi là không gian khối. Không gian tuyến và không gian mặt phẳng có thể hướng vươn ra chiều rộng hay chiều thẳng đứng; không gian tuyến có chiều dài, không liên quan đến chiều rộng ... không gian điểm thì được xác định bằng các giới hạn và tính chất, chức năng của nó.

Xét về vị trí của vật thể trong không gian, mô hình thế giới có thể được tạo thành trong các tác phẩm văn chương bởi các cặp không gian mang tính chất tương quan: Cao – thấp, xa – gần, rộng – hẹp, bên này – bên kia … và mỗi không gian đều có tính chất quy luật của nó.

Căn cứ vào môi trường hoạt động của nhân vật, không gian có thể được chia thành nhiều loại khác nhau: nông thôn – thành thị, miền xuôi – miền ngược, hậu phương – chiến trường, địa bàn ta – địch, nơi tự do – nơi ngục tù, không gian đời tư – không gian công cộng, xã hội.

Xét theo phương thức tồn tại của không gian, người ta chia ra không gian tâm lí và không gian vật lí, không gian bên trong và không gian bên ngoài. Đặc trưng của các kiểu không gian này là, không gian vật lí, không gian bên ngoài luôn thay đổi, vô thường, có tính ngẫu nhiên còn không gian tâm lí, không gian bên trong thì phi thời gian, không biến đổi trừ khi có yếu tố hủy diệt nó.

Từ góc độ nghệ thuật ngôn từ, người ta chia ra: không gian bối cảnh, không gian sự kiện …

Qua cách phân chia như vậy, ta thấy hình thức của không gian thật muôn hình vạn trạng, không chỉ mỗi thể loại có những đặc điểm riêng trong cách thể hiện không gian mà ngay trong một thể loại nhất định, mỗi nhà văn lại có sự lựa chọn hình thức không gian khác nhau ở những tác phẩm khác nhau. Việc lựa chọn và thể hiện không gian trong tác phẩm văn học là kết quả của một quá trình tìm tòi, sáng tạo của nhà văn, xuất phát từ yêu cầu của nội dung hiện thực mà tác phẩm phản ánh.

Tiểu thuyết Suvănthon hướng đến sự phản ánh những biến cố lớn, những sự kiện trọng đại, những bước ngoặt căn bản của đời sống nhân dân và lịch sử dân tộc Lào. Vì vậy, không gian sử thi được xem là một đặc trưng của không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết của ông. Nhà văn cùng một lúc sử dụng cả ba chiều không gian: không gian điểm, không gian tuyến và không gian mặt phẳng để tạo ra những miền không gian hoành tráng, là môi trường thuận lợi để các nhân vật anh hùng – chiến sĩ hoạt động.

Một phần của tài liệu Đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn Lào Suvănthon Bupphanuvông (tòm văn + tóm tắt) (Trang 85 - 87)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(150 trang)
w