Đặt nhân vật trong nhiều mối quan hệ đa chiều

Một phần của tài liệu Đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn Lào Suvănthon Bupphanuvông (tòm văn + tóm tắt) (Trang 66 - 70)

6. Cấu trúc của luận án

2.1.2.3.Đặt nhân vật trong nhiều mối quan hệ đa chiều

Để thấy được phẩm chất tốt đẹp toàn vẹn của nhân vật, nhà văn còn đặt nhân vật trong nhiều mối quan hệ đa chiều và được miêu tả từ nhiều điểm nhìn khác nhau. Homeros đã xây dựng Hector là một anh hùng lí tưởng trên nhiều phương diện: người công dân trung thành với thành bang, người con hiếu thảo, người chồng hết mực yêu thương vợ, người cha thắm thiết yêu con…

Phẩm chất của người anh hùng – chiến sĩ trong tiểu thuyết của Suvănthon thông thường được biểu hiện qua hai mối quan hệ cơ bản là mối quan hệ giữa người anh hùng với đồng đội và nhân dân và mối quan hệ giữa người anh hùng với kẻ thù

Trong mối quan hệ với đồng đội và nhân dân, nhân vật luôn là người có ý thức tập thể, gắn bó mật thiết với quần chúng. Đối với nhân vật Khăm Mặn trong Tiểu đoàn Hai, tập thể nhỏ của anh là Tiểu đoàn Hai, tập thể lớn chính là Mặt trận Lào yêu nước, là dân tộc Lào và lớn hơn nữa chính là giai cấp vô sản trên toàn thế giới, là nhân loại. Lời phân tích của anh trước bà con dân bản chính là những gì mà anh tâm niệm và theo đuổi bấy lâu nay. “Bộ đội Pathet Lào là con là cháu của các bố, các mẹ, của mọi nhà. Chúng con chiến đấu phục vụ lợi ích của bố mẹ và dân bản. Làm được việc đó, nhờ bố mẹ làm tai làm mắt và dạy bảo chúng con ...”[176, tr.26]. Tinh thần tập thể của người anh hùng được lí giải trong quan niệm phải sống và chiến đấu vì nhân dân và phải dựa vào dân để sống và chiến đấu, đó cũng chính là quan niệm đặt lợi ích của cộng đồng dân tộc lên trên lợi ích cá nhân. Và do đó, nhân vật luôn có một niềm tin tuyệt đối vào nhân dân và dân tộc, vào sự chiến thắng tất yếu của chính nghĩa. “Trước đây là bọn thực dân Pháp, nhưng chúng đã bị nhân dân Lào đánh cút về nước. Nay là đế quốc Mỹ ... Nhưng không chóng thì chầy, bọn chúng sẽ cùng chung số phận thôi! ...”[176, tr.155 – 156]. Người anh hùng luôn hiểu rõ sức mạnh của chân lí, của chính nghĩa. Lời nói của anh thể hiện một niềm tin chắc chắn vào con đường và lí tưởng mà anh và bao người dân Lào chân chính khác đã lựa chọn.

Người anh hùng phải sống và chiến đấu vì nhân dân và dân tộc với một niềm tin tất thắng và nếu phải hi sinh, người anh hùng cũng nguyện trở thành một phần xương thịt của nhân dân. Tinh thần tập thể, nghĩa tình quân dân của người anh hùng trong tiểu thuyết của Suvănthon còn được lí giải trong quan niệm về sự luân hồi theo tư tưởng Phật giáo. Quan niệm thể hiện qua ước mơ

mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp của của nhân vật Nang Mạ (Vông Phăn) trong tiểu thuyết Hai chị em. “Cô mong sao, máu xương của cô biến thành cánh đồng rộng tít tắp chân trời để cho đồng bào cô trồng trọt lúa, ngô, khoai, sắn, làm cho dân Lào ấm no hạnh phúc và văn minh bằng các dân tộc khác!” [117, tr.112]

Nếu như niềm tin yêu mà nhân vật dành cho đồng đội và nhân dân càng lớn bao nhiêu thì lòng căm thù của nhân vật đối với kẻ thù càng lớn bấy nhiêu. Lòng căm thù ấy không chỉ biểu hiện trong tư tưởng mà nó còn thể hiện bằng lời nói và hành động, để tiêu diệt kẻ thù, người anh hùng sẵn sàng chấp nhận hi sinh bản thân mình. “Bọn tay sai Mỹ khát máu bắt giam các đồng chí lãnh đạo của chúng ta, giết hại những người kháng chiến cũ, khủng bố đồng bào ta… Nếu được phép, ngay lập tức tôi sẽ ôm bộc phá lao vào hang ổ chúng!” [178, tr.39]. Khi được tin các vị lãnh tụ bị bắt giam, nhân vật Khăm Mặn trong Tiểu đoàn Hai đã thốt lên bằng những lời lẽ căm giận cháy bỏng đối với kẻ thù và cũng chính từ lòng căm thù giặc sâu sắc, lòng yêu nước, yêu các vị lãnh tụ và niềm tin sắt đá vào lí tưởng của Đảng, đã tạo cho anh sức mạnh phi thường làm nên những chiến công anh hùng. Đối với nhân vật Vông Phăn trong tiểu thuyết Hai chị em, tinh thần sẵn sàng xả thân ấy còn trở thành niềm mong ước, khát khao “Cô mong muốn bản thân cô hóa thành bom nguyên tử. Cô sẽ lao vào giữa hang ổ của bọn đế quốc Mỹ xâm lược và bọn chó sói, cúi đầu nghe chúng và cô sẽ làm nổ tung lên, phá sạch, rửa sạch, cày xới, giẫm nát, đốt thành tro than tất cả bọn xâm lăng khốn nạn ấy để không còn bóng dáng của chúng trên mảnh đất thân yêu của nhân dân Lào” [117, tr.112]. Như vậy, theo quan niệm của người anh hùng, hi sinh không phải là hành động vô ích, hi sinh bản thân mình để tiêu diệt kẻ thù, mang lại lợi ích cho toàn dân tộc là niềm vinh hạnh, niềm tự hào lớn lao của bản thân.

Việc đặt nhân vật trong hai mối quan hệ đặc biệt, Suvăthon đã tái hiện được những nét tính cách đa dạng về người chiến sĩ giải phóng quân. Nếu

trong mối quan hệ với đồng đội và nhân dân, họ là những người con ngoan hiền, những người đồng chí thân yêu, là những tâm hồn dễ xúc động và luôn dành sự quan tâm lo lắng đến người khác, thì trong mối quan hệ với kẻ thù, họ là những người mạnh mẽ, quyết liệt, có trái tim sắt đá với một thái độ lạnh lùng đến căm giận. Với bút pháp miêu tả gia tăng cái hùng hơn cái bi, ít khai thác những mất mát, hi sinh buồn đau của nhân vật mà chỉ tập trung khai thác yếu tố lãng mạn cách mạng, hình tượng nhân vật anh hùng – chiến sĩ trong mối quan hệ với kẻ thù trở thành hình tượng nhân vật mang tính lí tưởng. Hình tượng nhân vật anh hùng – chiến sĩ trong tiểu thuyết của Suvănthon do đó có ý nghĩa cổ vũ chiến đấu sâu sắc.

Có thể nói, nét đặc trưng trong nghệ thuật tổ chức nhân vật tiểu thuyết của Suvănthon biểu hiện ở sự ảnh hưởng, tiếp thu tư tưởng lí luận Macxit cùng những đặc trưng của thi pháp sử thi kết hợp với những đặc trưng văn hóa dân tộc và tư duy truyền thống của con người Lào. Mỗi tuyến nhân vật chính diện hay phản diện trong tiểu thuyết của ông đều có ý nghĩa phản ánh những trào lưu tư tưởng khác nhau trong xã hội của một dân tộc, một thời đại. Các nhân vật do đó luôn được đặt trong những tình huống biến cố lịch sử cụ thể của dân tộc Lào những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nói cách khác, nhân vật trong tiểu thuyết của Suvănthon luôn được đặt trong mối quan hệ với sự kiện, bởi lẽ, việc tổ chức hệ thống nhân vật cần thiết phải có một hệ thống sự kiện tương ứng. Sự kiện phản ánh sự vận động của nhân vật trung tâm trong các mối quan hệ với những xung đột và góp phần bộc lộ bản chất của nhân vật. Như vậy, cùng với hệ thống nhân vật, việc tổ chức hệ thống sự kiện, hành động cũng góp phần quan trọng làm nên cốt truyện của tác phẩm văn học.

Một phần của tài liệu Đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn Lào Suvănthon Bupphanuvông (tòm văn + tóm tắt) (Trang 66 - 70)