Thời gian lịch sử sự kiện

Một phần của tài liệu Đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn Lào Suvănthon Bupphanuvông (tòm văn + tóm tắt) (Trang 102 - 105)

6. Cấu trúc của luận án

3.2.1. Thời gian lịch sử sự kiện

Thời gian lịch sử - sự kiện là nhân tố cơ bản, phương diện cơ bản cho sự tổng hợp mà nhà văn luôn tìm tòi, sáng tạo để đạt tới tầm vóc của loại hình anh hùng ca. Thời gian lịch sử trong tiểu thuyết của Suvănthon không phải là thời gian lịch sử trong quá khứ của sử thi mà là lịch sử đương đại với tầm vóc sử thi, đó là thời gian vật lí, thời gian thực tế, thời gian độc lập khách quan, thời gian xã hội, cách mạng, chiến dịch, tức là lịch sử dân tộc được thể hiện qua các sự kiện khách quan tồn tại độc lập với ý thức người kể chuyện.

Đặc điểm đầu tiên của loại thời gian lịch sử sự kiện trong tiểu thuyết của Suvănthon là tính chân thực lịch sử của nó. Nhà văn luôn cố gắng tạo một không khí chân thật. Mọi sự hư cấu trong tác phẩm phải phù hợp với quan niệm của cộng đồng, tức là hư cấu có định hướng. Nhà văn lấy tư liệu từ thực tiễn và những chi tiết này được mọi người kiểm nghiệm là có thật (và có thể có thật). Tiểu thuyết của Suvănthon do đó mang âm hưởng sử thi sâu sắc, đó là những cuốn tiểu thuyết vừa là của “tôi” nhưng cũng vừa là của chúng ta. Điều này được biểu hiện ở khả năng phản ánh sinh động những hành động xã hội có tính chất tranh đấu, đổi thay. Thời gian lịch sử sự kiện trong tiểu thuyết

Hồi tưởng lại là thời gian bao quát các biến cố lịch sử, các sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc hòa hợp dân tộc lần thứ hai ở Lào (1962), còn ở Tiểu đoàn Hai là thời gian bao quát các biến cố lịch sử, các sự kiện lịch sử quan trọng từ hòa hợp dân tộc lần thứ nhất (1956 - 1958) đến lần thứ hai (1962 – 1964). Nhà văn đã tạo ra một không khí chân thực của thời gian được phản ánh để thuyết phục bạn đọc bằng cách tạo ra những số liệu thời gian cụ thể gắn với hoạt động của con người. Thời gian lịch sử trong Tiểu đoàn Hai kéo dài trong 6 – 7 năm từ Hiệp định hòa hợp dân tộc lần thứ nhất(1956) đến lần thứ hai (1962) gắn với ba sự kiện lớn: sự kiện Tiểu đoàn Hai rút ra khỏi Cánh đồng Chum, sự kiện Tiểu đoàn Hai hành quân giải cứu các vị lãnh tụ ra khỏi nhà tù Phôn Khêng và sự kiện Tiểu đoàn Hai quay trở lại giải phóng Cánh đồng Chum. Gắn với mỗi sự kiện lại có những mốc thời gian cụ thể phát triển theo diễn biến lịch sử và theo quan hệ nhân quả. Cốt truyện phát triển theo thời gian tuyến tính là một biểu hiện tiêu biểu của thời gian lịch sử, sự kiện trong tiểu thuyết. Albert Thibaudet nói: “Tính thời gian là chìa khóa của bố cục tiểu thuyết” [143, tr.257]. Cấu trúc thời gian trong nhiều tác phẩm là lấy “thời gian chiến dịch” làm trục chính để triển khai cốt truyện (cuộc đảo chính của Coong Lơ trong Hồi tưởng lại, chiến dịch Cù Kiệt trong tiểu thuyết Hai chị em, cuộc hành quân phá vòng vây của các chiến sĩ Pathet Lào trong Tiểu

đoàn Hai). Ở đây, thời gian như một vị thần đứng ra sắp đặt mọi hoạt động, buộc các nhân vật phải tuân theo. Tất cả các nhân vật đều bị cuốn vào guồng máy chiến dịch đang quay vội vã. Thời gian chiến trận cũng giữ vai trò chủ đạo trong nhiều tác phẩm như tiểu thuyết Hai chị em, Tiểu đoàn Hai ... Ngoài ra, thời gian sự kiện, lịch sử còn được thể hiện qua các cao trào cách mạng như cuộc nổi dậy giành chính quyền của nhân dân Lào (Hai bên bờ sông). Nó cũng thể hiện trong các đợt phát động trên lĩnh vực kinh tế xã hội như phong trào xây dựng cuộc sống mới (Người con gái của Đảng). Tuy nhiên, cấu trúc của các tác phẩm này còn lỏng lẻo, phân tán, chất “lịch sử sự kiện” không đươc thể hiện đậm đặc trong cốt truyện như các tiểu thuyết lấy “thời gian chiến dịch” làm trục chính.

Thời gian lịch sử sự kiện trong tiểu thuyết của Suvănthon không phải là thời gian biên niên như trong sách lịch sử, hồi ký. Nó cũng không thuần túy là lịch sử xã hội mà có sự kết hợp hài hòa giữa lịch sử xã hội và lịch sử cá nhân. Đây là kiểu thời gian khá quen thuộc trong các tiểu thuyết sử thi hoặc anh hùng ca. Kiểu thời gian này không chỉ “phản ánh được những sự kiện lịch sử có ý nghĩa rộng lớn” mà còn “soi sáng được cuộc sống của nhân dân trong toàn bộ tính đa dạng của nó. [dẫn theo 52, tr.22]. Đó còn là kiểu thời gian mà “từ trong tới ngoài vượt khỏi cái khung của nó, trong đó, đời tư con người thấm nhuần lịch sử và triết học lịch sử, con người được thể hiện như một phần tử sống động của nhân dân mình”. Thời gian “nắm bắt những đổi thay của các thời kỳ lịch sử, sự tiếp nối của các thế hệ để hướng tới các số phận tương lai của nhân dân hay giai cấp” [dẫn theo 79, tr.390].

Tuy nhiên, dù có nói đến thời gian cá nhân nhưng trong tiểu thuyết của Suvănthon, thời gian lịch sử vẫn là chủ đạo. “Năm 1946, cách mạng đã về, Mường Xê Pôn – quê hương yêu dấu của cô được giải phóng. Năm ấy Xô Pha vừa tròn chín tuổi. Cô xin làm liên lạc cho một đơn vị bộ đội cách mạng” [177, tr.94]; “Năm 1952 Khăm Mặn vào bộ đội, làm liên lạc đại đội vũ trang

đánh thực dân Pháp ở Nam Lào. Thi hành hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương, Khăm Mặn theo đơn vị về tập kết ở tỉnh Sầm Nưa. Ở đây, anh được học tập chính trị, dự các lớp huấn luyện quân sự, và được bổ túc văn hóa. Năm 1956, bọn quân phái hữu do Mỹ huấn luyện và trang bị, nhiều lần tiến công lấn chiếm hai tỉnh tập kết Sầm Nưa, Phông Xalỳ của Mặt trận Lào yêu nước. Khăm Mặn tham gia chiến đấu rất dũng cảm, anh cùng đồng đội bao lần đánh đuổi quân địch ra khỏi Mường Pơn (Sầm Nưa). Sau khi hiệp định Viêng Chăn năm 1957 về Lào được kí kết, thực hiện hòa hợp dân tộc lần thứ nhất, anh được đề bạt làm tiểu đội phó ở Tiểu đoàn Hai Pathet Lào” [176, tr.13]. Sự trưởng thành của cách mạng cũng đánh dấu sự trưởng thành của các nhân vật.

Thời gian sự kiện trong tiểu thuyết luôn được nhà văn mở rộng phạm vi phản ánh bao gồm cả thời gian cá nhân và thời gian xã hội. Đó là sự miêu tả lịch sử cá nhân trong mối tương quan với lịch sử dân tộc, số phận con người gắn liền với số phận đất nước. Đây cũng là một biểu hiện cơ bản trong bước tổng hợp chất sử thi trong tiểu thuyết của nhà văn.

Một phần của tài liệu Đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn Lào Suvănthon Bupphanuvông (tòm văn + tóm tắt) (Trang 102 - 105)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(150 trang)
w