- Đối với các rủi ro khác: cần phải xác định rõ các rủi ro đặc thù khác có thể xảy ra tùy theo từng dự án cụ thể.
B/ THẨM ĐỊNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ
2.3.2.1. Nội dung thẩm định chưa hoàn thiện
- Thẩm định tài chính dự án là nội dung quan trọng nhất trong thẩm định dự án và cũng được các NHTM quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, công việc thẩm định tài chính dự án còn bộc lộ một số điểm hạn chế sau:
+ Ta biết rằng hệ số tự tài trợ là chỉ tiêu quan trọng cần được xem xét trước tiên khi quyết định cho vay theo dự án trung và dài hạn. Nhất là trong điều kiện lãi suất vay vốn cao sẽ tạo ra một gánh nặng lớn trong tổng chi phí thực hiện dự án. Trong nhiều trường hợp, ngân hàng còn xem nhẹ việc thẩm định khả năng tham gia vốn tự có của chủ đầu tư vào dự án. Trong ví dụ nêu trên, tỷ lệ vốn tự có tham gia vào dự án ở mức trung bình (21,6% tổng nhu cầu vốn), thông thường đối với một dự án chủ đầu tư phải bỏ vốn tối thiểu 30% thì mới đạt yêu cầu của nhiều NHTM. Điều đáng nói ở đây là ngân hàng không phân tích đánh giá cụ thể nguồn vốn chủ sở hữu này chủ đầu tư huy động từ đâu, bằng cách nào và trong khoảng thời gian ra sao. Đặc biệt, trong điều kiện vốn lưu động ròng của Công ty đang bị thâm hụt, cần phải đánh giá tác động của việc tiếp tục sử dụng nguồn vốn ngắn hạn đầu tư trung dài hạn.
+ Trong quá trình thẩm định, một số cán bộ thẩm định chưa hiểu đúng bản chất của hiệu quả tài chính dự án. Họ thường tập trung vào việc xem xét khả năng trả nợ hàng năm của dự án qua việc tính toán nguồn trả nợ bằng khấu hao (+) lợi nhuận ròng. Vì vậy, họ ít quan tâm đến hiệu quả tài chính của cả vòng đời dự án. Điều này là không hợp lý. Về bản chất, nếu dự án có hiệu quả về mặt tài chính thì chắc chắn có khả năng trả nợ và vấn đề chỉ là xác định thời gian trả phù hợp mà thôi. Chính vì vậy, việc lựa chọn dự án không dựa nhiều vào các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả tài chính dự án (NPV, IRR…) mà chủ yếu dựa vào khả năng trả nợ hàng năm là không đúng. Điều này càng bộc lộ bất cập đối với dự án độc lập (dự án đồng thời là một pháp nhân hoạt động độc lập) không có sự hỗ trợ tài chính từ doanh nghiệp sở hữu. Nếu theo quan điểm này, một dự án thường có vòng đời (thường tính theo thời gian khấu hao của các máy móc thiết bị chính của dự án) và thời gian trả nợ là khác nhau. Trong những năm đầu, khi dự án chưa đạt công suất tối đa và chi phí bán hàng lớn nên khả năng trả nợ ngân hàng của dự án có thể không đảm bảo. Một số dự án đã bị từ chối theo cách này.
- Thẩm định khía cạnh phi tài chính của dự án: nội dung thẩm định phương diện thị trường, kỹ thuật ở một số dự án vẫn còn chưa sâu, đôi khi không chú ý đến các yếu tố về xã hội và môi trường của dự án. Các dự án khai thác khoáng sản như trong ví dụ này thường có độ phức tạp cao về kỹ thuật công nghệ, đặc biệt là vấn đề an toàn lao động và ô nhiễm môi trường. Trong quá trình thẩm định, cán bộ thẩm định tìm hiểu rất sơ sài về công nghệ khai thác chế biến than, về kỹ thuật xây dựng hầm lò của dự án. Để đánh giá sự phù hợp của kỹ thuật công nghệ với điều kiện khai thác than hiện nay ở Việt Nam, cũng như mức độ an toàn lao động và ô nhiễm môi trường, cán bộ thẩm định cần tìm hiểu các công nghệ khai thác hiện đang áp dụng trên thế giới, khu vực và Việt Nam. Trên cơ sở so sánh với các dự án cùng loại để đưa ra kết luận xác đáng về các yếu tố quan trọng này.