5. Bố cục của luận văn
1.2.2. Điều chỉnh chính sách ngoại thương
Trong thời kỳ đầu của phát triển kinh tế, các nước thường áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch với những mức độ khác nhau tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng quốc gia. Sau đó nới lỏng giới hạn của các biện pháp thuế quan và phi thuế quan sao cho phù hợp với nguyên tắc của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và khu vực mậu dịch tự do mà các nước tham gia. Về chính sách thuế quan, các quốc gia sử dụng thuế quan chủ yếu là nhằm bảo hộ sản xuất trong nước trước nguy cơ cạnh tranh của hàng nhập khẩu. Tại các nước Đông Nam Á chính sách này thường được áp dụng đối với các
nhóm hàng nông sản, công nghiệp nhẹ, kỹ thuật cao và một số mặt hàng khuyến dụng. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy rằng việc duy trì các biện pháp này trong một thời gian dài sẽ làm cho khả năng cạnh tranh của các mặt hàng này ngày càng giảm đi trên thị trường thế giới bởi lẽ các doanh nghiệp được bảo hộ sẽ ỷ lại và mất dần sự linh hoạt, nhạy bén, hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng thấp. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ phá sản đối với những nhóm hàng được bảo hộ khi quốc gia mở cửa nền kinh tế, và đặc biệt khi quốc gia đó gia nhập WTO hay các thoả thuận mậu dịch khu vực. Đây chính là lý do mà hầu hết các quốc gia đều có xu hướng nới lỏng dần hàng rào thuế quan đối với nhóm hàng mà ngành công nghiệp tương ứng trong nước phát triển. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng giảm thiểu hàng rào thuế quan là con đường để các nước đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và hội nhập kinh tế thế giới.
Về các biện pháp phi thuế quan, trên thực tế các quốc gia thường áp dụng hạn ngạch, trợ cấp xuất khẩu, trợ giá,… Nhìn chung các biện pháp này chỉ thực sự cần thiết trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển kinh tế. Việc áp dụng những biện pháp này trong một thời gian dài sẽ tạo ra lợi nhuận, đặc quyền cho một số doanh nghiệp. Chính điều này đã tạo ra tiêu cực, làm cho các doanh nghiệp thiếu tập trung phát triển công nghệ, tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã,… để khẳng định thương hiệu và nâng cao vị thế của mình trên thị trường quốc tế mà chỉ quan tâm đến việc vận động xin hạn ngạch. Rõ ràng là quốc gia nào muốn duy trì tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao và ổn định thì phải điều chỉnh các biện pháp phi thuế quan.